Đại lý thuế: Sinh nhưng chưa dưỡng
Ảnh minh họa |
Điều này cũng đã được Bộ Tài chính nhìn nhận với việc ra đời Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020 vào năm 2014. Các chỉ tiêu định lượng cũng được đưa ra như giai đoạn 2011-2015, tối thiểu 3% (của gần 500.000 DN) số người nộp thuế là pháp nhân sử dụng dịch vụ đại lý thuế. Giai đoạn 2016-2020, con số này tối thiểu là 10%. Tuy nhiên, hiện chỉ có hơn 100 DN khai thuế qua đại lý.
“Tôi vốn là làm đại lý thuế nhưng mở ra hai năm không ai thuê, nên phải chuyển sang hoạt động dịch vụ kế toán”, bà Bùi Thị Lệ Phương, giám đốc một DN kinh doanh dịch vụ kế toán tấm tức khi nói về mảng kinh doanh này. Cũng bởi quy định hành nghề dịch vụ kế toán và đại lý thuế còn nhiều bất cập.
Như DN dịch vụ kế toán được làm sổ sách kế toán, được kê khai thuế nhưng không được thay mặt chủ DN làm thủ tục hành chính về thuế. Đại lý thuế được kê khai thuế, thay mặt chủ DN thực hiện các thủ tục hành chính thuế nhưng không được làm sổ sách kế toán.
DN muốn làm việc trực tiếp với cán bộ thuế để yên ấm, còn cán bộ thuế cũng không muốn các DN kê khai thuế qua đại lý bởi họ sẽ mất nguồn thu từ việc tư vấn thuế cho DN dẫn đến đại lý thuế có thị trường phát triển.
“Bản thân Bộ Tài chính muốn sinh ra các đại lý thuế nhưng không cho dòng sữa thì làm sao mà sống được”, bà Bùi Thị Lệ Phương nói. Mạnh mẽ hơn, có người còn nhìn nhận, nếu không có chính sách hỗ trợ đại lý thuế phát triển thì chúng ta vẫn ở trong vòng luẩn quẩn DNNVV bắt tay cán bộ thuế trốn thuế. Chính vì vậy, trong cải cách phải đề cập đến vấn đề ứng xử với cán bộ thuế, trong đó đặc biệt quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp…
“Cần cấm các cán bộ thuế tư vấn thuế cho DN, đề ra biện pháp và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ thuế. Không thể vừa làm cán bộ Nhà nước vừa giúp DN trốn thuế”, giám đốc điều hành của Công ty BIDIO, bà Mai Phương, một DN hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực kế toán và đại lý thuế nói.
Có ý kiến cho rằng để đại lý thuế phát triển nên sửa quy định về dịch vụ kế toán và đại lý thuế theo hướng cả đại lý thuế và dịch vụ kế toán được làm từ sổ sách kế toán đến thủ tục về thuế mà không cần có hai chứng chỉ hành nghề, vì kế toán và thuế là một chuỗi công việc gắn liền từ việc ghi chép sổ sách chứng từ kế toán, lập báo cáo tài chính đến hoàn thiện bộ hồ sơ khai thuế. Không nên tách riêng, nhất là đối với các DNNVV.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Khoa thuế và Hải quan của Học viện Tài chính chỉ ra người có chứng chỉ hành nghề kế toán, có thể làm đại lý thuế cho các DN nhỏ và siêu nhỏ, nhưng việc cho người có chứng chỉ về đại lý thuế làm dịch vụ kế toán thì phải xem xét vì để có chứng chỉ này họ chỉ cần học 2 môn về kê khai thuế, pháp luật kế toán và thuế trong khi đó, chứng chỉ kế toán phải hoàn thành 4 môn trong đó có môn về kê khai thuế và thuế nâng cao.
Quan trọng hơn cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng các dịch vụ do đại lý thuế thực hiện, như: dịch vụ về tư vấn thuế; dịch vụ rà soát sổ sách kế toán, báo cáo tài chính…; đại diện cho người nộp thuế trực tiếp giải trình với cơ quan thuế và các cơ quan Nhà nước khác các vấn đề về thuế theo quy định của pháp luật; đại diện cho người nộp thuế trực tiếp tham gia trong quá trình tranh tụng trước tòa các vấn đề liên quan đến thuế.
Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế bằng việc tạo một số ưu đãi về mặt thủ tục cho người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế và cơ chế để đại lý thuế tham gia giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng hóa đơn đối với người nộp thuế mới thành lập.