Để biển sớm hồi sinh: Điểm tựa của ngư dân
Kỳ I: Để biển sớm hồi sinh: Bao giờ trở lại ngày xưa…
Xắn tay áo cùng ngư dân vượt khó
… Trở lại Cẩm Nhượng, một xã miền biển của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), nơi có bãi biển Thiên Cầm nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ. Lần theo những bãi cát vàng phẳng lặng, chúng tôi tìm đến gia đình ngư dân Nguyễn Trọng Việt, chủ tàu cá HT 90223. Ông Việt đã có hơn 30 năm gắn bó với biển cả, thông thuộc đến từng con nước, cửa biển ở miền Trung…
Ngành Ngân hàng đang nỗ lực hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn |
Nghỉ tay tâm sự sau khi đã chuẩn bị xong lương thực cho chuyến đi biển sắp tới, ông Việt cho biết, chỉ một thời gian ngắn không ra khơi, đã thấy nhớ biển đến cồn cào. Mặc dù, sau sự cố môi trường, giá trị hải sản đánh bắt được chỉ bằng gần nửa so với trước, nhưng ông và bạn thuyền vẫn quyết tâm vươn khơi, bởi đây là cái nghề đã gắn bó tự bao đời, chưa kể đó là việc mưu sinh thường nhật.
Tất thảy đều trông chờ vào những chuyến đi biển. Nhắc đến món nợ 380 triệu đồng với Agribank Cẩm Xuyên để đóng con tàu HT 90223, lão ngư này khẳng định, trong thời gian khó khăn, nếu không được ngân hàng miễn lãi, thì gia đình không biết xoay xở vào đâu, khi tàu đang phải nằm bờ. Cầu mong cho mọi việc thuận buồm xuôi gió thì nợ nần cũng sẽ vơi dần trong nay mai.
Cũng tại Hà Tĩnh, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi tôm, cá của anh Nguyễn Thái Bảo ở huyện Kỳ Anh. Trên đường đi, ông Trần Văn Tài, Giám đốc Agribank Kỳ Anh cho biết, đây là một trong những khách hàng bị thiệt hại nặng nề do nguồn nước bị nhiễm độc, chỉ trong một ngày hơn 4.000 con cá hồng, cá chẽm đang phát triển bình thường, khi thủy triều lên đẩy nước biển vào thì bất ngờ chết nổi hàng loạt.
Bên ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nằm chênh vênh trên vuông tôm, chủ nhà tâm sự, những ngày đầu rất hoang mang, cả vợ lẫn chồng như ngồi trên lửa, bởi “bỗng nhiên” số tài sản hàng trăm triệu đồng... “chết nổi” trên mặt nước. Đang lúc chán nản định “treo ao”, thì anh được cán bộ tín dụng Agribank Kỳ Anh đến động viên để tiếp tục làm ăn. Sau khi xử lý lại hệ thống ao, anh đã được ngân hàng miễn lãi khoản vay cũ, đồng thời cho vay mới 150 triệu đồng để tiếp tục thả 10 vạn tôm giống thẻ chân trắng và cá mú…
Có thể nói, “xắn tay áo”, cùng vượt khó với bà con ngư dân sau sự cố môi trường là phương châm hành động của cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng 4 tỉnh bắc miền Trung trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Tĩnh cho biết, sự cố môi trường do nhà máy Formosa gây ra đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân địa phương. Để bà con sớm vượt qua khó khăn, các TCTD trên địa bàn tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp khách hàng khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, xây dựng phương án hỗ trợ cho khách hàng, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ…
Trên địa bàn Hà Tĩnh, 9 TCTD có cho vay các cơ sở kinh doanh, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại trực tiếp hoặc ảnh hưởng gián tiếp, với tổng dư nợ khoảng hơn 226 tỷ đồng.
Trong đó, Agribank là ngân hàng bị ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố về môi trường. Tuy ảnh hưởng nặng nề, song vượt qua những khó khăn của mình, Agribank Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ bà con vượt qua hoạn nạn.
Ông Nguyễn Xuân Tâm, Phó giám đốc Agribank Hà Tĩnh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, chi nhánh đã thực hiện miễn giảm lãi cho các hộ vay bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ gốc, lãi nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ổn định tài chính. Đồng thời, tích cực cho vay mới khi khách hàng chuyển đổi ngành nghề.
