Đảng bộ Vietcombank: Ngọn cờ đầu của tái cơ cấu ngân hàng
Trước yêu cầu cấp bách của quá trình hội nhập, cần phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu từ phía các DN và hệ thống ngân hàng, yêu cầu của môi trường kinh doanh, và ngay từ nội tại. Từ đó, một đòi hỏi tất yếu là phải có các biện pháp cải tổ một cách toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.
Toàn thể cán bộ, nhân viên Vietcombank luôn nỗ lực xây dựng đơn vị phát triển ngày một bền vững |
Được sự đồng ý của NHNN, Vietcombank đã xây dựng Đề án tái cơ cấu với các nội dung chính:
Cơ cấu lại tình hình tài chính thông qua xử lý nợ tồn đọng, nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ; Tái cơ cấu mô hình tổ chức và tăng cường năng lực quản trị điều hành của Vietcombank theo quy chuẩn của một ngân hàng hiện đại và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.
Đề án đã trình lên Thống đốc NHNN và được chấp thuận. Ngày 23/10/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 149/2001/QĐ-TTg phê duyệt bản Đề án tái cơ cấu Vietcombank.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ấy, Đảng bộ Vietcombank đã góp phần to lớn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng mục tiêu hoạt động của các đơn vị chuyên môn và các đoàn thể trong hệ thống. Từ năm 2006 đến nay, Đảng bộ Vietcombank chuyển từ cấp Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng Trung ương thành Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối DN Trung ương.
Đây là những thuận lợi để Đảng bộ Vietcombank có điều kiện chủ động hơn trong công tác xây dựng Đảng. Việc bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo sát sao kịp thời của Đảng ủy Khối và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đã giúp Đảng bộ Vietcombank hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình.
Để làm tốt công tác Đảng, Đảng ủy Vietcombank đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của các ban tham mưu của Đảng và các cán bộ chuyên trách công tác Đảng trong tình hình mới. Việc xác định rõ chức năng đã giúp hệ thống tổ chức Đảng gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả, đảm bảo việc lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị được thông suốt và hiệu quả.
Đặc biệt, Đảng ủy Vietcombank đã xây dựng các đề án tiếp nhận cơ sở Đảng tại các chi nhánh, công ty trực thuộc. Từ chỗ là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Ngân hàng Trung ương với 17 chi bộ cơ sở với hơn 450 đảng viên, tới nay Đảng bộ Vietcombank đã có 31 tổ chức cơ sở đảng gồm: 7 đảng bộ cơ sở (1 Đảng bộ bộ phận của Đảng bộ trụ sở chính; 6 chi bộ trực thuộc Đảng bộ bộ phận; 81chi bộ trực thuộc) và 24 chi bộ cơ sở với tổng số 1.418 đảng viên.
Nhìn lại lịch sử hơn 50 năm đã qua của Vietcombank và chặng đường 10 năm chính thức trở thành Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc, Đảng bộ Khối DN Trung ương đã ghi nhận sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì phấn đấu, năng động, sáng tạo, luôn đi trước đón đầu và thích nghi với những đổi thay của thời cuộc để tồn tại và phát triển.
Vietcombank đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Đảng bộ Khối DN Trung ương, ngành Ngân hàng và nhân dân ghi nhận những cống hiến, đóng góp tích cực, có hiệu quả, và đã được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Ba, hạng Nhất, Huân chương Lao động các hạng, giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam, giải thưởng Sao Khuê… cùng rất nhiều cờ, bằng khen, danh hiệu thi đua, các vinh danh của Chính phủ, Đảng ủy Khối DN Trung ương, NHNN Việt Nam cũng như các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Vietcombank lần thứ I nhiệm kỳ 2005-2010, đồng thời tạo ra những thay đổi cốt lõi của mình, Vietcombank liên tục cho ra mắt các sản phẩm có thu nhập từ phí của một ngân hàng hiện đại, thay vì chủ yếu là các sản phẩm có thu nhập từ lãi của một ngân hàng truyền thống.
