Minh bạch hoá cho vay tiêu dùng
Hoàn thành tập huấn triển khai Thông tư 39 và Thông tư 43 trên phạm vi toàn quốc | |
Cho vay tiêu dùng: Cạnh tranh khiến lãi suất giảm! | |
Cho vay tiêu dùng: Làm gì để “đánh thức” tiềm năng |
Ông Nguyễn Đình Tùng |
Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính (CTTC) nhận được phản hồi khá tích cực của xã hội. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, quy định tại Thông tư có tạo một khuôn khổ pháp lý tài chính tiêu dùng minh bạch và lành mạnh hơn. Theo ông Tùng, thời gian tới khách hàng vay tiêu dùng được hưởng lợi khá nhiều từ những quy định mới này.
Xin ông cho biết cụ thể khách hàng vay tiêu dùng có những lợi ích nào?
Trước đây, nếu khách hàng muốn vay cho mục đích tiêu dùng nhưng không đáp ứng được quy định của NH thì buộc lòng phải vay bên ngoài, hoặc vay qua CTTC với lãi suất cao, mà lãi suất này không bị kiểm soát. Còn hiện tại, với nhiều quy định chặt chẽ về lãi suất tại Thông tư 43, khách hàng sẽ không lo mắc phải “bẫy” lãi suất.
Thông tư 43 quy định, khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống, trong từng thời kỳ; trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm. CTTC phải thông báo lãi tiền vay khi có điều chỉnh, điều kiện trả nợ trước hạn, phí trả nợ trước hạn…
Bên cạnh đó trong thời gian tới, tôi nghĩ khách hàng cũng có nhiều lựa chọn hơn khi vay tiêu dùng. Cung tín dụng chắc chắn cao hơn trong thời gian tới. Để cạnh tranh thị phần, chúng tôi sẽ phải cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn cho khách hàng.
Ngoài ra, Thông tư 43 quy định CTTC phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký. CTTC phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng… Và với các quy định chặt chẽ đã tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, an toàn, lành mạnh và hiệu quả.
Theo ông, với mức cho vay của CTTC tối đa 100 triệu đồng đối với một khách hàng có phù hợp không?
Tôi nghĩ là hợp lý, bởi đối tượng vay tại CTTC thường có thu nhập thấp. Với mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, họ khó có khả năng trả nợ cho khoản vay trên 100 triệu đồng. Nhưng, NHNN cũng đã linh hoạt khi không áp dụng với trường hợp cho vay tiêu dùng để mua ô tô và sử dụng ô tô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay, vì thường nhu cầu vay của đối tượng này cao hơn nhiều so với quy định trên.
OCB có ý định thành lập CTTC để mở rộng hoạt động tín dụng này?
Theo quy định của NHNN, để thành lập CTTC mới, NH phải có tổng tài sản từ 100 nghìn tỷ đồng. OCB chưa đáp ứng được điều kiện trên nên chưa thành lập CTTC. Còn một giải pháp nữa là mua lại CTTC và NH cũng đang xúc tiến theo hướng này. Tuy nhiên, việc mua lại công ty khác cũng không phải đơn giản. Công ty tốt thì họ không bán. Những công ty có tình hình tài chính kém thì cũng có bán, nhưng chúng tôi phải nghiên cứu kỹ vì khôi phục lại những công ty đó không phải đơn giản. Nếu yếu quá thì dù giá bán có rẻ chúng tôi cũng không mua.
Tuy chưa chuyên biệt hoàn toàn mảng cho vay này, nhưng OCB cũng thành lập khối chuyên trách cho vay tiêu dùng và vẫn triển khai khá tốt. Sắp tới khi Thông tư 39 quy định về hoạt động cho vay của TCTD đi vào cuộc sống, với yêu cầu chặt chẽ đối với lĩnh vực cho vay đời sống trong đó có vay tiêu dùng, khách hàng sẽ tích cực, mạnh dạn hơn khi vay NH.
Tôi cho rằng, những thay đổi tại Thông tư 39 khá tiến bộ, thực tế cả về pháp luật lẫn kinh tế. Trách nhiệm của bên đi vay và bên cho vay được xác lập rõ ràng, tăng cường tính minh bạch, khắc phục những bất cập nảy sinh trong hoạt động tín dụng, bảo vệ quyền lợi cho người đi vay lẫn người cho vay. Thông tư 39 cũng bỏ một số quy định chi tiết tạo điều kiện cho các NHTM phát triển được các sản phẩm cho vay đặc thù, thủ tục hành chính đơn giản hóa giúp cho khách hàng nhanh chóng tiếp cận được vốn NH.
Xin cảm ơn ông!