Đột phá tư duy để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quốc hội thảo luận dự án Luật Hỗ trợ DNNVV | |
Nâng cao vai trò các hiệp hội DNNVV | |
Có luật, cơ hội tiếp cận vốn sẽ tốt hơn |
Thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của luật, nhất là trong bối cảnh NSNN còn khó khăn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải có đột phá tư duy để hỗ trợ khu vực này…
Dự thảo luật “tuyên ngôn” quá nhiều
Nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành luật, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng thời gian qua, DNNVV đã có đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội. DNNVV chiếm trên 97% tổng số DN Việt Nam, đóng góp khoảng 50% GDP, 33% thu NSNN, tạo ra 62% việc làm.
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đề nghị cân nhắc sửa tên luật thành Luật Hỗ trợ phát triển DNNVV, vì trong tên luật hiện nay từ hỗ trợ mới chỉ ra biện pháp, cách thức là yếu tố cần nhưng chưa đủ, chưa phản ánh được tầm ý nghĩa chiến lược vì mục tiêu phát triển vững chắc của khu vực DN được coi là xương sống của nền kinh tế. Cũng chưa phản ánh được mối quan hệ lợi ích tác động qua lại giữa sự phát triển của DNNVV với tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, DNNVV đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế-xã hội |
Tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô DNNVV, tuy nhiên, bà Hiền và nhiều đại biểu khác đề nghị tiêu chí về số lao động cần được quy định rõ, gắn với tiêu chí tham gia bảo hiểm xã hội, làm cơ sở để kiểm soát và đối xử công bằng. Đồng thời cũng là biện pháp tích cực để thúc đẩy, mở rộng diện bao phủ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Về các chính sách hỗ trợ cơ bản các đại biểu cho rằng, dự thảo luật “đang tuyên ngôn” quá nhiều nhưng ý nghĩa thực chất và tính khả thi của chính sách lại rất hạn chế. Ví dụ, Điều 10 được đặt tên "Hỗ trợ tín dụng, tiếp cận từ các quỹ" nhưng thực chất quy định về chức năng nhiệm vụ và phân loại, phân cấp các quỹ tài chính lại chưa có quy định quyền tiếp cận tín dụng của DNNVV thể hiện như thế nào. Đặc biệt, chưa có dự báo đầy đủ về khả năng nguồn vốn để bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Chính vì vậy, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, để ban hành chính sách thì không nhất thiết phải ban hành một đạo luật như vậy mà nên giữ khuôn khổ pháp lý là nghị định và chỉnh sửa lại những nội dung cần thiết, bởi lẽ xét về bản chất, hỗ trợ chính sách chỉ áp dụng cho từng thời kỳ, từng thời điểm với một số nhóm người cụ thể, không phải là vĩnh viễn và không phải áp dụng lâu dài. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường và xu thế hội nhập như hiện nay, việc áp dụng cơ chế đặc thù và ưu đãi lâu dài cho một nhóm đối tượng nên hạn chế.
Về chính sách tài chính, đại biểu này băn khoăn về tính khả thi và tính nhất quán trong việc ban hành chính sách. Bởi theo bà, mới chỉ cách đây 10 ngày, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về tài chính trung hạn áp dụng cho 5 năm 2016-2020. Trong đó khẳng định rất rõ quan điểm là không ban hành chính sách chế độ, đề án khi không cân đối được nguồn lực; Khẳng định rất rõ đề nghị rà soát, thu hẹp, miễn giảm thuế, hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế; Rà soát các chính sách ưu đãi ảnh hưởng đến thu ngân sách. Trong Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2017 cũng khẳng định quan điểm nhất quán, hạn chế tối đa việc các chính sách làm giảm thu ngân sách.
“Theo báo cáo đánh giá tác động, số thu giảm 13.000 tỷ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng con số đó chưa đánh giá đúng thực chất mà còn cao hơn. Chúng ta ban hành chính sách mà không cân đối được nguồn lực có nghĩa là chúng ta có lỗi với DN”, bà Mai nói.
