TPP sẽ thúc đẩy kinh tế và thương mại của khu vực
Ảnh minh họa |
WB cho hay TPP, nếu được thực thi, sẽ giúp hoạt động xuất khẩu của ba nước Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia tăng ở mức hai con số; tăng đáng kể thương mại trong ngành dệt may của Việt Nam. Trong khi Nhật Bản, nước xuất khẩu chủ yếu các vật liệu và thiết bị điện, sẽ được hưởng lợi từ việc cắt giảm 87% thuế đánh vào các sản phẩm công nghiệp (tiêu thụ) tại 11 quốc gia thành viên khác của TPP.
Đối với hai nước thành viên châu Á còn lại là Brunei và Singapore, tăng trưởng xuất khẩu cũng sẽ ở mức 9% và 7,5%. Con số này đối với Mỹ, Canada, Chile, Australia và Mexico sẽ lần lượt là 9,2%, 7%, 5,3%, 5% và 4,7%.
Đây cũng là phát hiện được WB công bố trước đó trong báo cáo có tiêu đề “Tiềm năng kinh tế vĩ mô ẩn trong TPP”, theo đó Mexico là nền kinh tế được hưởng lợi ít nhất từ TPP trong số 12 nước tham gia, với xuất khẩu ước chỉ tăng 4,7% trong giai đoạn 2014-2030, thấp hơn so với những con số ước tính của Việt Nam, Nhật Bản, hay Malaysia.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo nhận định nhờ hiệu ứng của TPP, mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của kinh tế Mexico sẽ vào khoảng 1,4% trong giai đoạn 2014-2030, cao hơn mức 0,4% của Mỹ, 0,7% của Australia, 1% của Chile và 1,2% của Canada nhưng lại thấp hơn nhiều so với 10% của Việt Nam, 8% của Malaysia, 3,1% của New Zealand, 2,1% của Peru. WB ước tính TPP sẽ giúp nâng GDP của toàn bộ khu vực Thái Bình Dương thêm 1,1% vào năm 2030.
Nhận định về triển vọng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dưới tác động của TPP, Chính phủ Nhật Bản ước tính việc thực hiện hiệp định này sẽ giúp nâng GDP của "xứ hoa anh đào" thêm 14.000 tỷ yen (115,5 tỷ USD) thông qua thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư. Con số trên tương đương 2,7% GDP thực năm tài chính 2014 của Nhật Bản và vượt xa dự báo trước đó, nhờ những tác động tích cực của quy định tự do hóa thương mại theo TPP, cũng như các biện pháp hỗ trợ người nông dân Nhật Bản khi sự cạnh tranh về giá cả gia tăng.
Trong khi đó, đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nước không tham gia TPP, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khẳng định TPP sẽ tạo ra một đối trọng lớn đối với kinh tế Trung Quốc và khiến nước này mất đi các khoản đầu tư đáng kể do dòng vốn này chạy sang những quốc gia có chi phí thấp hơn như Malaysia và Việt Nam.
ADB cho rằng Trung Quốc “sẽ phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh trực tiếp từ một số thành viên TPP về chi phí sản xuất thấp", trong đó luồng vốn đầu tư vào những ngành công nghiệp sử dụng lao động chi phí thấp như dệt may và giày dép sẽ bắt đầu chuyển hướng sang những “bến đỗ” mới như Malaysia và Việt Nam.
Sau nhiều năm đàm phán kéo dài, cuối cùng TPP đã được Mỹ cùng 11 quốc gia khác kết thúc thương lượng hồi tháng 10/2015. Nếu được Quốc hội các nước thông qua thì TPP sẽ tạo thành khu vực thương mại tự do ước chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay các quốc gia thành viên vẫn chưa xác định được thời gian mà TPP sẽ chính thức đi vào hoạt động.