TPP: Lợi ích nhìn từ nhiều phía
TPP đã khơi dậy niềm hy vọng về một tương lai xán lạn của khu vực chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu, với tổng sản lượng kinh tế gần 30.000 tỷ USD. Song hiệp định cũng mang tới những tác động đáng kể đối với các nước thứ ba không phải thành viên TPP.
TPP cũng hứa hẹn tác động đáng kể tới các nước thứ ba không thuộc hiệp định này |
Việt Nam, Malaysia hưởng lợi
TPP - một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng - sẽ thúc đẩy nền kinh tế của 12 nước ven Thái Bình Dương thông qua việc mở rộng thị trường giao thương nội khối, nhưng lợi ích đem đến cho các bên sẽ không giống nhau. Mỹ ước tính hiệp định này sẽ dỡ bỏ 18.000 loại thuế quan đối với các mặt hàng chế tạo. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng nhiều công nhân trong ngành chế tạo Mỹ có thể bị mất việc làm, các tiêu chuẩn về môi trường sẽ bị tác động, đồng thời làm tăng giá thuốc.
Hãng thông tấn Canada cho rằng Việt Nam là cái tên nổi bật trong số các nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, với sự bùng nổ lợi nhuận trong hai ngành may mặc và giầy da, nhờ việc dỡ bỏ thuế quan ở Mỹ và một số thị trường lớn khác.
Các doanh nghiệp may mặc của Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác trong việc tiếp cận thị trường Mỹ, nơi đang áp mức thuế 17% đối với quần áo nhập khẩu. Ngành giầy da của Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi ở Mỹ, Mexico và Canada, những nước sẽ có thế mạnh rõ rệt trong các ngành nông nghiệp, máy móc và thiết bị điện tử.
Theo dự báo của Eurasia Group, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 11% vào năm 2025, trong đó xuất khẩu tăng 28%, do nhiều nhà sản xuất nước ngoài sẽ dịch chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam để tận dụng nhân công giá rẻ. Ngoài ra, ngành hải sản cũng được hưởng lợi nhờ thuế nhập khẩu tôm, mực ống và cá ngừ từ Việt Nam được xóa bỏ (mức hiện nay là 6,4-7,2%).
Trong khi đó, những tác động của TPP đối với Việt Nam có thể hạn chế vì Việt Nam vẫn bị áp đặt những quy định ngặt nghèo về xuất xứ nguyên liệu và việc Việt Nam xóa bỏ các loại thuế nhập khẩu đối với dược phẩm (hiện trung bình vào khoảng 2,5%) sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh gay gắt hơn giữa các công ty trong và ngoài nước. TPP cũng sẽ tăng cường việc bảo vệ bằng sáng chế, khiến không ít công ty bị hạn chế tiếp cận các sản phẩm mới, do đó khó có thể sản xuất những loại thuốc mới.
Ngoài Việt Nam, Malaysia cũng được hưởng lợi từ việc tham gia TPP. Là một mắt xích chính trong chuỗi sản xuất thiết bị điện tử toàn cầu, tham gia TPP sẽ giúp kinh tế Malaysia tăng 5,6% vào năm 2025.
Eurasia Group dự báo đến năm 2025, GDP của nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng thêm 105 tỷ USD. Tuy nhiên, Nhật Bản phải giảm bớt một số hình thức bảo hộ cho nông dân trồng lúa, như lượng gạo nhập khẩu được miễn thuế cần phải điều chỉnh lại; thuế nhập khẩu thịt bò trong 16 năm tới sẽ giảm dần xuống 9%, từ mức 38,5% hiện nay, trong khi thuế nhập khẩu thịt lợn cũng sẽ giảm đáng kể.
Theo bài đăng trên "Financial Review", một lợi ích mà TPP đem tới cho Australia là “xứ sở Kangaroo” sẽ được tiếp cận thị trường đường của Mỹ, trong khi Nhật Bản cũng sẽ giảm thuế đối với sản phẩm đến từ “xứ sở Chuột túi”.
Australia và New Zealand đã thành công trong việc gây áp lực buộc Mỹ phải thỏa hiệp về thời gian các công ty dược phẩm được bảo hộ độc quyền đối với các dữ liệu mô tả quá trình sản xuất thuốc. Thời gian bảo hộ ít nhất là 5 năm, thay vì 12 năm như yêu sách của các công ty dược phẩm Mỹ, có thể làm giảm giá thuốc đồng thời làm tăng tính cạnh tranh.
Các nước thứ ba
Trung Quốc không phải là một thành viên của TPP nhưng không loại trừ hoàn toàn khả năng nước này có thể xin gia nhập TPP trong tương lai. Lý do là Trung Quốc không muốn bị thiệt hại quá lớn, cũng như phải chịu các rủi ro của trật tự thương mại mới ở châu Á - Thái Bình Dương do TPP tạo ra.
Trên thực tế, TPP chưa phải là ưu tiên của Trung Quốc bởi chính sách ngoại thương của Trung Quốc còn có nhiều sự lựa chọn song song với TPP, như RCEP, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), Sáng kiến “Con đường Tơ lụa” trên biển và đất liền (OBOR) hay hợp tác trong khối BRICS.
Đối với EU, những tác động khi TPP có hiệu lực không chỉ là sự sụt giảm thị phần mà cả khả năng của EU tiếp cận thị trường ở châu Á cũng sẽ bị “phân biệt đối xử” hơn. Nếu EU không đàm phán xong sớm Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong khi TPP được triển khai ở châu Á, EU sẽ trở thành đối tác thứ ba kém hấp dẫn hơn với cả Mỹ và Nhật Bản.
Do đó, EU buộc phải thúc đẩy TTIP hoặc thúc đẩy thêm một hiệp định FTA với riêng Nhật Bản. Điều quan trọng hơn nữa là TPP tạo ra thế hệ FTA mới với các quy định tiến bộ vượt xa của WTO và điều này dẫn đến khả năng là trong khi cùng ở thế “phòng thủ” trước TPP, EU và Trung Quốc chắc sẽ sớm khởi động và thúc đẩy một FTA song phương.
Trong số 30 chương của hiệp định có một số chương đề cập cụ thể tới các vấn đề lao động và môi trường. Các bên phải tuân thủ Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế về các nguyên tắc và quyền lao động cơ bản. Các thành viên cũng được yêu cầu phải xây dựng và thực hiện các mức lương tối thiểu, giờ lao động tối đa và các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Hiện tại, tất cả các nước TPP, trừ Singapore, đã quy định mức lương tối thiểu.
Và vấn đề cuối cùng, TPP phần nhiều là về chính trị hơn là thương mại quốc tế. Một số người cho rằng TPP được xem như là một thành phần không thể thiếu trong chiến lược của Washington để đối phó lại với một Trung Quốc đang trỗi dậy, và được coi là đối trọng với quyền lực kinh tế của Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố "theo thỏa thuận này, chúng tôi, chứ không phải là các nước như Trung Quốc, đang viết nên các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu".