Cùng giải bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ
Ảnh minh họa |
Minh bạch vẫn là điểm yếu của DN
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, đến thời điểm này, 670.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đến 98-99% là DNNVV. Nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị. Như vậy tuyệt đại bộ phận là DNNVV và doanh nghiệp siêu nhỏ.
Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu có đăng ký, gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 doanh nghiệp có đăng ký. Còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức mà phi chính thức ít minh bạch và phi minh bạch. Ngay trong 2 triệu đơn vị có đăng ký này thì sự minh bạch trong quản trị cũng luôn là điểm yếu với rất nhiều doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI thông tin, các DNNVV đều nói rằng vốn là một yếu tố quan trọng và cũng chính là trở ngại chính cho DNNVV.
Theo ông Lộc, Việt Nam mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, cùng với đó, năm 2017, DNNVV cũng chiếm 21% tổng dư nợ tín dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn. Để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả ba nhà, thứ nhất quản lý Nhà nước; Nhà băng và các thiết chế tài chính; Và các DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ.
Cùng nhau tháo gỡ vướng mắc
Vì là trách nhiệm của 3 nhà nên TS Vũ Tiến Lộc kiến nghị, Nhà nước cần cải cách mạnh mẽ hơn về khuôn khổ chính sách và pháp luật, tạo điều kiện cho vay trong thời đại 4.0, thúc đẩy khởi nghiệp. Đồng thời có chính sách thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.
Về phía nhà băng, ông Lộc cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, cho nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh. Các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.
“Ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ là quan hệ cho vay, ngân hàng cần là tổ chức tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Các ngân hàng có lợi thế trong việc kết nối, dẫn dắt đối tác cho các doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh. Nếu có sự cộng sinh cho các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ tạo nên tương tác, khai thông nguồn vốn, tạo động lực phát triển, giảm thiểu rủi ro cho cả ngân hàng và doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Về phía các doanh nghiệp, DNNVV cần minh bạch trong thời buổi hội nhập, 4.0, minh bạch là quan trọng nhất. Phải nâng cao, củng cố nền tảng quản trị.
“Ngân hàng chung tay cùng doanh nghiệp nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh của mình. Giải quyết vấn đề tăng cường thúc đẩy tăng cường nguồn vốn cho doanh nghiệp là trách nhiệm của ba nhà như ba cây vậy, “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, tôi tin rằng các DNNNV Việt Nam sẽ trở thành “hòn núi cao” với sự chung tay của Nhà nước cùng các tổ chức định chế tài chính”, ông Lộc nói.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) khẳng định, DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên mà ngành ngân hàng cần đầu tư vốn để phát triển, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Ông Hùng cũng chỉ ra 5 khó khăn, vướng mắc chính đang cản trở DNNVV tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng: Những khó khăn chung của thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng sản xuất kinh doanh của các DNNVV; Hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV như: quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị doanh nghiệp bất cập, thiếu phương án kinh doanh khả thi, DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ…; Chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ DN của các bộ, ngành, địa phương; Việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay NH, tạo ra áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng; Chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Theo các chuyên gia, bên cạnh sự chủ động của DN trong minh bạch thông tin, nâng cao năng lực, cần thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV.