Đại biểu băn khoăn về tính khả thi Luật hỗ trợ DNNVV
Luật Hỗ trợ DNNVV: Thu hẹp đối tượng thụ hưởng | |
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV: Chỉ 42% tổng số doanh nghiệp được hưởng lợi | |
Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết đã có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ về quan điểm xây dựng Luật này thiết kế theo luật khung hay luật chi tiết. Nhiều nội dung quy định còn chung chung, cần quy định cụ thể hơn.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp theo lĩnh vực, theo địa bàn, ngành nghề đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, các luật về thuế, khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ... Bởi vậy Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô mà đối tượng áp dụng là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Theo đó, Dự thảo Luật thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định thì Luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số quy định trong Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV đã ổn định, được đánh giá phù hợp sẽ được luật hóa tối đa trong Luật này. Do vậy, nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Ảnh minh họa |
Tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, pháp luật các nước này cũng quy định theo xu hướng như vậy. Không quốc gia nào có Luật quy định chi tiết toàn bộ nội dung cụ thể về hỗ trợ DNNVV. Đối với Việt Nam, lần đầu tiên ban hành luật hỗ trợ cho sự phát triển của DNNVV, không thể quy định cụ thể toàn bộ nội dung hỗ trợ DNNVV mà cần phải có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Trong điều kiện cho phép có thể từng bước pháp điển hóa những văn bản này như kinh nghiệm của các nước.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, tính cụ thể và hiệu lực thi hành kịp thời của Luật vì dự án Luật giao Chính phủ quy định nhiều nội dung, đồng thời phải chờ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo Luật còn 7 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, như về tiêu chí xác định DNNVV thuộc diện được hưởng hỗ trợ, 3 nội dung quy định về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động của 3 quỹ… là nhằm bảo đảm linh hoạt phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế từng thời kỳ. Luật chỉ đưa ra những quy định khung và nguyên tắc để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Để bảo đảm Luật có thể sớm đi vào cuộc sống, theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ những nội dung này đã được quy định cụ thể trong dự thảo 4 Nghị định hướng dẫn Luật trình kèm theo gồm: (i) Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, (ii) Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, (iii) Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, (iv) Nghị định về quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.
Đồng thời, Điều 34 dự thảo Luật quy định 02 nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Đầu tư. Riêng các luật về thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề nghị Chính phủ trình Quốc hội bổ sung việc sửa đổi các nội dung liên quan đến hỗ trợ DNNVV theo quy định của Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Mặt khác, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo Luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DNNVV (giảm mức trần về số lao động, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội) sẽ thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ theo Luật này; đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương cũng như một số tổ chức tham gia hỗ trợ DNNVV.
Tuy nhiên, thảo luận về các nội dung này, đại biểu Cao Thị Giang (Quảng Bình) cho rằng, trong tiêu chí xác định DNNVV không nên đưa ra tiêu chí tổng nguồn vốn vì không phản ánh kết quả hoạt động cuối cùng của DN và không phản ánh thực chất việc phân loại DN. Bởi theo bà, một số DN vốn điều lệ nhơ hơn 100 tỷ đồng nhưng tổng vốn huy động để sản xuất kinh doanh nhỏ lớn hơn nhiều 100 tỷ đồng, do vốn điều lệ không đáp ứng đủ theo quy định nên DN sẽ phải vay thêm vốn ngân hàng để hoạt động. Như vậy chỉ tiêu này chỉ làm tăng thêm vốn vay ngân hàng. Do đó bà đề nghị nên bỏ tiêu chí tổng nguồn vốn.
Cơ bản đồng tình với thẩm tra, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) rất phấn khởi khi dự thảo luật có quy định cả Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV và Quỹ phát triển DNNVV. Theo bà, các quỹ nay có vai trò rất quan trọng với hoạt động của các DNNVV. Theo báo cáo giải trình tiếp thu, hiện có 27 quỹ được thành lập tại các địa phương, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa cao. Do đó, dự thảo luật và các văn bản hướng dẫn thi hành cần tìm cách khắc phục những tồn tại và khó khăn trong quá trình thực thi để làm sao các quỹ có thể huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đồng thời hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong việc hỗ trợ các DNNVV tiếp cận các nguồn vốn của TCTD.
Xuất phát từ vai trò của DNNVV trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và thu NSNN, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật. Tuy nhiên, ông còn băn khoăn nhiều nội dung và cho rằng, về mục tiêu để có được luật có vẻ đã hoàn thành vì đã có dự thảo luật thông qua 1 kỳ họp nhưng để đi vào cuộc sống và thực sự hỗ trợ được cho DNNVV còn băn khoăn. Các quy định còn quá chung chung, chỉ có 36 điều nhưng hầu như không quy định cụ thể.
“Đành rằng luật chỉ mang tính nguyên tắc sẽ tiếp tục triển khai bằng các luật chuyên ngành, nghị định. Nhưng như vậy có cần thiết phải ban hành luật không hay nên lồng ghép sửa đổi một số luật thuế, sửa các nghị định của Chính phủ và tính toán lại dự toán NSNN hàng năm để hỗ trợ cho DNNVV”, ông Hàm đặt vấn đề và lý giải, sở dĩ ông trình bày như vậy là việc hỗ trợ DNNVV quan trọng nhất là thể chế và nguồn lực. Nhưng thể chế theo dự án Luật thì phải chờ Chính phủ hướng dẫn hoặc chờ sửa đổi luật thuế và các luật khác liên quan. Hỗ trợ nguồn lực có 4 loại: gồm vốn hỗ trợ tín dụng bảo lãnh của Nhà nước, nhưng luật quy định tùy từng thời kỳ Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ, tức là luật chưa quy định. Thứ 2 là hỗ trợ từ NSNN, nhưng không có quy định trong luật về mức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ. Thứ 3 là miễn giảm thuế, nhưng luật quy định chờ sửa đổi Luật thuế. Thứ 4 là các nguồn khác từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, nhưng cũng chưa quy định cụ thể huy động nguồn vốn này như thế nào…
Vì vậy, theo ông trong giai đoạn hiện nay có thể tập trung vào cải cách lại bộ máy tổ chức để thực hiện tốt cho DN phát triển, đổi mới tinh thần phục vụ của công chức, hai là cải cách thủ tục hành chính, thủ tục thành lập, tiếp cận tín dụng, kê khai nộp thuế… giảm thời gian, chi phí cho DN.
Về nguồn lực hỗ trợ cần cân nhắc xây dựng chính sách hỗ trợ DN để thu hút các nguồn lực xã hội ngoài NSNN hiện chưa thấy nhiều trong luật. Bên cạnh đó cần tiếp tục duy trì các chính sách đang có hiệu quả, kể cả hỗ trợ từ NSNN, kể cả ưu đãi DNNVV trong đấu thầu…