Cuộc đua đầu tư vào lĩnh vực y tế
Cuối năm 2018, Tập đoàn Hoa Lâm đã rót hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng Bệnh viện Gia An 115 (Q. Bình Tân, TP.HCM) với đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện hiện đại để phục vụ các chuyên khoa sâu Tim mạch, Thần kinh – Đột quỵ, Nội tiết, Chấn thương chỉnh hình, Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng. Bệnh viện được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế do Kume Asia (Nhật Bản) thiết kế, quy mô 367 giường bệnh và 60 phòng khám. Được biết, đây là bệnh viện thứ 2 trong Khu Y tế Kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La.
“Đầu tư vào bệnh viện mang tính đặc thù, đòi hỏi tâm huyết cao và uy tín để thu hút được đội ngũ y bác sĩ giỏi tay nghề. Tôi cũng đã có những năm tháng chăm sóc người thân đau ốm, phải đưa ra nước ngoài chữa trị với nhiều điều bất cập như chi phí điều trị cao, việc ăn ở, đi lại quá tốn kém. Đó là chưa kể rào cản về ngôn ngữ. Điều này đã tạo nên động lực thôi thúc việc xây dựng bệnh viện quy mô, chất lượng như là một phần đóng góp cho xã hội”, bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm chia sẻ.
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông được Intracom Grourp xây dựng trên diện tích 9,5 ha, theo mô hình bệnh viện khách sạn với tổng mức đầu tư 198 triệu USD, với quy mô hơn 1.000 giường bệnh. Giai đoạn 1, bệnh viện đưa vào hoạt động 250 giường với các chuyên khoa: Khoa Phụ sản, Khoa Nhi, Khoa Ngoại, Khoa Nội, Khoa Xét nghiệm, Khoa Khám bệnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh… Đặc biệt, bệnh viện đầu tư hệ thống phòng “vip” đáp ứng yêu cầu dịch vụ cao cấp của khách hàng.
Tương tự, sau khi hệ thống các bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec của Tập đoàn VinGrourp đi vào hoạt động, Tập đoàn bất động sản FLC cũng đã đầu tư vào mảng dịch vụ y tế khi mạnh tay chi hơn 3.722 tỷ đồng để xây dựng Bệnh viện Đa khoa quốc tế 1.000 giường tại tỉnh Thái Bình. Dự án có quy mô 12ha, bao gồm 9 hạng mục chính. Trong đó có khu nhà khám liên khoa khu vực khoa truyền nhiễm, khu công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà dịch vụ tổng hợp và bán trú…
Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và phát hành năm 2018 cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế tại Việt Nam đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế. Đặc biệt, theo thống kê, hàng năm, người Việt đang chi trên 2 tỷ USD cho việc khám chữa bệnh ở nước ngoài và đây chính là cơ hội lớn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao trong nước.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đầu tư vào lĩnh vực y tế không hề đơn giản, không ít DN bỏ vốn vào lĩnh vực này đã rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí sau một thời gian bám trụ đã phải tạm dừng hoặc chấp nhận bỏ cuộc chơi. Đơn cử có thể kể ra những cái tên như Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vũ Anh (Gò Vấp), Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ (Q. Tân Phú), Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang... Trên thực tế, không nhiều DN tư nhân dám đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện đưa vào khai thác bởi tính rủi ro cao, thu hồi vốn chậm, trong khi đó từ việc xin cấp phép hoạt động cho đến triển khai xây dựng đều trải qua những quy trình, công đoạn rất khó khăn, phức tạp, tốn kém thời gian, công sức.
“Có thể nói đầu tư vào lĩnh vực y tế, xây dựng bệnh viện, DN cần phải có tầm nhìn xa trông rộng và quan trọng hơn, phải có cả cái tâm để đóng góp cho xã hội” - các chuyên gia khuyến cáo.