Để biển sớm hồi sinh: Bao giờ trở lại ngày xưa…
Agribank tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển | |
Agribank Bình Định tiếp tục cho vay đóng mới tàu 67 | |
Cùng tam nông vững thế chân kiềng |
Từ bữa cơm không cá
Những ngày này, dưới cái nắng nóng như đổ lửa và gió Lào miền Trung như thiêu như đốt, chúng tôi có dịp trở lại Hà Tĩnh sau gần 4 tháng thảm họa môi trường “Formosa”. Vừa tới bến xe Hà Tĩnh cũng đang độ cơm trưa. Vào một quán cơm ngay trong bến xe, thoạt nhìn trong quầy thức ăn, chỉ toàn rau với thịt. Thắc mắc thì được cô chủ quán giải thích với vẻ mặt ngạc nhiên: “Em mới tới Hà Tĩnh đúng không? Gần 4 tháng nay, ở đây không có ai ăn cá cả!”.
Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân gần như tê liệt |
Làm xong đĩa cơm cho khách, cô chủ quán tiếp tục câu chuyện. Có những hôm mua cá về nhưng bán không được, khách không ăn nên phải bỏ hết. Hiện người địa phương đã nói “không” với cá biển. Do vậy, rất cần một lời giải thích rõ ràng từ phía cơ quan chức năng là đến nay cá biển, hải sản có an toàn cho người dùng hay không? Loại nào có nhiễm độc, loại nào không để người dân biết. Để tình trạng này kéo dài quả là rất khổ.
Đem câu chuyện bữa cơm không cá trao đổi với Giám đốc NHNN tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Huy Tiến thì được ông thông tin, đó là thực tế từ gần 4 tháng nay. Thiệt hại đối với kinh tế của địa phương từ việc ảnh hưởng của sự cố môi trường “Formosa” là chưa thể tính toán hết được. Chỉ biết là rất lớn!
Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều cuộc họp với các bộ ngành, tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại cơ sở, song đến nay vẫn chưa thống kê được chính xác về thiệt hại. Sự cố đã tác động rất tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội của toàn địa phương. Chắc chắn hậu quả của sự cố này sẽ còn ảnh hưởng kéo dài.
Điều rất dễ nhận thấy ở tất cả các địa phương của Hà Tĩnh là các chợ từ thôn, xóm đến huyện, thị; thậm chí cả các chợ lớn – nơi đầu mối giao thương buôn bán, đều không bày bán các sản phẩm hải sản như cá, tôm, mực… Từ quán cơm bình dân đến nhà hàng lớn bé, hầu hết đều không có bán hàng hải sản.
Theo lịch thời vụ đánh bắt, hàng năm vào mùa này, tàu thuyền của huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hoạt động tấp nập trên các bãi ngang, vùng lộng gần bờ. Thế nhưng giờ đã khác. Suốt bờ biển dài gần cả trăm kilomet từ cửa Sót huyện Thạch Hà đến bãi biển Thiên Cầm (bãi tắm nổi tiếng của Hà Tĩnh), giờ trở nên vắng tanh ngay giữa mùa du lịch. Phía dưới biển, đa phần tàu thuyền đánh bắt cá đều neo đậu, nằm bờ.
Đứng trên bãi biển Thiên Cầm chỉ tay về phía biển, ông Nguyễn Trọng Việt, ngư dân có hơn ba chục năm bám biển của xã Cẩm Nhượng tâm sự với giọng xót xa: “Thời gian trước, cứ một ngày một đêm ra khơi thì thuyền chúng tôi với 5 lao động chí ít cũng có doanh thu từ 5-7 triệu đồng; trừ đi chi phí xăng dầu, ngày công của mỗi người cũng đủ nuôi cả nhà…”.
Rồi ông hướng về phía hàng chục nhà hàng nằm san sát tại khu du lịch biển Thiên Cầm đang trơ trọi, lác đác bóng người nói tiếp: “Các anh thấy đó, mọi năm nơi đây đông như hội, khách du lịch phải đặt phòng trước cả tháng mà chưa chắc có chỗ nghỉ. Giờ đây vắng hoe. Năm ngoái, mực đánh bắt vào, giá 280-300 ngàn đồng/kg không có để bán, giờ bán 50 ngàn đồng một ký không có người mua”.
Hộ bà Nguyễn Thị Dương, xã Cẩm Nhượng hiện đang sở hữu một cặp tàu, mỗi tàu công suất trên 265CV. Trong đó, có một chiếc mang số hiệu HT 90228 đang cầm cự hoạt động trên biển. Gia đình bà đã bao đời bám biển, nhưng giờ đây, cánh cửa kiếm sống như bị đóng lại. Cả gia đình bà với chục con người, tất cả đều trông chờ vào cặp tàu này.
Giờ đây, chỉ có mỗi một chiếc hoạt động, với tần suất 2 ngày một chuyến. Lượng cá đánh bắt được rất ít. Tàu cập bến chỉ một vài thương lái thu gom, nhưng người ta nói bao nhiêu thì ngư dân bán bấy nhiêu, giá rẻ như cho. Trước khi xảy ra sự cố, giá cá rẻ nhất cũng trên 35 ngàn đồng/kg. Hiện nay giá bán chỉ 5-7 ngàn đồng/kg.