Quảng Bình cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do sự cố môi trường vừa qua. Tại Agribank Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc chi nhánh cho biết, đến 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản là hơn 1.200 tỷ đồng, cho vay theo Nghị định 67/NĐ-CP đã giải ngân hơn 150 tỷ đồng…
Do vậy, sau ngư dân và nhân dân trong tỉnh, thì Agribank Quảng Bình là TCTD chịu ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố này. Tuy gặp nhiều khó khăn, song việc hỗ trợ bà con ngư dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của chi nhánh. Đặc biệt, bên cạnh hỗ trợ bà con ngư dân, Agribank Quảng Bình còn cho các DN, chủ vựa cá vay thu mua tạm trữ với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng, nhằm sớm ổn định tình hình thu mua nông sản trên địa bàn…
Hỗ trợ chuyển đổi sinh kế
Chia tay Quảng Bình, chúng tôi đến với mảnh đất lửa Quảng Trị. Cũng như ở Hà Tĩnh hay Quảng Bình… ngành Ngân hàng trên địa bàn cũng đã và đang nỗ lực đồng hành, sẻ chia hỗ trợ bà con ngư dân để họ sớm vượt qua những khó khăn…
Ông Hồ Sỹ Trọng, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Trị cho biết, tính đến nay các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 256 khách hàng với số tiền 4,03 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay cho 5 khách hàng với số tiền 229 triệu đồng. Đặc biệt, chi nhánh đã cho vay mới để khắc phục thiệt hại cho 1.842 khách hàng với số tiền gần 74 tỷ đồng.
Quảng Trị đang là địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ bà con ngư dân chuyển đổi sinh kế sau thảm hoạ môi trường. Cùng với chính quyền địa phương, ngoài việc chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân trong thời điểm hoạn nạn, các TCTD trên địa bàn đang tích cực hỗ trợ bà con chuyển đổi sinh kế, hướng đến việc khai thác đánh bắt thuỷ hải sản một cách bền vững…
Ngư dân Lê Viết Trị, ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, là một trong những khách hàng đầu tiên ở Quảng Trị được vay vốn chuyển đổi ngành nghề sau sự cố về môi trường.
Ông Trị cho biết, trước khi xảy ra sự cố về môi trường, ông chỉ đánh bắt trong lộng với con tàu QT 90668 có công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi xảy ra thảm hoạ về môi trường, ông đã được Agribank Quảng Trị hỗ trợ khoản vay 700 triệu đồng để nâng cấp con tàu có công suất lên đến 430CV, chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang làm hậu cần nghề cá, chuyên thu mua thuỷ hải sản cho bà con ở khu vực vịnh Bắc bộ.
Ông Trị vui vẻ cho biết, con tàu sau khi được nâng cấp đã có 4 chuyến vươn khơi, mỗi chuyến đi trong khoảng 2 đến 3 ngày, trừ hết các chi phí, gia đình còn lời từ 15 đến 20 triệu đồng.
Cũng theo lời ông Trị, tại thị trấn Cửa Việt, ngư dân chủ yếu đánh bắt với tàu có công suất dưới 90CV. Nếu như muốn chuyển đổi đánh bắt xa bờ thì ngư dân phải đầu tư tàu to, máy lớn với số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ. Do vậy, nếu không có những hỗ trợ từ ngân hàng, bà con rất khó để có thể chuyển đổi từ đánh bắt trong lộng sang xa bờ với hiệu quả kinh tế cao hơn...
Tại Quảng Trị, bên cạnh những hỗ trợ của ngân hàng để bà con ngư dân chuyển đổi ngành nghề, địa phương cũng đã trích gần 4 tỷ đồng từ Chương trình nông thôn mới, hỗ trợ lãi suất giúp 1.700 hộ ngư dân vay vốn để làm ăn, chuyển đổi nghề. Tỉnh cũng đã hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình gia trại, nông trại vùng cát, thành lập những tổ hợp tác, vay vốn ngân hàng đóng thuyền công suất lớn hơn vươn ra ngoài 20 hải lý đánh bắt.
Theo ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, đối với ngư dân, hộ gia đình không có điều kiện vươn khơi đánh bắt thì tập trung chuyển đổi qua phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, cũng có thể tập trung đào tạo nghề, chuyển đổi một số lực lượng lao động qua làm dịch vụ và làm công nghiệp như may mặc...
Tuy nhiên, trong thực tế, bà con ngư dân cả ngàn đời nay đã gắn bó với biển cả, việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ không hề dễ dàng thực hiện, đặc biệt là với những người đã lớn tuổi. Do vậy, việc xem xét, hỗ trợ ngư dân tiếp cận vốn vay ngân hàng để cải hoán tàu cá đánh bắt trung bờ và xa bờ cho ngư dân đang được xem là ưu tiên hàng đầu.
… Sau hơn 4 tháng xảy ra sự cố môi trường, đến nay cuộc sống của ngư dân miền Trung đã và đang bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Thế nhưng, đoàn kết, đùm bọc tương hỗ lẫn nhau để vượt qua bão tố luôn là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Những chia sẻ, động viên của nhân dân cả nước, cả hệ thống chính trị trong đó có ngành ngân hàng, đã và đang là động lực để bà con sớm vượt qua những khó khăn, nỗ lực để biển sớm hồi sinh…
Tuy phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, song với tinh thần chịu thương chịu khó, luôn vững vàng trước sóng gió của ngư dân miền Trung, cùng với những tiếp sức kịp thời, hy vọng rằng nghề biển sẽ sớm được hồi sinh, ngày càng có nhiều con tàu lướt sóng ra khơi, để rồi “thuyền anh lại về cho cá bạc đầy khoang”…