Dấu ấn mới, vị thế mới
TPP sẽ thúc đẩy kinh tế và thương mại của khu vực | |
TPP: Chớ ngó lớn, quên nhỏ | |
TPP: Lợi ích nhìn từ nhiều phía | |
Chính thức ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương |
Trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại toàn cầu vẫn chưa tiến triển nhiều sau hơn 10 năm được phát động ở Doha, xu hướng mở rộng thương mại song phương hay liên kết đa phương ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ trên khắp các khu vực trên thế giới. Việt Nam hòa dòng chảy ấy khi tạo dựng những dấu ấn mới trong một thế giới toàn cầu hóa thông qua một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác phương Đông và phương Tây trong năm 2015.
Nở rộ FTA
Ký kết FTA với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) cùng hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tạo lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cho thấy, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tích cực đưa đất nước hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới bằng các bước đi cụ thể.
Theo các chuyên gia, TPP, các FTA song phương hay AEC, sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mời gọi nguồn vốn khổng lồ từ các nhà đầu tư nước ngoài. Với TPP, Việt Nam hy vọng tiếp cận tốt hơn thị trường xuất khẩu hàng đầu là Mỹ, nhờ thuế nhập khẩu hàng may mặc, giày dép được bãi bỏ và thu hút nhiều hơn các nhà chế tạo toàn cầu sau khi đã có sự hiện diện của những doanh nghiệp khổng lồ, từ Samsung tới các nhà cung ứng cho các nhãn hiệu thể thao và thời trang như Nike và Uniqlo.
Ngày 5/5/2015, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) |
Theo nhiều nghiên cứu, sau một vài năm có hiệu lực FTA giữa Việt Nam và EAEU có thể giúp hai bên đạt thặng dư thương mại từ 8-10 tỷ USD. Tuy nhiên, những con số ấn tượng này khá “khiêm tốn” nếu so với mức tăng 36 tỷ USD của GDP vào năm 2025 mà TPP dự kiến sẽ đem đến cho Việt Nam, đất nước có khả năng "gặt hái" nhiều lợi ích nhất. Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Tami Ovebi dự báo TPP sẽ giúp Việt Nam thay đổi bộ mặt trong những thập niên tới.
Johanna Chua, một nhà kinh tế của Citigroup, đánh giá "Việt Nam đã đạt được thành tựu khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất hàng dệt may và giày dép. Những thỏa thuận này sẽ giúp thúc đẩy lợi thế cạnh tranh do các nhà máy chuyển dịch từ Trung Quốc sang, kiến tạo thêm nhiều việc làm và chuyển giao công nghệ". Bà Chua cũng cảnh báo rằng các nước châu Á khác không tham gia TPP như Campuchia, Indonesia, Myanmar và Thái Lan có thể bị thua thiệt trong cuộc đua thu hút các nhà chế tạo quốc tế.
Nestor Scherbey, Tổng giám đốc CTRMS tại Việt Nam, được Tân Hoa Xã dẫn lời nói rằng, TPP sẽ tạo động lực cạnh tranh và tăng sản lượng, thúc đẩy Việt Nam gia nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy mạnh cải cách hướng tới tăng trưởng và tạo ra nhiều cơ hội. Theo ông Scherbey, sự phát triển của các hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đem lại nguồn thu nhập cao hơn, và giúp Việt Nam có thêm nguồn tài chính để đầu tư và phát triển mạnh mẽ.
Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, AEC sẽ tạo ra một thị trường riêng cho hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của các nước thành viên. Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường truyền thống trong ASEAN như Singapore, Indonesia, Thái Lan cũng như tới các thị trường phi truyền thống như Myanmar sẽ vươn xa nhờ những ưu đãi thuế quan và phi thuế quan trong AEC.
Nâng tầm vị thế
Đài RFI dẫn nhận định của Ủy viên Thương mại châu Âu Cecilia Malmstroem cho rằng: FTA EU - Việt Nam là “một mô hình mới về chính sách thương mại với các nước đang phát triển” và sẽ là “cơ sở” trong quan hệ giữa châu Âu và Đông Nam Á.