Nhắc đến các vướng mắc hiện tại của DN, nhiều đại biểu cho rằng, khó khăn lớn nhất không phải là vấn đề thuế mà là khả năng tiếp cận nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, cơ chế, thủ tục hành chính... Vì vậy, những vấn đề liên quan đến chính sách tài chính, chính sách thuế cần rà soát lại hết sức thận trọng. Về mặt bằng sản xuất, Chính phủ cần rà soát lại việc sử dụng đất tại các tổng công ty, DNNN đang sử dụng lãng phí để điều chỉnh kịp thời, góp phần hỗ trợ mặt bằng cho DNNVV.
Cần đột phá từ tư duy
Giải trình về các nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết DNNVV đang chiếm 97% trong tổng số 610.000 DN của Việt Nam. Khu vực này đã và đang đóng góp rất lớn cho NSNN, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập và giảm bất bình đẳng trong xã hội… Nhưng thực trạng DN hiện nay hết sức khó khăn nhất là tiếp cận về tín dụng, mặt bằng, công nghệ, thị trường… Nếu chúng ta không nhìn nhận để có một cơ chế chính sách hỗ trợ cho họ thì họ rất khó có điều kiện vươn lên.
Thực tế trước đây Chính phủ đã có Nghị định 90, sau đó là Nghị định 56 và không có một văn bản riêng cho DNNVV. Tất cả các cơ chế, chính sách trong hai nghị định này đều rời rạc, chung chung, không cụ thể và không có tính khả thi nên không đi vào cuộc sống. Theo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế vừa được Quốc hội thông qua đều xem khu vực DN sẽ là động lực, xương sống cho nền kinh tế, vì vậy, chúng ta phải tập trung hỗ trợ, lấy DN làm động lực cho phát triển và lấy khu vực tư nhân là khu vực quan trọng để giảm nguồn lực huy động từ Nhà nước.
Dù một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là do quan điểm, nhận thức và tư duy. Theo ông, đối với luật này chúng ta phải có tư duy mạnh mẽ hơn, mang tính đột phá hơn và tầm nhìn chiến lược hơn. Bởi lẽ thiết kế bộ luật này là dựa trên lợi ích tổng thể của toàn bộ nền kinh tế.
Khi chúng ta mong muốn nền kinh tế sẽ dựa vào DN, và sẽ lớn mạnh cùng DN, nhất là DNNVV thì chúng ta phải đầu tư, phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Nếu chúng ta tư duy theo kiểu ngại giải quyết vấn đề không tháo gỡ khó khăn cho khu vực này bằng tư duy đột phá sẽ không bao giờ hỗ trợ được DNNVV.
Được biết, Ban Soạn thảo và Chính phủ đã xác định nguyên tắc hỗ trợ không vi phạm các nguyên tắc thị trường, không vi phạm các cam kết quốc tế và phù hợp với khả năng của ngân sách trong từng thời kỳ. Các nguyên tắc này cũng đã được xác định rõ và hỗ trợ không phải là hỗ trợ những thứ nhà nước có, nhà nước muốn mà hỗ trợ những DN cần, hỗ trợ cũng không phải hỗ trợ trực tiếp cho DN mà hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ cho DN.
Nhà nước sẽ cấp bù chênh lệch lãi suất Về tiếp cận tín dụng của ngân hàng, đây không phải là quy định cứng nhắc, bắt buộc để các ngân hàng phải có tỷ lệ hỗ trợ cho doanh nghiệp là bao nhiêu mà là khuyến khích các NHTM xây dựng các gói hỗ trợ cho DNNVV với các mức lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và thủ tục dễ dàng để DN tiếp cận. Nếu các NHTM hỗ trợ tốt cho các DNNVV thì sẽ được nhà nước hỗ trợ lại, tức là được cấp bù chênh lệch lãi suất. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội |