Để nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả
Ngân hàng số vào cuộc cạnh tranh | |
Cạnh tranh quyết liệt ở bán lẻ | |
Khi bán lẻ là trọng tâm cốt lõi |
“Đừng bao giờ cạnh tranh về giá. Thay vì thế, hãy cạnh tranh về dịch vụ và sự đổi mới”. Câu nói của Chủ tịch Tập đoàn Alibaba - tỷ phú Jack Ma nếu đem soi chiếu vào hệ thống ngân hàng xem ra cũng có nhiều phần đúng.
Vẫn... lấy giá làm thước đo
Không ít các tổ chức quốc tế tiếp tục có những đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017. Những nỗ lực được ghi nhận của Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của hệ thống các NH Việt. Điều này cũng đồng nghĩa với sức cạnh tranh giữa các NH nội ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, thực tế các NH chưa thực sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ mà đa phần là “đua” nhau về giá (lãi suất).
Lấy giá để cạnh tranh, NH sẽ khó bền vững |
Lấy lãi suất để cạnh tranh - điều này không mới và không khó lý giải. Nguyên do trước hết nằm ở tâm lý của người gửi tiền lẫn khách hàng vay vốn là luôn quan tâm nhiều tới lãi suất. Lãi suất cao thì gửi tiền, lãi suất thấp thì vay. So sánh với các NH trên thế giới có nhiều dịch vụ đi kèm với cho vay như chuyển khoản, tư vấn...
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Ở Việt Nam, những dịch vụ đi kèm nhiều nhưng các thành phần kinh tế ít sử dụng. Thành ra thu nhập từ phi tín dụng rất thấp, bởi thế NH sẽ tập trung vào cho vay nhiều hơn. Và lãi suất tất yếu là công cụ hữu hiệu để kéo khách hàng về với mình.
Nếu xét về cạnh tranh thị phần, một chuyên gia tài chính cho rằng, có ba yếu tố khiến một NH nào đó có lợi thế: mạng lưới hoạt động, uy tín của NH và nhiều chương trình huy động vốn hấp dẫn và lãi suất cho vay thấp. “Với ba tiêu chí như vậy, những NH có vốn Nhà nước là những NH chiếm được cả ba điểm nói trên”, chuyên gia này cho hay.
Phân tích thêm, ông cho rằng: Dù có thể những NH quy mô nhỏ có những chế độ ưu đãi tốt hơn NH lớn, nhưng về mặt uy tín thì chưa chắc. Chính vì điểm uy tín đó mà các NH lớn thường thuận lợi hơn trong huy động vốn với chi phí giá vốn thấp hơn. Lãi suất là công cụ để chiếm thị phần nhưng có lẽ chỉ áp dụng được cho những NH nhỏ, với các NH lớn thì dường như không cần thiết lắm.
Công nghệ thông tin là chìa khoá
Trong bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, các chuyên gia đều đồng tình rằng: Việc cạnh tranh giữa các NH nên đi vào chiều sâu, chứ không thể chỉ dừng lại ở bề nổi. Những yêu cầu đặt ra trong việc cải thiện về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị rủi ro và con người không chỉ để nâng cao sức cạnh tranh giữa các NH nội với nhau, mà phải tiến tới cạnh tranh với các NH ngoại. Chiến lược cạnh tranh về giá sẽ khó để giúp NH phát triển bền vững. Mà như vậy, cần thúc đẩy nhanh cải cách hệ thống và có chiến lược đi đường dài.
Một trong những giải pháp làm nền tảng cho sự thành công và phát triển của NH trong tương lai, đó là công nghệ thông tin (CNTT). Phát triển về CNTT sẽ mở ra những thị trường mới, sản phẩm mới, đồng thời giúp NH tạo uy tín cho khách hàng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với hệ thống NH Việt Nam là chi phí đầu tư ban đầu trong lĩnh vực này vô cùng lớn. Nếu xét với đại bộ phận NH, để có nguồn vốn đầu tư công nghệ là rất khó khăn. Theo quan sát của một lãnh đạo NHTM, những đầu tư về CNTT của các NH Việt dù đã có nhiều bước tiến, song mức độ vẫn tương đối cầm chừng.
Thêm nữa, nhìn sâu hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận thấy, thu nhập của người Việt còn thấp. Năm 2016, GDP bình quân đầu người mới chỉ đạt hơn 2.200 USD. Theo quan điểm của chuyên gia này, thu nhập của khách hàng trung bình của một quốc gia phải đạt mức 5.000 - 10.000 USD/năm, lúc đó họ mới sử dụng nhiều sản phẩm của NH như: đầu tư, tư vấn, những dịch vụ nước ngoài, chuyển tiền... “Còn một người lao động chỉ có 5 triệu đồng, cuối tháng DN chuyển lương vào tài khoản của họ, sau đó họ rút ra hết thì còn tiền đâu sử dụng dịch vụ NH” - ông Hiếu ví dụ.
Cho đến hiện tại, chỉ có khoảng 30% người dân Việt Nam biết tới và sử dụng dịch vụ NH, chủ yếu tập trung ở thành phố lớn. Các NH cũng chưa mặn mà khi mở rộng mạng lưới về vùng sâu, vùng xa vì vô cùng tốn kém. Đó là những trở ngại trong việc sử dụng dịch vụ NH. Nếu không có cầu thì cũng không có cung. Không có nhiều người sử dụng dịch vụ thì các NH cũng chưa dám bỏ tiền ra đầu tư vào CNTT để tạo ra nhiều sản phẩm.
Khó khăn là có, song phải thừa nhận phát triển CNTT chắc chắn sẽ là chìa khoá mà tất cả các NH Việt phải hướng tới để NH lớn mạnh. Nâng cao sức cạnh tranh không phải là bài toán dễ cân đo đong đếm với các NH. Tổng giám đốc HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải cho rằng, một đất nước chỉ có thể phát triển bền vững khi có những DN nội cũng phát triển mạnh mẽ, bền vững. Để có thể phát triển, tồn tại trong tương lai, DN Việt cần thật sự cải cách, nâng cao giá trị cạnh tranh, đầu tư vào công nghệ để phát triển bền vững, nâng cao kỹ năng quản trị...
Đối với NHTM - một loại hình DN đặc biệt thì đây cũng không là ngoại lệ. Thật khó để có một giải pháp chung cho các NH soi chiếu vào trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Cốt yếu là mỗi NH phải tự nhìn nhận về những điều kiện sẵn có, hoạch định ra chiến lược cụ thể và phù hợp với NH của mình để làm nền tảng cho việc minh bạch, củng cố sức khoẻ tài chính, khả năng quản trị, chất lượng nguồn nhân lực... thì cạnh tranh mới lành mạnh và hiệu quả.