Mở đường cho công ty tài chính tiêu dùng tìm vốn
Công ty tài chính đa dạng hóa kênh huy động vốn, cách nào? | |
Tài chính tiêu dùng nội: Đi sau liệu có về trước? | |
Cho vay tiêu dùng nhích nhẹ |
Thị trường cho vay tiêu dùng tín chấp ngày càng phát triển mạnh mẽ khi dư nợ cho vay của các công ty tài chính (CTTC) tiêu dùng luôn tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm gần đây. Dư nợ càng tăng buộc các công ty này càng phải linh động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn đầu vào, trong đó phát hành chứng chỉ tiền gửi (CCTG) đang được xem là phương cách hiệu quả nhất.
Cung đang vượt cầu
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, thực sự trong năm 2015 và 2016, kênh phát hành CCTG đang là kênh huy động vốn khá hiệu quả của các CTTC, đặc biệt là tài chính tiêu dùng.
“Trong năm 2015, các CTTC huy động tổng cộng 14.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành CCTG. 6 tháng đầu năm 2016, số lượng vốn mà các CTTC huy động thông qua kênh này đã lên đến 23.000 tỷ đồng, nhiều hơn 64% so với mức huy động của cả năm 2015”, ông Minh nói.
Nhu cầu vốn cho vay tiêu dùng đang có xu hướng tăng vào cuối năm |
Ngày 31/12/2013, NHNN đã ban hành Thông tư 34/2013/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng phi NH trong đó có CTTC được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm CCTG để huy động vốn.
Đối tượng mua giấy tờ có giá là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối tượng mua giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng.
Trước năm 2013, các CTTC phải huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay NH trong và ngoài nước, điều này khiến CTTC bị động về thời gian cũng như đẩy chi phí vốn của các công ty này lên cao. Đại diện một CTTC cho biết, các CTTC muốn phát hành trái phiếu cần phải đăng ký và được sự đồng ý của NHNN về số lượng phát hành, và nếu lượng đăng ký mua không bằng lượng phát hành thì CTTC phải báo cáo lại với NHNN số lượng đã phát hành với chi tiết cụ thể.
Đối với một số loại giấy tờ có giá khác, ví dụ như CCTG, các CTTC chỉ báo cáo với NHNN về số lượng CCTG sau khi đã phát hành, điều này giúp các công ty này chủ động được thời gian và nguồn vốn của mình, cũng như giúp giảm chi phí huy động vốn vì lãi suất cho CCTG có thể thấp hơn so với chi phí đi vay trung, dài hạn với NH nước ngoài bao gồm cả chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động nguồn vốn của FE Credit, cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, FE Credit đã huy động được hơn 14 ngàn tỷ đồng từ sản phẩm CCTG. Lãi suất dành cho dòng sản phẩm này dao động trong khoảng từ 5,5% - 12% và có thể thay đổi tùy theo biến động của thị trường.
Có thể thấy mức lãi suất của CCTG do CTTC phát hành hấp dẫn hơn so với mức lãi suất tiền gửi NH có kỳ hạn trên 1 năm, hiện chỉ dao động ở mức khoảng 6%/năm. Ngoài ra, theo ông Phúc, kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng ổn định và có nhiều triển vọng, thu nhập bình quân của người dân sẽ tăng, đồng nghĩa với sức mua tăng với hơn 50% dân số sẵn sàng chi tiêu nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Có thể thấy lĩnh vực vay tiêu dùng chính là cơ hội đầu tư nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Điều này phần nào lý giải vì sao các đợt phát hành CCTG gần đây của các CTTC tiêu dùng lại thành công vượt kỳ vọng. Tương tự như FE Credit, Công ty Tài chính Home Credit vào đầu tháng 7 đã có một đợt phát hành CCTG với lượng đăng ký cao gấp hai lần kế hoạch phát hành của công ty.
