Điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư mới
APEC 2017 và tâm ý của “chủ nhà” | |
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 |
DN Việt Nam lạc quan ở mức độ cao
Theo sau đó, PwC đã trình bày tóm gọn kết quả khảo sát, cho thấy nhận định của các CEO trong APEC cũng như phân tích chuyên biệt nhận định từ các CEO Việt Nam về tình hình kinh doanh trong khu vực, kế hoạch đầu tư trong tương lai.
Buổi họp báo công bố kết quả khảo sát Lãnh đạo DN APEC 2017 của PwC |
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định: "Mức độ lạc quan của các lãnh đạo DN ở Việt Nam đang ở mức cao. Điều này không có gì ngạc nhiên. Gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới”.
Quan điểm lạc quan có thể được nhìn thấy trong ba yếu tố: nền kinh tế trong nước đang mở rộng, kỳ vọng tăng trưởng mới từ các hiệp định thương mại và các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ hơn (cả tăng trưởng xuất khẩu khu vực và nội khối), cùng với triển vọng tích cực về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng. Duy trì cải cách kinh tế, củng cố các thể chế công và tập trung vào phát triển giáo dục và kỹ năng sẽ là những giải pháp tối quan trọng để giúp Việt Nam sẵn sàng cho tương lai.
Không chỉ có DN Việt Nam, “37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC”, đó là nhận định của PwC sau khi đã khảo sát hơn 1.400 nhà lãnh đạo DN trong từng nền kinh tế của 21 nền kinh tế APEC trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC (APEC CEO Summit) tại Việt Nam.
Trong năm tới, 50% DN mà PwC khảo sát sẽ tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nước ngoài khu vực APEC). Tỷ lệ này cao hơn mức 43% năm ngoái vì các DN APEC đang tìm cách nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trên nền kinh tế toàn cầu. 71% các doanh nhân dự định tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản tăng này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018, và 63% tổng số các CEO của khu vực APEC mong muốn mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới.
Những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất sẽ là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các lãnh đạo DN APEC khi đầu tư ra nước ngoài. 89% CEO của Malaysia và 86% CEO của Việt Nam mong muốn mở rộng toàn cầu.
Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC nhận định: Sự tự tin của các lãnh đạo DN cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư. Trong ngắn hạn thì điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh/liên doanh trong tương lai.
Trong khi đó, ông Sridharan Nair, lãnh đạo cấp cao khu vực, PwC Malaysia/Việt Nam nhận định: Các lãnh đạo DN ASEAN nổi bật so với các đối tác trong khu vực APEC bởi sự lạc quan trong triển vọng tăng trưởng. Trong bối cảnh giao dịch thương mại ngày càng có nhiều biến động, tỷ lệ các lãnh đạo DN ASEAN dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu trong ba năm tới là cao hơn mức trung bình.
Khu vực ASEAN có cơ sở vững chắc để mở rộng vị thế hơn nữa nhờ tốc độ tăng trưởng GDP mạnh và ổn định, đạt trung bình 5,2% hàng năm từ năm 2000 đến nay, và dân số trong độ tuổi lao động đông đảo. Để theo đuổi tăng trưởng bền vững trên quy mô quốc tế, các DN cần có được sự tin tưởng của các bên liên quan: từ cách họ thuê nhân viên, cách họ lựa chọn nhà cung cấp, đến cách họ tiếp thị sản phẩm trong và ngoài nước.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt
Các mối quan ngại của CEO về điều kiện thương mại hạn chế, đặc biệt là trong việc lưu chuyển lao động và hàng hoá, là một chủ đề chính trong nội dung thảo luận của các lãnh đạo APEC tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh và tăng trưởng. 30% lãnh đạo DN muốn diễn đàn APEC đi đầu trong việc tìm ra các giải pháp cho vấn đề di chuyển lao động.
Phần lớn các lãnh đạo DN lạc quan về tăng trưởng và đánh giá các thành viên APEC sẽ gắn kết chặt chẽ hơn về kinh tế: ba phần tư nhìn thấy tiến triển trong việc đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng, mặc dù ở tốc độ chậm. 31% các CEO tại Hoa Kỳ nói rằng tiến độ tự do hóa thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương đã bị trì hoãn hoặc đảo ngược, so với 18% trong khu vực.
Đồng thời, gần một phần tư các lãnh đạo DN APEC thừa nhận rằng họ đang đối mặt với một môi trường thương mại bị hạn chế nhiều hơn, cụ thể là khi sử dụng lao động nước ngoài (23%) hoặc lưu chuyển hàng hóa qua biên giới (19%). Trong thời gian tới, 30% dự đoán các quy định hạn chế về lao động sẽ tăng, và một phần tư dự đoán các rào cản đối với sự lưu chuyển hàng hoá sẽ tăng trong 12 tháng tới. Một nửa số CEO tại Singapore, một trong những trung tâm tài chính toàn cầu của thế giới, cho rằng rào cản sẽ gia tăng đối với sự dịch chuyển lao động trong 12 tháng tới.
Kết quả là đa số các CEO (71%) mong muốn trông cậy nhiều hơn vào mối quan hệ hợp tác kinh doanh và liên doanh để ứng phó với môi trường thương mại đang thay đổi, và 68% dự kiến tăng cường hoạt động kinh doanh trong nước hoặc tại các nền kinh tế có quan hệ song phương. Động lực để hoạt động kinh doanh ở quy mô khu vực đang tiếp tục gia tăng và thay đổi bối cảnh cạnh tranh trong các nền kinh tế APEC.
19% cho rằng đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ trong vòng ba đến năm năm tới sẽ là một công ty đa quốc gia đến từ một nền kinh tế mới nổi, hoặc một công ty dẫn đầu khu vực APEC (22%). Gần một phần ba (32%) coi các công ty đa quốc gia đến từ những nền kinh tế phát triển là đối thủ lớn nhất của họ, giảm từ tỷ lệ 41% năm 2014.
Cùng với sự lạc quan thì nhận thức về cơ hội tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo cũng được cải thiện, nhưng mối lo ngại của các lãnh đạo DN về khả năng có được các kỹ năng phù hợp để cạnh tranh toàn cầu cũng đang gia tăng.
Tự động hóa là chủ đề quan trọng thường xuyên xuất hiện trong chiến lược xây dựng lực lượng lao động cho tương lai. 58% các CEO APEC đang tự động hoá một số chức năng trong DN, 40% đang đầu tư vào công nghệ máy học (machine learning) và các công nghệ mới nổi, và 41% đang tìm kiếm những nhân sự có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới. Đối với các DN ASEAN, tự động hoá là một ưu tiên quan trọng và là yếu tố chính trong chiến lược phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số.
Chủ tịch Toàn cầu PwC nhận định: Các nền kinh tế trong khu vực APEC có thể là nơi thử nghiệm việc tích hợp tự động hóa vào lực lượng lao động của tương lai. Các DN biết rõ nhất họ cần những kỹ năng gì, và hiện nay các khu vực công và tư cần hợp tác để tạo ra các phương pháp thực tiễn để đào tạo, phát triển và tiếp cận những kỹ năng đó.
Đây là năm thứ ba liên tiếp các CEO APEC nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các DN hàng đầu trong khu vực APEC và các nền kinh tế mới nổi. Các DN này đang cùng nhau trở thành một tập hợp đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn cả các công ty đa quốc gia đến từ những nền kinh tế phát triển.