Đầu tư xoay vòng
Kỳ vọng từ thị trường chứng khoán phái sinh | |
Để hút dòng tiền ngoại |
Trong năm 2016, lạm phát cả nước tăng trở lại chủ yếu do sự điều chỉnh giá hàng hóa dịch vụ công, điển hình là nhóm dịch vụ y tế và giáo dục. Tính đến cuối tháng 10, mức lạm phát đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 1,8% trong năm 2015. Trong đó, đóng góp của nhóm dịch vụ y tế lên đến hơn 50% với 3 lần điều chỉnh giá. Đầu tháng 11, nhằm mục tiêu giữ mức lạm phát mục tiêu 5%, Bộ Tài chính đã quyết định dừng thực hiện hai đợt điều chỉnh còn lại đối với giá dịch vụ y tế trong năm nay.
Chỉ số giá 10 tháng tăng 4%, những tháng còn lại là thách thức cho mục tiêu kiểm soát dưới 5% của Chính phủ |
Nhìn sang năm 2017, sự phục hồi của một số giá hàng hóa cơ bản gần đây có vẻ mạnh hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu các DN có bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự gia tăng của giá đầu vào hay họ có thể chuyển một phần mức tăng giá này cho người tiêu dùng. Liệu biên lợi nhuận có được giữ vững nhưng rủi ro lạm phát sẽ gia tăng?...
Xem xét đà tăng giá gần đây của các nguyên vật liệu cơ bản, nhà đầu tư có thể nhận thấy mức tăng giá là đáng kể so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, giá dầu thô Brent đã tăng từ mức 35 USD/thùng lên 48 USD/thùng trong năm 2016 (tăng 30%).
Một số chi phí nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất cũng tăng. Dễ thấy, giá đầu vào tăng đang gây áp lực lên chi phí sản xuất của các DN. Theo báo cáo của Nikkei, chỉ số giá đầu vào duy trì trong vùng tăng trưởng 8 tháng liên tiếp, tuy nhiên, chỉ một số công ty được khảo sát thực hiện điều chỉnh giá đầu ra.
Báo cáo về chỉ số PMI hồi đầu tháng cho thấy, mức tăng của chỉ số giá đầu ra là cao nhất trong hai năm trở lại đây, tuy nhiên, theo quan sát, có một sự phân hóa trong khả năng điều chỉnh giá bán đối với khách hàng tùy thuộc ngành nghề mà DN đang hoạt động.
Dự báo mới nhất của World Bank cho thấy sau sự phục hồi mạnh gần đây, so với mức giá hiện tại, giá đa số nguyên vật liệu cơ bản chỉ nhích nhẹ trong năm tới, trừ giá dầu. Dựa trên triển vọng này, chuyên viên ngành của RongViet Research cho rằng, một số DN vẫn có khả năng chuyển mức tăng giá đầu vào cho khách hàng, tuy nhiên, biên lợi nhuận sẽ thấp hơn so với những gì đã đạt được trong năm 2016.
Trong khi đó, các đối tượng được hưởng lợi từ giá đầu vào giảm nhưng đã không điều chỉnh giá bán mà thực hiện tăng chiết khấu cho đại lý có thể phải xem xét lại chính sách chiết khấu của mình.
Trong số đó, việc tăng giá đầu vào không tác động nhiều đến một số ngành hàng, đặc biệt ngành hàng liên quan đến thực phẩm, y tế và sức khỏe. Đây được xem là cơ hội để nhà đầu tư cân nhắc trong thời điểm cuối năm.
Chẳng hạn, CTCP Tập đoàn Kido đang trong quá trình chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh và chuẩn bị tham gia mạnh tay hơn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu.
Kido đã bán đi mảng bánh kẹo và thực hiện chào mua công khai 65% CTCP Dầu thực vật Tường An, một DN lớn trong mảng dầu ăn. Nếu như thương vụ hoàn tất vào cuối năm 2016, Kido sẽ sớm tạo đà tăng trưởng trong tương lai. Theo báo cáo tài chính quý III/2016, các mảng kinh doanh hiện tại của KDC vẫn có mức tăng trưởng trên 30%.
Còn đối với ngành dược, DCL của CTCP Dược phẩm Cửu Long tạo ra sự bất ngờ khi tăng từ 16.750 đồng/cổ phiếu từ đáy tháng 10/2016 lên 21.700 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, DCL có mức giá bán ưu đãi cho cán bộ công nhân viên với mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu, điều này đang tạo ra mức giá hỗ trợ cho cổ phiếu. Hiện nay cơ cấu cổ đông của DCL khá cô đặc với việc CTCP Tập đoàn FIT đã thâu tóm thành công DCL.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể nhận thấy một số cổ phiếu khác trong ngành dược như IMP, DHG đều công bố báo cáo tài chính quý III khá tốt dù giảm mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt hơn, đây luôn là ngành nằm trong tầm ngắm của khối ngoại và đang chờ đợi những thông tin về việc nới room…