Để cổ phiếu vốn hóa lớn hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
BĐS nghỉ dưỡng hấp dẫn nhà đầu tư ngoại | |
Nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng |
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Tổng giám đốc NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, sau 10 năm niêm yết, vốn điều lệ của Vietcombank đã tăng gần 3 lần, đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng. Vietcombank luôn khẳng định vị trí là TCTD niêm yết có quy mô vốn hóa cao nhất thị trường với tổng quy mô vốn hóa hiện tại xấp xỉ 225 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, năm 2018, Vietcombank cũng là NHTM Nhà nước duy nhất phát hành thành công hơn 111 triệu cổ phần riêng lẻ cho 2 đối tác hàng đầu gồm: Mizuho Nhật Bản và GIC đến từ Singapore với tổng số tiền thu về gần 6.200 tỷ đồng, củng cố vị thế là NHTM có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất tại Việt Nam.
Với Tập đoàn Vingroup, năm 2018 cũng được xem là năm rất thành công của đơn vị này trong việc huy động vốn trên TTCK với việc lập kỷ lục về IPO và làm cho TTCK Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về huy động vốn. Đánh giá cao về vai trò của TTCK trong đời sống DN, ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, nhận thức rõ vai trò thiết yếu của TTCK, hơn 10 năm qua Vingroup luôn tích cực và chủ động tham gia thị trường để nắm bắt các cơ hội tốt để huy động vốn.
Theo đó, năm 2007-2008, ngay khi đạt các tiêu chuẩn để tham gia niêm yết, tập đoàn đã lần lượt đưa cổ phiếu của CTCP VinCom với (mã VIC) và cổ phiếu của CTCP Vinpearl (mã VPR) lên niêm yết tại HoSE. Đến năm 2012, khi hai đơn vị này sáp nhập thì mã VIC trở thành mã chứng khoán của tập đoàn. Đặc biệt cuối 2017 và năm 2018, Tập đoàn Vingroup đã triển khai bán cổ phần cho NĐT với quy mô giao dịch rất lớn.
Đầu tiên là sự kiện niêm yết CTCP Vincom Retail (mã VRE). Tiếp đó là sự kiện niêm yết của CTCP Vinhomes (mã VHM). Trong thương vụ này, tổng giá trị giao dịch chuyển nhượng cổ phần của công ty cho các NĐT nước ngoài sau niêm yết đạt giá trị kỷ lục lên tới 1,35 tỷ USD. Sự kiện này đã được các tạp chí tài chính danh tiếng nước ngoài đồng loạt vinh danh là giao dịch vốn cổ phần lần đầu tiên thành công nhất khu vực châu Á năm 2018.
Khẳng định tiềm năng của TTCK Việt Nam hiện nay rất lớn, song bà Nguyễn Thị Kim Oanh cho rằng, quan ngại của các NĐT là làm sao minh bạch được thông tin để họ có đầy đủ thông tin nhất trước khi ra quyết định đầu tư của mình. Muốn vậy, Bộ Tài chính, UBCKNN cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các yêu cầu chặt chẽ và minh bạch hơn về chuẩn mực kế toán của các DN, đặc biệt là các yêu cầu về kiểm toán đối với các DN. Các công ty kiểm toán phải chịu trách nhiệm đối với báo cáo kiểm toán được công bố để NĐT yên tâm…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và UBCKNN cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế. Đại diện Vietcombank đề nghị xem xét điều chỉnh Nghị định 20/2007/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, trong đó quy định về việc khống chế chi phí lãi vay được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN đã gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.
Ngoài ra, bà Oanh cũng kiến nghị Bộ Tài chính và UBCKNN có chính sách phù hợp, nhằm tạo thuận lợi cho việc phát hành thêm cổ phiếu nhằm làm giảm bớt áp lực tăng vốn của các NHTM có vốn Nhà nước trong việc đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020.
Theo đó, cần quy định khung pháp lý cụ thể với việc phát hành riêng lẻ, đặc biệt là cơ chế giá phát hành tại các DN có vốn đầu tư của Nhà nước trong đó có các NHTMCP Nhà nước nhằm hỗ trợ và thúc đẩy được lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu và thoái vốn Nhà nước. Bên cạnh đó, cho phép các NHTM có vốn Nhà nước được trả cổ tức bằng cổ phiếu, tăng tỷ lệ lợi nhuận giữ lại để bổ sung vốn.
“Việc nới giới hạn cho NĐTNN cần cân nhắc với lộ trình phù hợp. Tuy nhiên cần thực hiện nhanh để các NHTM có thể tăng vốn. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì một mặt làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng với các NĐTNN, mặt khác cũng sẽ tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn lực khác giúp tăng năng lực tài chính của các NHTM trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn”, bà Oanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và UBCKNN cũng xem xét có cơ chế giá phù hợp hoặc bổ sung các quyền lợi khác với NĐT mua khối lượng lớn cổ phiếu trong các đợt phát hành riêng lẻ. Bởi lẽ trong suất 3 năm qua, Vietcombank đã tiếp xúc với rất nhiều NĐTNN cả trực tiếp, gián tiếp tại các thị trường Anh, Mỹ, Singapore… họ đều nhận định giá cổ phiếu của Vietcombank tương đối cao so với giá cổ phiếu của các ngân hàng có quy mô và tỷ suất lợi nhuận tương đương tại các TTCK cận biên.
“Yêu cầu mặt bằng giá phải theo giá bình quân 10 phiên giao dịch gần nhất của cổ phiếu VCB, trong đó lại thêm điều kiện hạn chế chuyển nhượng đối với NĐT lớn là không hấp dẫn NĐTNN vì họ đầu tư dựa trên việc đánh giá đúng tiềm năng và giá trị của DN chứ không phải chạy theo thị trường trong 10 phiên”, bà Oanh kiến nghị.