Để thủy sản Việt không bị nước ngoài trả về
Kiểm soát thủy sản xuất đường bộ sang Trung Quốc | |
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 9 tỷ USD trong quý đầu năm | |
Hoa Kỳ chấp thuận hồ sơ kiểm soát cá da trơn Việt Nam |
Năm 2017, thủy sản Việt đạt được con số xuất khẩu kỷ lục khi vượt mốc 8 tỷ USD. Năm nay, ngành này đang phấn đấu cán đích 9 tỷ USD góp vào mục tiêu chung xuất khẩu năm 2018 đạt 40 tỷ USD, vượt mốc lịch sử năm 2017 (36,4 tỷ USD). Để đạt con số này trong năm nay, vấn đề đặt ra cho liên Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT là phải xuất khẩu bền vững, không để tái diễn tình trạng thủy sản Việt bị nước ngoài trả về.
Theo Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 3 năm 2018 đạt khoảng 3,1 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng đầu năm đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. So với quý I/2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 9%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5% và giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt gần 2 tỷ USD, tăng 6,6%.
Tại cuộc họp về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đã đánh giá cao những nỗ lực xuất khẩu của nhóm hàng này. Tuy nhiên, ông Khánh cũng chỉ ra những hạn chế của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ.
Trước hết, đó là cơ cấu xuất khẩu khi nhóm hàng này vẫn dựa mạnh vào thị trường Đông Á, chiếm tới 44% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó Trung Quốc lớn nhất chiếm hơn 26%, xuất sang Hoa Kỳ và EU là 35%. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng không bền vững. Vì một số loại sản phẩm gặp phải vấn đề lớn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài một số biện pháp bảo hộ ở thị trường nước ngoài như tôm, cá trên thị trường Hoa Kỳ, dù Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... họ đã mở cửa cho chúng ta bằng việc giảm thuế nhưng nhiều sản phẩm vẫn không vào được vì an toàn vệ sinh thực phẩm không đạt yêu cầu.
Kết quả là gần đây nhất, Cơ quan quản lý của Ả Rập Saudi đã tuyên bố tạm ngừng nhập khẩu mặt hàng thủy sản Việt Nam từ ngày 23/1/2018. Ả Rập Saudi không phải là thị trường nhập khẩu thủy sản chính của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này năm 2017 là 64,7 triệu USD (chiếm gần 7,8%), nhưng là thị trường chính của Việt Nam ở khu vực Trung Đông.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng chia sẻ sau 20 năm phát triển cá tra vẫn mang tiếng hàng thô. Hiện nay hàm lượng giá trị gia tăng đã tăng nhưng xuất khẩu tiểu ngạch vẫn chiếm lượng nhiều với giá trị ít so với chính ngạch.
Trước thực trạng này, Thủ tướng vừa ban hành riêng một Chỉ thị về vấn đề này và cho rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT mà cả Bộ Công an, Công thương, Y tế cùng phải dồn tổng lực làm sạch thủy sản Việt, xử lý dứt điểm vấn đề đối với các lô hàng thủy sản bị cảnh báo, như các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định…
Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT quản chặt việc cấp phép lưu hành thuốc thú ý, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương cập nhật quy định của thị trường nhập khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nuôi, sơ chế, chế biến thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; tổ chức giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở vi phạm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công thương tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu để sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị lạm dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, mua bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm) trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình bảo quản thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật…