Nhà đầu tư ngoại vẫn bán ròng
Chứng khoán chiều 1/8: Rung lắc mạnh | |
Cổ phiếu dầu hưởng lợi, khối ngoại vẫn gom hàng |
Trong 15 phiên giao dịch cuối tháng 7, vẫn có đến 10 phiên khối ngoại bán ròng, con số áp đảo so với số phiên mua ròng chỉ là 5 phiên. 1 điểm khá thú vị ở đây là trong những phiên tăng mạnh, hoặc phiên tăng có tính bước ngoặt như vượt kháng cự quan trọng khối ngoại đều bán ròng.
Khả năng thị trường bật mạnh trong ngắn hạn là không nhiều |
Chẳng hạn, phiên 13/7, khi VN-Index vượt thoát khỏi vùng dưới 900 điểm để lên gần 910 điểm, giá trị bán ròng của khối ngoại tại HoSE đạt gần 420 tỷ đồng, phiên 17/7 VN-Index tăng hơn 1% từ 911 điểm lên 921 điểm, khối này bán ròng gần 1.630 điểm, hay phiên cuối tháng 7 mới đây dù VN-Index vượt thành công ngưỡng 950 điểm thì giá trị bán ròng của khối này là gần 25 tỷ đồng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến động thái đi ngược thị trường của nhà đầu tư nước ngoài?
Một điều dễ thấy là đợt phục hồi gần 70 điểm của VN-Index từ 890 điểm lên gần 960 điểm diễn ra trong sự nghi ngờ. Sự nghi ngờ nằm ở chỗ nhiều quan điểm vẫn cho rằng đây là sóng phục hồi của xu thế giá xuống (downtrend), vậy nên lựa chọn bán ra ở những phiên tăng là điều hiển nhiên. Một điểm cũng rất quan trọng ở đây là bất kỳ nhà đầu tư nào cũng không muốn bán đáy vì vừa phải bán giá thấp lại vừa khó bán. Vậy nên trong những phiên hồi, giá cao, thanh khoản tốt sẽ được lựa chọn.
Nguyên nhân kế tiếp có thể kể ra chính là việc sau một đợt suy giảm, sức bật cũng như vị thế của từng nhóm cổ phiếu thay đổi. Đơn cử, chỉ cách đây vài tháng trước, một hay một nhóm cổ phiếu nào đó được nhận định vẫn ở trong xu thế tăng (uptrend) tuy nhiên trong đợt suy giảm này vì bị bán ra quá mạnh, đà tăng có thể giảm, chưa kể cổ đông nội bộ, cổ đông lớn cũng đăng ký bán ra gây áp lực nguồn cung dài hạn. Như vậy, nhà đầu tư sẽ phải tính đến việc thay đổi danh mục của mình.
Không chỉ sức bật của cổ phiếu thay đổi mà ngay cả việc thị trường bước vào mùa báo cáo tài chính quý II/2018 cũng như công bố kết quả kinh doanh, tốc độ hoàn thành kế hoạch nửa đầu 2018 cũng tác động rất lớn đến danh mục của các quỹ đầu tư.
Với những cổ phiếu duy trì tăng trưởng cao, thậm chí vượt kỳ vọng, dự báo có thể dẫn đến việc các tổ chức gia tăng tỷ trọng sở hữu, muốn mua vào cổ phiếu này, có thể các quỹ sẽ phải bán ra cổ phiếu khác. Đó cũng là lý do khiến các phiên mua-bán ròng đan xen lẫn nhau. Thậm chí sau khi bán ra, mà vẫn chưa thể mua vào thì việc các phiên bán ròng phần nào đó áp đảo mua ròng cũng là điều dễ hiểu.
Tính đến thời điểm này, rõ ràng động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa thể thay đổi xu hướng phục hồi của thị trường. Và trong thị trường phục hồi tích cực thì thậm chí xu hướng giao dịch của khối ngoại sẽ bị “bẻ” ngược lại. Chẳng hạn, một số cổ phiếu bị khối này bán ròng, nhưng nếu lực cầu tốt, được nhà đầu tư trong nước mua vào mạnh thì thậm chí có thể chuyển từ “downdtrend” hay “sideway” sang thành “uptrend”.
Vùng từ 900 điểm đến 950-960 điểm có thể xem là biến động trong phạm vi hẹp nhưng nếu VN-Index có thể chinh phục các vùng điểm cao hơn như 980 điểm lúc này trạng thái bán ròng của khối ngoại nhìn chung sẽ phải thay đổi. Khối này sẽ buộc phải mua vào nhiều hơn để đảm bảo danh mục của mình sẽ đồng biến với thị trường.
Nhưng khả năng thị trường bật mạnh trong ngắn hạn là không dễ, mà nhiều khả năng sẽ diễn biến theo kiểu đi ngang và tăng dần (sideway up). Quá trình thanh lọc danh mục của khối ngoại nhiều khả năng sẽ diễn ra trong khoảng 10 phiên nữa, tuy nhiên, giá trị bán ròng nhiều khả năng sẽ giảm dần. Với riêng từng cổ phiếu đã bị khối này bán ra mạnh trong vài tháng qua, giá trị bán ròng cũng có thể sẽ giảm về mức cực tiểu trước khi đổi sang mua ròng.