Lau vội những giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt sạm nắng, bà Dương như tự an ủi: “Thôi thì có người thu mua là may rồi. Nếu không chắc chắn sẽ treo hết cả cặp tàu, không biết lấy tiền đâu trang trải cuộc sống hàng ngày, chưa nói đến chuyện trả lãi vay NH...”.
Đến khó khăn của nông dân
Về cái khó của người dân vùng biển, có lẽ ông Nguyễn Hoàng Lê, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Nhượng là người thấu hiểu hơn ai hết. Ông Lê cho hay, ảnh hưởng của sự cố môi trường “Formosa” không chừa bất cứ một ai trong xã. Từ ngư dân, đến nhà hàng, khách sạn, dịch vụ thương mại… Thậm chí, tác động tiêu cực đến cả người chạy xe ôm, các bà bán hàng quang gánh.
Ông giải thích, trước đây xe ôm là đội ngũ giao hàng chính của tiểu thương thu mua hải sản từ biển để chuyển bỏ mối cho tất cả nhà hàng, khách sạn, chợ trong và ngoài địa phương. Mỗi người kiếm được cũng vài trăm ngàn đồng/ngày. Giờ đây, người hành nghề xe ôm tìm mỗi ngày một cuốc kiếm mấy chục ngàn đồng cũng khó.
Hay như một phụ nữ mang quang gánh ra bến cá mua hàng từ tàu cập bờ, gánh bán dạo cho các khu dân cư, chí ít mỗi ngày kiếm đủ tiền đong gạo nuôi gia đình. Bây giờ không ai ăn cá thì biết bán cho ai… Chính quyền cấp xã đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi phải tìm ra giải pháp để chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm, tạo thu nhập tối thiểu cho người lao động địa phương.
Thực tế, không riêng Hà Tĩnh, mà người dân miền biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên – Huế cũng đang phải đối mặt với trăm bề khốn khó. Theo thống kê sơ bộ, tỉnh Quảng Bình thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường “Formosa” khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Sự cố này tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của DN và người dân Quảng Bình.
Nếu ngư dân là người bị tác động trực tiếp, thì những trang trại nuôi thủy hải sản vùng ven biển khu vực này là những người bị thiệt hại nặng nề nhất. Đến với vùng cát trắng Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), giữa trưa nắng chang chang, chiếc xe đưa chúng tôi đi lắc lư qua các cồn cát cao như núi.
Phía xa tầm mắt là hàng chục ao tôm của mô hình nuôi tôm trên cát của Công ty TNHH Tổng hợp – Thương mại Hoàng Luật dần hiện ra. Đây là mô hình điểm của Quảng Bình về hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Thế nhưng sau sự cố “Formosa” gần chục hecta mặt nước, với 17 ao nuôi tôm của Giám đốc Hoàng Văn Lởi dường như phơi đáy.
Ông Lởi chia sẻ, nhiều mô hình kinh tế được đầu tư phát triển nhằm xóa cái nghèo khó trên vùng cát trắng Quảng Bình. Rồi các mô hình nuôi tôm trên cát, nuôi thủy sản đầm hồ, cá thả lồng của người dân được hình thành, với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Nhưng bây giờ coi như trắng tay, bởi nguồn nước ô nhiễm thì không thể nào làm nghề này được. “Chúng tôi thử ứng dụng công nghệ lọc qua nhiều khâu, rất tốn kém, nhưng không hiệu quả. Mới đây, thả lại hơn triệu con giống, được một tháng tuổi nhưng tôm chết. Rồi đây hàng chục người lao động theo chúng tôi cả chục năm qua không biết làm gì để kiếm sống...”, ông Lởi xót xa.
Rời Quảng Bình vào chiều muộn, trong tôi cứ in hằn câu trăn trở của ông Lởi còn lấp lửng…
Xem tiếp kỳ 2: Điểm tựa của ngư dân
Ngay khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Thống đốc NHNN Việt Nam về chính sách hỗ trợ, đứng trước tình hình thiệt hại nặng nề của ngư dân tại các tỉnh ven biển miền Trung, Agribank đã kịp thời chỉ đạo các chi nhánh phối hợp cùng chính quyền địa phương nắm bắt thiệt hại của người dân để đưa ra các chính sách hỗ trợ nhân dân trong vùng. Hàng loạt chính sách hỗ trợ ngư dân, hộ sản xuất, DN chịu thiệt hại và bị ảnh hưởng đã nhanh chóng được Agribank triển khai đồng bộ tại 4 tỉnh miền Trung. Cụ thể: miễn 1 tháng tiền lãi vay của ngư dân; dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Agribank còn dành 500 tỷ đồng lãi suất thấp đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới. Theo đó, khách hàng vay ngắn hạn lãi suất chỉ 6%/năm, còn trung dài hạn thì lãi suất cũng chỉ ở mức 8%/năm. Đối với trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, ngân hàng sẽ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ… Đồng thời, Agribank đã ủng hộ 100 tấn gạo và 20 tỷ đồng đối với các địa phương này, trong đó Agribank chi nhánh mỗi tỉnh ủng hộ 25 tấn gạo và 5 tỷ đồng. |