Vốn Nhà nước chỉ nên ưu tiên cho dự án tác động tới toàn xã hội
Đại biểu Quốc hội: GDP đạt mức cao, đầy hứa hẹn | |
Đại biểu Quốc hội: Giữ mặt bằng lãi suất ổn định là thành công | |
Cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng tích cực |
ĐBQH Nguyễn Trường Giang phát biểu tại hội trường sáng nay (29/10) |
Đề cập đến nội dung đánh giá giữa kỳ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) tán thành với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội như đánh giá về 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, về thực hiện dự án thuộc tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An,…
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội tối đa là 2 triệu tỷ đồng.
Qua theo dõi việc dự toán và quyết toán hàng năm cho thấy, cân đối ngân sách Trung ương là hết sức khó khăn, tỷ lệ bội chi cho ngân sách vẫn còn ở mức cao, Nghị quyết 26 cũng như quy định về dự phòng bao gồm 10% dự phòng chung cho nguồn vốn và 10% dự phòng trên tổng mức được phân bổ cho từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời cũng quy định cả việc sử dụng phần nguồn dự phòng này.
"Do đó, tôi đề nghị, Chính phủ cần phải đánh giá kỹ lưỡng báo cáo cụ thể về khả năng cân đối nguồn vốn sau tổng hợp tất cả các nguồn, kể cả nguồn vốn mới phát sinh thì mới bảo đảm mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 không vượt mức 2 triệu tỷ đồng." – ông Giang nói.
Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), hơn 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là đủ để nhìn nhận những bước tiến mới và những kết quả đạt được và cả những khó khăn, thách thức đang đặt ra.
"Sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ các cấp các ngành là rất đáng ghi nhận", nữ đại biểu của Hà Nội ghi nhận nhưng bà cho biết đề cập đến thực hiện kế hoạch đầu tư công và cụm từ đầu tư dàn trải trở nên quen thuộc khi đánh giá về đầu tư công. Trong báo cáo của Chính phủ cũng đề cập đó là hạn chế lớn cần đặt ra. Như Quốc hội biết, tổng mức đầu tư là 2 triệu tỷ đồng, tuy nhiên tương đương với số vốn này thì số dự án là không nhỏ với 9.620 dự án và hiện nay nhiều địa phương số lượng dự án dở dang thiếu vốn rất lớn, là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Đặc biệt, với nguồn TPCP thì 63 tỉnh thành phố, mỗi tỉnh thành phố được phân bổ 1 dự án trong số 260 nghìn tỷ đồng.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, so sánh với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới thì số lượng dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự rất lớn và hiếm có quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có 1 dự án. "Ở nhiều nước nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước phần lớn tập trung vào dự án có sự lan tỏa, tác động toàn xã hội. Ví dụ tại Úc, kế hoạch đầu tư trung hạn chỉ tập trung cho 4 dự án lớn, còn Hàn Quốc trong số 20 dự án cao tốc thì có tới 15 dự án được đầu tư bằng các thành phần kinh tế tư nhân." - đại biểu Mai lấy ví dụ và cho rằng, mong muốn của địa phương là chính đáng, cần thiết, nhưng trong bối cảnh nợ công ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng thì bắt buộc chúng ta phải có sự lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải.
Cũng đề cập tới kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) lại lo ngại về thực hiện 2 năm còn lại của kế hoạch này.
Theo đại biểu Hàm, báo cáo của Chính phủ thể hiện 2 năm còn lại tất cả các nguồn vốn bố trí để chi đầu tư của trung ương từ nguồn thu nguồn vay, nguồn thoái vốn cổ phần chỉ được 440 nghìn tỷ đồng, dự toán năm 2019 trình Quốc hội là 197 nghìn tỷ đồng, dự kiến năm 2020 cũng chỉ 217 nghìn tỷ đồng. Như vậy cân đối 2 năm cho chi đầu tư rất nỗ lực chỉ được 414 nghìn tỷ đồng, thiếu gần 60 nghìn tỷ đồng cho các dự án đã có danh mục, với số vốn được phân bổ trong kế hoạch trung hạn 475 tỷ đồng, nếu sử dụng tiếp dự phòng trung ương sẽ thiếu khoảng 150 nghìn tỷ đồng.
Vị đại biểu của Phú Thọ cho rằng, theo phương án của Chính phủ thì các dự án được ghi tên và mức vốn cụ thể trong kế hoạch trung hạn thì phần ngân sách Trung ương phải cắt giảm 60 nghìn tỷ đồng, nếu sử dụng tiếp dự phòng các dự án này phải cắt giảm sâu hơn khoảng 150 nghìn tỷ đồng sẽ dẫn đến các dự án bị chậm tiến độ, dàn trải, đồng thời phá vỡ thành quả cơ cấu chi đầu tư công, chống nợ đọng dựa trên nguyên tắc đã được luật định chỉ quyết định dự án khi cân đối được nguồn, cách làm này tạo áp lực lớn cho giai đoạn sau.