Đặc biệt, ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong việc hợp tác với 17 DN khác thành lập Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink… Điều này phù hợp xu thế tất yếu của thời đại, và chứng minh tầm nhìn của Ban lãnh đạo Vietcombank khi chuyển hướng sang lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Trong giai đoạn này, các hoạt động đầu tư, liên doanh góp vốn cũng được ngân hàng đặc biệt quan tâm và đem lại hiệu quả lớn.
Tiếp đến, tiến trình cổ phần hóa Vietcombank được chính thức khởi động với Chỉ thị số 11/2004/CT-TTg ngày 30/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa IX). Theo đó Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án cổ phần hóa Vietcombank.
Từ chủ trương đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, của Đảng ủy Khối DN Trung ương, cũng như của các bộ, ban, ngành có liên quan, ngày 26/12/2007, Vietcombank thực hiện chào bán thành công 97,5 triệu cổ phần (bằng 6,5% vốn điều lệ) ra công chúng (IPO), thu về 11.848 tỷ đồng. Đây được đánh giá là sự kiện IPO lớn nhất, được mong đợi nhất và thành công nhất tại Việt Nam tại thời điểm đó.
Và ngày 2/6/2008, Vietcombank chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, vốn điều lệ tại thời điểm chuyển đổi là 12.101 tỷ đồng. Việc chuyển đổi thành công mô hình hoạt động đã tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của Vietcombank trong giai đoạn tiếp theo. Sau đó, Vietcombank từng bước thực hiện niêm yết cổ phiếu trong nước, tăng vốn điều lệ và lựa chọn đối tác chiến lược.
Có thể nói, thành công lớn nhất của Vietcombank sau cổ phần hóa là những chuyển biến về chất và lượng, từ hình thức sở hữu 100% vốn nhà nước chuyển sang hình thức đa sở hữu. Sự thay đổi căn bản này tạo cho Vietcombank một xung lực mới trong phát triển, khi sự phụ thuộc vào cơ chế chính sách đối với các DN Nhà nước giảm dần. Việc cổ phần hóa cho phép Vietcombank thay đổi cơ cấu sở hữu, tạo cơ sở pháp lý cho thay đổi cơ cấu tổ chức ngân hàng, mở rộng quy mô hoạt động.
Theo quyết định đã được phê duyệt, Vietcombank đã định hình cơ cấu quản trị theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam cũng như chuẩn mực quốc tế với một công ty cổ phần. Bên cạnh đó, ngân hàng đã từng bước triển khai mô hình tổ chức và quản trị DN thống nhất trong toàn hệ thống, quản lý tập trung, hướng tới khách hàng; Phát triển hệ thống mạng lưới, tiếp tục mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch; Nâng cao năng lực quản trị.
Vietcombank tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức theo tư vấn của ING, phù hợp với tình hình Việt Nam và sự thay đổi của thị trường như: xây dựng, thay đổi quy trình, quy chế nhằm đổi mới công tác quản trị, nâng cao năng lực quản trị ngân hàng, quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng; Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực tài chính và đẩy mạnh các hoạt động thế mạnh như: tăng trưởng nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát nợ xấu, đẩy mạnh hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu và kinh doanh ngoại tệ, phát triển hoạt động kinh doanh thẻ…
Tiếp đà thắng lợi, năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Vietcombank lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 với những dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều thuận lợi, Đảng ủy, Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên Vietcombank đoàn kết nhất trí một lòng bám sát phương châm Tăng tốc - Hiệu quả - Bền vững, Với quan điểm chỉ đạo điều hành Đổi mới - Kỷ cương - Trách nhiệm, toàn hệ thống Vietcombank phấn đấu nỗ lực trên tất cả các mảng hoạt động để thực hiện thắng lợi và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Có thể thấy, bằng trí tuệ và tâm huyết, các thế hệ cán bộ nhân viên Vietcombank đã, đang và sẽ luôn nỗ lực để xây dựng Vietcombank phát triển ngày một bền vững, với mục tiêu đến năm 2020 đưa Vietcombank trở thành Ngân hàng số 1 tại Việt Nam, 1 trong 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới và được quản trị theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.