Ông Đàm Thế Thái, Phó Tổng giám đốc HD Saison Finance, cho biết nhu cầu huy động vốn của công ty đang lớn nên kênh phát hành CCTG thực sự đã giúp rất nhiều. CCTG của HD Saison phổ biến từ 1-3 năm, và mức lãi suất dao động từ 9%-10%. “Thời gian tới công ty sẽ cân nhắc phát hành thêm CCTG với lãi suất hấp dẫn hơn nữa để thu hút nhà đầu tư”, ông Thái nói.
Với hình thức huy động vốn bằng cách phát hành CCTG, các CTTC đã thực sự chủ động hơn trong việc huy động vốn của mình, đặc biệt là có thể đa dạng hóa các kỳ hạn huy động theo nhu cầu của công ty, giúp tăng nguồn cung và thanh khoản cho thị trường thứ cấp, từ đó quay ngược lại giúp việc phát hành CCTG trên thị trường sơ cấp của CTTC được thuận lợi hơn.
Cửa hẹp cho CTTC huy động nguồn vốn dài hạn
Hiện nay, theo Thông tư 21/2012/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng phi NH chỉ có thể vay vốn từ các NH trong nước với kỳ hạn dài nhất là 1 năm. Tuy nhiên, các CTTC tiêu dùng vẫn có các khoản vay trung hạn, có thể đến 3 năm.
Để bổ sung nguồn vốn trung hạn của mình, các CTTC buộc phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, lãi suất tuy thấp hơn các khoản vay trong nước nhưng nếu bao gồm chi phí hoán đổi tiền tệ, phòng ngừa rủi ro tỷ giá, thì chi phí vốn tổng thể của các công ty này tăng cao. Hệ quả là tăng các chi phí đầu vào của các CTTC.
Thêm vào đó, Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định kể từ 1/7/2016, các tổ chức tín dụng phi NH buộc phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 200% xuống còn 100%, và sẽ giảm tiếp xuống 90% vào đầu năm 2017 và 80% vào đầu năm 2018.
Việc NHNN siết chặt hơn các tỷ lệ an toàn vốn của các định chế tài chính phi NH đòi hỏi các CTTC cần huy động nhiều nguồn vốn trung và dài hạn hơn, do vậy, quy định hiện thời theo Thông tư 21, thì phát hành giấy tờ có giá, trong đó có trái phiếu và CCTG đang là kênh huy động vốn trung dài hạn hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu này. Tuy nhiên, khi tất cả CTTC đều trông chờ vào kênh huy động vốn trung dài hạn này thì có thể xảy ra lượng cung vượt cầu trên thị trường này.
Với các CTTC là công ty con của các NH, việc có được nguồn hỗ trợ vốn giá rẻ và dài hạn là điều đơn giản. Tuy nhiên, với những CTTC tiêu dùng độc lập hoặc CTTC nước ngoài, việc huy động vốn trung dài hạn là vấn đề không đơn giản và chi phí huy động sẽ cao hơn so với những CTTC có NH mẹ chống lưng.
Do vậy, việc xem xét thay đổi Thông tư 21 là cần thiết để các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các CTTC có thể đa dạng hóa hơn nữa các kênh huy động vốn của mình, bớt lệ thuộc vào các nguồn vốn từ nước ngoài cho nguồn vốn trung và dài hạn. Các NH trong nước, đổi lại sẽ có thêm một số khách hàng mới góp phần cho tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, sở dĩ Thông tư 21 không cho phép các CTTC vay vốn kỳ hạn trên 1 năm từ NH là nhằm hạn chế rủi ro đến từ các CTTC của các tập đoàn, tổng công ty, tuy nhiên vô hình trung lại ảnh hưởng đến cả những CTTC tiêu dùng.
Việc sắp tới theo ông Minh để giúp các CTTC tiêu dùng thuận lợi hơn trong việc vay vốn trung dài hạn từ NH, NHNN cần rạch ròi chuyện quản lý các CTTC của các ngành và các CTTC tiêu dùng. Ông cho biết sẽ kiến nghị lên NHNN để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong huy động vốn trung dài hạn của các CTTC tiêu dùng.