Công ty tài chính tiêu dùng “đắt khách”
Đón đầu tiềm năng tài chính tiêu dùng | |
Mở đường cho công ty tài chính tiêu dùng tìm vốn | |
Tài chính tiêu dùng nội: Đi sau liệu có về trước? |
Tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng, cùng với khả năng NHNN yêu cầu các NHTM thành lập công ty tài chính (CTTC), chuyên biệt hoá tín dụng tiêu dùng được nhận định là những yếu tố thúc đẩy các NH mua lại các CTTC.
Theo đánh giá của các NH, năm 2017, mảng cho vay tiêu dùng sẽ phát triển mạnh |
Mới đây nhất, Công ty tài chính cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF) đã được chấp thuận sáp nhập vào SHB. Tuy mới thành lập, nhưng lãnh đạo của SHB tiết lộ là đã có nhiều đối tác từ nhiều khu vực ngỏ ý mua cổ phần của CTTC tiêu dùng SHB dù chưa thành lập.
“Theo số liệu của tổ chức Economist Intelligence Unit, năm 2015, tỷ lệ tiêu dùng/GDP của nhiều nước trên thế giới ở mức cao như Anh 65%, Đức 54%, Nhật Bản 59%. Tỷ lệ này của Việt Nam còn cao hơn cả các nước phát triển, ở mức 67%. Do vậy, các đối tác chiến lược nước ngoài quan tâm đến thị trường tài chính tiêu dùng đầy tiềm năng của Việt Nam là điều dễ hiểu”, Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết thêm.
Phân tích cụ thể hơn tiềm năng thị trường này, theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, phân khúc khách hàng mà các CTTC phục vụ là khách hàng đại chúng có thu nhập thấp. Những người này ít sử dụng dịch vụ NH với nhiều lý do như thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn… Nhóm đối tượng này lại đang chiếm tới 70-80% dân số Việt Nam nên nhu cầu vay vốn tương đối lớn.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực châu Á, nhóm khách hàng chưa bao giờ mở tài khoản cũng như sử dụng dịch vụ NH hạn chế do chưa đủ điều kiện còn khá phổ biến. Xét trên tổng thể các yếu tố trên, theo ông Tùng, sự ra đời các CTTC tiêu dùng trực thuộc NH là điều kiện tốt để những người có thu nhập thấp, nhất là khu vực nông thôn có thể tiếp cận vốn NH.
Dù về mặt luật pháp, NH không bị hạn chế cho vay tiêu dùng trực tiếp, nhưng theo ông Tùng, việc chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng bao giờ cũng mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn. Đó cũng là lý do các NH Việt Nam đang muốn thành lập riêng, hoặc mua lại CTTC.
Theo ông Tùng để CTTC tiêu dùng hoạt động hiệu quả, việc lựa chọn cách thức triển khai rất quan trọng. Bởi các đặc thù, cách tiếp cận đánh giá khách hàng, mô hình phục vụ quản lý rủi ro cũng như xử lý rủi ro của CTTC hoàn toàn khác với NH. Điểm khác biệt được chỉ ra: khác với mô hình bán hàng truyền thống của NH, đối với CTTC, càng tăng được khối lượng khách hàng càng tốt.
Do các khoản cho vay nhỏ, nếu không mở rộng đối tượng tạo ra doanh thu thì công ty đó khó có thể chịu nổi. Và cũng do vậy, cách quản lý chi phí mô hình hoạt động CTTC cũng không giống với NH. Bên cạnh đó, khi cho vay, các CTTC thường chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao, phổ biến ở hai con số do các CTTC chấp nhận tỷ lệ mất vốn lên tới 10%.
Theo đánh giá của các NH, năm 2017, mảng cho vay tiêu dùng chắc chắn sẽ phát triển mạnh với hai lý do. Một là, thị trường rất nhiều tiềm năng; Hai là, cạnh tranh về khách hàng đang ngày càng tăng.
Thực tế, trong năm qua, nhiều NH có lợi nhuận khả quan nhờ kinh doanh tốt từ CTTC tiêu dùng như HDBank, VPBank… Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho rằng, CTTC có những lợi thế khác biệt. Vấn đề là có chính sách, chiến lược kinh doanh quản lý, kiểm soát tốt rủi ro để thực hiện mục tiêu phát triển kinh doanh trên cơ sở an toàn và hiệu quả.