Luật Hỗ trợ DNNVV: Thu hẹp đối tượng thụ hưởng
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV: Chỉ 42% tổng số doanh nghiệp được hưởng lợi | |
Không thể biến Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành “siêu bộ” | |
Hỗ trợ DNNVV: Phải tính toán đến nguồn lực quốc gia |
Mục tiêu của Chính phủ đến năm 2020, cả nước sẽ có 1 triệu DN hoạt động, tuy nhiên mục tiêu này dường như đang bị cản trở bởi những khó khăn nội tại từ chính tư tưởng xây dựng luật. Đặc biệt là khi dự án Luật Hỗ trợ DNNVV đang thu hẹp đối tượng thụ hưởng.
Mặc dù dự án luật đã được xác nhận sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 3 tới, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí DNNVV: giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200 lao động; bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); sẽ thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ theo luật này.
Theo thống kê của BHXH năm 2015, trong khoảng 480.000 DN đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 DN tham gia BHXH, chiếm khoảng 42% tổng số DN. Việc bổ sung tiêu chí tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng hỗ trợ, mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.
Nhấn mạnh đến nội dung hỗ trợ, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết, hộ kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi thành DN được hỗ trợ thủ tục đăng ký. Sau khi chuyển đổi thì DN được hỗ trợ tư vấn miễn phí về thuế, kế toán trong thời hạn 3 năm, miễn lệ phí môn bài trong 3 năm.
Bên cạnh đó, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được đào tạo chuyên sâu về trình độ công nghệ kỹ thuật, thúc đẩy liên kết, hỗ trợ thử nghiệm, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Ngân sách nhà nước cũng sẽ hỗ trợ, cấp bù lãi suất để các ngân hàng cho vay đối với các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sẽ được hỗ trợ tiếp cận vốn từ quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển DNNVV…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị cần xem xét lại bởi chúng ta đang thực hiện rất nhiều nỗ lực để phát triển DN, doanh nhân, phát triển đất nước. Thế nhưng dự án luật lại đưa ra yêu cầu, điều kiện DN phải nộp bảo hiểm cho người lao động dù quy định này đã có ở Luật BHXH, nay thêm nội dung này vào dự án luật là chồng chéo.
Cùng quan điểm này, một số ý kiến khác cho rằng, quy định này cũng đang là rào cản khuyến khích hộ kinh doanh lên DN. Nhà nước đang mong muốn hộ kinh doanh lên DN để tránh thất thu thuế, để dễ dàng quản lý và để đạt mục tiêu 1 triệu vào năm 2020. Đối tượng này rất khó khăn về vốn, về mặt bằng sản xuất, nhiều hộ kinh doanh muốn lên DN để được hưởng chính sách hỗ trợ này thì dự án luật lại không đề cập. Đưa ra dự án luật như vậy rất khó thực hiện và tính khả thi không cao.
Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc cũng tỏ ý chưa hài lòng với chất lượng dự thảo luật và tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ ngay, đối tượng áp dụng luật không bao gồm DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn đầu tư nhà nước. Dự án luật có đề cập đến khái niệm DN siêu nhỏ thì cần có chính sách riêng đối với loại DN này và cần quy định ngay trong luật các tiêu chí xác định cụ thể từng loại DN siêu nhỏ, nhỏ, vừa trong từng ngành lĩnh vực, đề nghị chọn tiêu chí doanh thu để làm tiêu chí ưu tiên.
Ngoài ra, đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam cũng đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể mức thuế suất thuế thu nhập DN cho từng loại DN siêu nhỏ, nhỏ, vừa trong luật và bổ sung chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho DN được chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì cho biết, dự thảo luật cơ bản đã tiếp thu, tổng hợp đầy đủ và thực hiện một cách nghiêm túc. Song với ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc nêu, ông Dũng cho rằng, những nội dung này đã được nêu một vài lần ở hội thảo, hội nghị nhưng cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và chưa thể tiếp thu trong giai đoạn này.