Để không chậm chân trong hội nhập
“Quyền lực thứ 4” thời hội nhập | |
Chuẩn bị với tâm thế vững chắc mới có thể hội nhập thành công | |
Từ kiểm soát sang kiểm toán: Bước chuyển đổi mang tính đột phá |
Dù giữ vai trò tiên phong trong minh bạch hoá và hiện đại hoá môi trường kinh doanh, song ngành kế toán - kiểm toán dường như lại đang hụt hơi trong hội nhập.
Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng toàn cầu của ngành kế toán kiểm toán tài chính và chiến lược của Việt Nam đến 2020”, do Bộ Tài chính và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) phối hợp tổ chức đầu tuần này, các chuyên gia đánh giá đây là lĩnh vực đặc thù mà trong đó con người đóng vai trò then chốt. Vì vậy, để không tụt hậu trong hội nhập, chất lượng nguồn nhân lực cần được cải thiện nhanh và mạnh hơn.
Tiêu chuẩn còn cục bộ
Ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán kiểm toán (Bộ Tài chính) nhận định, Việt Nam đã có 3 thập kỷ thực hiện cải cách kế toán, kiểm toán. Ở thập kỷ thứ 4 này, với Chiến lược phát triển kế toán, kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030, hệ thống kế toán, kiểm toán Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế thị trường chuyển đổi, dần hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ngành kế toán, kiểm toán thúc đẩy môi trường đầu tư cạnh tranh bình đẳng |
Hệ thống DN trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán đã phát triển từ chỗ chỉ có 2 DN vào năm 1991 thì tới nay đã có hơn 240 DN với khoảng 11.000 người làm việc, trong đó khoảng 2.500 người có chứng chỉ kiểm toán, kế toán viên chuyên nghiệp. Ngành này cũng đem lại doanh thu hàng năm khoảng 5.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 700 tỷ đồng/năm.
Đó mới chỉ là những lợi ích bề nổi. Bà Datuk Alexandra Chin, Chủ tịch ACCA toàn cầu lưu ý, cần hiểu được vai trò tiên phong của nghề kế toán, kiểm toán trong môi trường mới. Bà nhấn mạnh, môi trường kinh doanh đang phát triển với sự thay đổi trong thị trường, tiến trình toàn cầu hoá, mô hình kinh doanh mới...
Trong bối cảnh đó, kế toán, kiểm toán chính là ngành nghề thúc đẩy sự minh bạch và hiện đại hoá, tạo sức ép để kiến tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng. Do đó, cần xem đây là động lực, định hướng phát triển của nền kinh tế trong tương lai.
Tuy nhiên khi đánh giá một cách công bằng, theo ông Đặng Thái Hùng, nền kinh tế thị trường của Việt Nam có những điểm còn chậm cải thiện so với khu vực và quốc tế, đặc biệt là thị trường dịch vụ. “Với các lĩnh vực khác, Việt Nam không chậm hơn nhiều so với thế giới, nhưng dịch vụ thì tụt hậu rất nhiều. Trong đó, ngành kiểm toán cũng nằm trong số các lĩnh vực chậm chân này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Điều này thể hiện ở việc nhân lực làm nghề của Việt Nam còn ít so với yêu cầu. Đội ngũ kế toán, kiểm toán viên Việt Nam có chứng chỉ của các hiệp hội quốc tế chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng số những người hành nghề trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, chất lượng của chứng chỉ trong nước cũng là điều đáng bàn.
Ông Hùng thẳng thắn cho biết: “Chúng ta ôn thi theo các chính sách pháp luật, chuẩn mực của Việt Nam, vì vậy có cái tốt là dùng được ngay trên sân nhà, nhưng trên đấu trường hội nhập thì còn cục bộ, chưa mang tính hội nhập cao”.
Gỡ nút thắt con người
Trong lúc nhân lực hành nghề còn hạn chế thì hội nhập lại gia tăng sức ép cạnh tranh. Ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được tự do hoá qua cách truyền thống nhất của các FTA là mở cửa thị trường, tự do di chuyển thể nhân.
Hiện nay, đã có sự tham gia của các định chế, tổ chức cung cấp dịch vụ 100% vốn nước ngoài, có những chuyên gia kế toán kiểm toán của các nước trong khu vực. Kéo theo đó là cả các dòng đầu tư hình thành nên nhiều định chế cung cấp dịch vụ từ nước ngoài.
Trước sức ép cạnh tranh đó, nhân lực ngành kế toán, kiểm toán không chỉ phải vươn lên để “vượt qua chính mình” mà còn phải đón đầu các xu thế mới. Khảo sát “Tương lai của các chuyên gia tài chính” do ACCA thực hiện trong 2 năm tại 19 quốc gia đã chỉ ra một số yếu tố sẽ làm thay đổi ngành nghề tài chính kế toán, mà đối tượng chịu tác động chính là các nhân sự làm việc trong ngành trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.
Trong đó ảnh hưởng lớn nhất là các quy định và sự quản lý của Nhà nước. Cụ thể là việc các cơ quan quản lý tăng cường các quy định cũng như quản lý nghiêm ngặt hơn trong giai đoạn những năm tới, tính đến năm 2025. Điều này dẫn đến tất cả các chuyên gia tài chính kế toán sẽ chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp với các mức độ khác nhau.
Yếu tố khác là tác động của công nghệ số. Theo đó, các công nghệ số ngày càng phổ biến và tác động lên DN, sẽ làm thay đổi cách thức thực hành các nghiệp vụ tài chính kế toán, cũng như đặt ra những đòi hỏi nhất định về năng lực đối với đội ngũ các chuyên gia tài chính.
Cụ thể hơn, theo Vụ Chế độ kế toán kiểm toán, vấn đề trọng yếu và cũng không kém khó khăn của ngành này là đưa các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuẩn mực kế toán công vào Việt Nam. Đây là vấn đề rất cần hoàn thiện của giai đoạn 5 năm tới (2016-2020).