Việt Nam là thành viên ASEAN thứ hai (sau Singapore) đạt được hiệp định lịch sử này với Brussels bởi FTA với Việt Nam là một bước đệm tiến tới tự do thương mại với cả ASEAN. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được Brussels xem là một đối tác quan trọng vì trong những thập niên gần đây, kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp ba lần và đạt 36,8 tỷ USD năm 2014.
Sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố: “Việc ký kết hiệp định ngày hôm nay mở đầu cho những mối quan hệ nhiều tham vọng hơn và hai bên có thể thực hiện được nhiều việc lớn”.
Việc Việt Nam và Hàn Quốc thành lập khu vực thương mại tự do trong năm 2015, dù mang tính “truyền thống” nhiều hơn, nhưng cũng khá quan trọng, khi tính đến nguồn đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên thị trường Việt Nam, nhất là Samsung.
FTA giữa Việt Nam với EU được coi là một thử nghiệm nhằm hướng một nước châu Á xa xôi tới khối Á - Âu non trẻ. Phần lớn thỏa thuận này dựa trên lịch sử hợp tác lâu dài của Nga với Việt Nam. Quan trọng hơn, FTA này là biểu hiện của chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương mà Liên bang Nga tái tuyên bố, chứng tỏ khía cạnh kinh tế trong chuyển đổi chính trị.
Còn TPP đưa Việt Nam gia nhập một câu lạc bộ lớn, trở thành thành viên của một khối kinh tế tiên tiến nhất hành tinh. Vị thế là điều rất quan trọng đối với Việt Nam với tư cách là một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ và sự mở cửa cũng như tích cực hội nhập quốc tế là những đặc trưng nổi bật của chính sách đối ngoại hiện nay.
Để tránh rơi vào tình trạng phụ thuộc, Việt Nam đang tiến hành những bước đi táo bạo nhằm đa dạng hóa tối đa các mối quan hệ, tạo ra một mạng lưới quan hệ đối tác kinh tế rộng rãi. Vấn đề cơ bản mà Việt Nam có thể phải đối mặt lúc này là động lực để phát triển và sự tự chủ về kinh tế.
Sẽ vượt thách thức
Phần lớn các chuyên gia nhận định các FTA mở ra cơ hội phát triển lớn cho Việt Nam, nhưng song hành với việc đó là những thách thức không nhỏ, nhất là việc tuân thủ các luật lệ thương mại quốc tế chung.
Áp lực cạnh tranh là vấn đề đáng lo ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam. Các FTA tạo ra một sân chơi bình đẳng và dỡ bỏ các rào cản thương mại giữa các nước thành viên nên thuế quan được đặt ra hàng đầu. Theo đó, Việt Nam phải dỡ bỏ các hàng rào thuế quan trên cơ sở các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước. Do đó các doanh nghiệp phải cải cách và cải thiện mạnh mẽ điều kiện lao động để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Năng suất lao động cũng là một rào cản trong tiến trình hội nhập của Việt Nam. Theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần xây dựng khung chính sách nhằm nâng cao năng suất của các ngành nghề, đa dạng hóa các ngành công nghiệp, tái cơ cấu ngành nghề…
Một thách thức đáng lưu tâm khác là làm thế nào để phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Ông Scherbey lưu ý: “Ích lợi của TPP sẽ không tới được với các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam, nếu môi trường trong nước thiếu minh bạch”.
Ông nói thêm Việt Nam cần đảm bảo triển khai đúng thời hạn các cam kết của WTO, hướng tới mục tiêu tạo dựng môi trường kinh tế hiệu quả và cạnh tranh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư và dịch vụ.
Cuối cùng Việt Nam cần tận dụng lợi thế nguồn nhân lực trẻ, đồng thời đầu tư thỏa đáng cho các nguồn lực và thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục nhằm đảm bảo một nguồn quản lý lao động chuyên nghiệp, các kỹ sư và các nhà chuyên môn lành nghề, đủ sức thúc đẩy chuỗi giá trị trong bối cảnh giá nhân công ngày càng tăng.
Việt Nam cần tận dụng lợi thế nguồn nhân lực trẻ, đồng thời đầu tư thỏa đáng cho các nguồn lực và thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục |