Để phát huy tối đa tiềm năng của du lịch MICE
Nhiều lợi thế, nhưng không dễ
MICE là loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm hay tổ chức sự kiện... Những năm gần đây, loại hình du lịch này phát triển khá nhanh tại khu vực miền Trung, bởi ở đây đang có nhiều lợi thế, trong đó có TP. Đà Nẵng và Quảng Nam. Tuy nhiên, để du lịch MICE thực sự phát triển, khai thác được những tiềm năng vốn có thì lại không phải dễ dàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh liên kết du lịch ở các địa phương còn khá lỏng lẻo như hiện nay.
Tại khu vực miền Trung, TP. Đà Nẵng được biết tới như là điểm đến nổi bật của du lịch MICE. Bởi, bên cạnh sở hữu bờ biển dài đẹp, lại nằm ở cửa ngõ của các di sản thế giới tại miền Trung, thành phố này đang có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, sân bay quốc tế, cảng biển du lịch. Hệ thống đường bộ khá hoàn chỉnh để kết nối với các địa phương khác.
Đặc biệt, hệ thống cơ sở lưu trú, khả năng cung ứng dịch vụ phòng họp, không gian hoạt động tập thể ngoài trời đa dạng của địa phương cũng khá thuận lợi để phát triển du lịch MICE. Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều loại phòng hội nghị, hội thảo, đủ tiêu chuẩn phục vụ đa dạng nguồn khách cũng như phục vụ những đoàn có số lượng khách lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có hơn 828 cơ sở lưu trú với khoảng 38.006 phòng. Trong đó, sự ra đời của hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp mang thương hiệu quốc tế nổi tiếng như, IHG, Accor, Hyatt hay Marriott... cùng các dịch vụ giải trí đẳng cấp thế giới; các khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài; hệ thống sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế... càng kích thích thị trường du lịch MICE phát triển ở thành phố bên bờ sông Hàn.
Nên có sự hợp tác giữa các địa phương để cùng phát triển du lịch MICE |
Trong khi đó, Quảng Nam-địa phương lân cận với Đà Nẵng cũng là một “thủ phủ” du lịch ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Hiện, Quảng Nam cũng đang sở hữu rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch MICE. Thực tế, nếu xét theo chiều dài phát triển thì loại hình du lịch này phát triển ở Quảng Nam còn sớm hơn tại TP. Đà Nẵng.
Vào thời điểm những năm 2000, ngành du lịch ở địa phương đã đứng ra đăng cai, tổ chức các hội nghị hội thảo quốc tế liên quan đến vấn đề bảo tồn di sản Hội An hay Mỹ Sơn. Tại những sự kiện này, ngành du lịch Quảng Nam cũng đã đón hàng nghìn du khách, và mọi việc đều “thông dòng bén giọt”. Về cơ sở hạ tầng, tại xứ Quảng đặc biệt ở phố cổ Hội An, thị xã Điện Bàn cũng sở hữu hệ thống lưu trú, phòng họp đạt chuẩn quốc tế. Có thể dễ dàng kể ra một loạt các cơ sở lưu trú cao cấp 4 đến 5 sao ven biển như, The Nam Hai, Palm Garden, Victoria, Golden Sand, Hoi An Beach Resort… Trên thực tế, đây là những địa điểm lý tưởng để tổ chức các chương trình du lịch MICE.
Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Nam, hiện tại địa phương có đủ sức tổ chức các hoạt động du lịch MICE vì đáp ứng được các điều kiện cần thiết. Không chỉ Hội An hay Điện Bàn mà kể cả Tam Kỳ cũng đều có cơ hội phát triển MICE với nhiều điểm tham quan, cùng hệ thống khách sạn, khả năng tổ chức tốt các sự kiện.
Cạnh tranh hay hợp tác?
Thực tế hiện nay, ngành du lịch của TP. Đà Nẵng hay Quảng Nam đều đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, có sức cạnh tranh cao, trong đó có loại hình du lịch MICE. Điều này, cũng dễ hiểu bởi Quảng Nam và Đà Nẵng đều có những lợi thế riêng của mình, tập trung hướng đến mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương...
Tuy nhiên, trên thực tế du lịch MICE là loại hình du lịch cao cấp nên rất kén chọn. Những địa điểm tổ chức phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể không chỉ về hạ tầng dịch vụ, cơ sở lưu trú mà còn phải đảm bảo về an ninh, an toàn thực phẩm, điểm tham quan tốt, nhất là năng lực, trình độ phục vụ của nhân viên… Bởi vậy, theo nhiều người thay vì cạnh tranh trong nội bộ của khu vực, hai địa phương cần có sự hợp tác, bổ sung những điểm yếu, điểm mạnh cho nhau, cùng bắt tay phát triển du lịch MICE.
Đại diện một hãng lữ hành tại TP. Đà Nẵng từng chia sẻ, ngoài những yêu cầu khắt khe về chất lượng, trên nhiều phương diện như, cơ sở hạ tầng, phòng ốc, nguồn nhân lực đặc biệt là vấn đề an toàn... du lịch MICE còn cần có sự liên kết liên vùng. Du khách vừa làm việc vừa tham quan du lịch, hoặc đi mua sắm... Cụ thể, họ có thể họp ở Đà Nẵng nhưng lại đi tham quan ở Quảng Nam, trên thực tế đa số đều chọn phương án này. Bởi, nếu du khách chọn cố đô Huế lại phải di chuyển xa hơn, tốn kém về chi phí lẫn thời gian...
Nếu xét về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông thuận tiện, điểm vui chơi mua sắm, nhân lực phục vụ cho du lịch MICE rõ ràng Đà Nẵng vẫn đang nhỉnh hơn Quảng Nam. Trong khi, Quảng Nam lại có những lợi thế về không gian sinh thái và các giá trị di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, địa điểm tham quan… Bởi vậy, nếu giữa hai địa phương có sự hợp tác tốt, thay vì cạnh tranh hạ giá, thì hội nghị có thể tổ chức tại Đà Nẵng, nhưng khách lại sử dụng các dịch vụ liên quan tại Quảng Nam, bởi khoảng cách giữa hai địa phương là không quá xa, chỉ khoảng 30km. Hai địa phương không nên cạnh tranh mà cần liên kết, hỗ trợ nhau. Trong đó, lấy hạ tầng dịch vụ của Đà Nẵng làm điều kiện phát triển cho Quảng Nam. Ngược lại Quảng Nam sẽ là điểm tham quan giúp cho Đà Nẵng thu hút khách trong đó có khách du lịch MICE. Nếu có sự liên kết, rõ ràng giữa hai địa phương anh em này sẽ tránh được một cuộc chạy đua cạnh tranh về hạ tầng, khách sạn, phòng ốc, nhân lực cho du lịch MICE, mà kết cục cả hai có thể đều thất bại, khi không đủ lực hoặc đầu tư không đến nơi đến chốn.
Bên cạnh vấn đề liên kết, để cùng phát triển du lịch MICE ngành du lịch các địa phương cũng cần chú ý đến những vấn đề khác. Đơn cử như chuyện vận chuyển, làm sao để cung cấp được dịch vụ vận chuyển cho cả nghìn du khách cũng là một vấn đề. Đến nay, tại Đà Nẵng tuy có nhiều đường bay quốc tế, nhưng mỗi đường bay lại chỉ có một hoặc vài chuyến sẽ rất khó cho những đoàn khách lớn, đông người. Hay những chuyện nhỏ hơn, ví dụ như thị trường khách Trung Đông cần có những nhà hàng chuyên đồ ăn theo đạo Hồi, hay không gian làm lễ dành cho các du khách có nhu cầu...