Điểm lại thông tin kinh tế tuần 22-26/10
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 25/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 24/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 23/10 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 22/10 |
Tổng quan
Cùng với việc khẳng định tăng trưởng kinh tế Việt Nam cả năm 2018 đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt, Chính phủ đã đặt ra mục tiêu được cho là khá tích cực trong năm 2019 trong báo cáo tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.
Việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2019 cao hơn năm 2018 được các chuyên gia kinh tế đánh giá là có cơ sở, khi theo dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2019 sẽ nhận được hỗ trợ đáng kể từ đà tăng trưởng tích cực của năm 2018 và tính chu kỳ của nền kinh tế.
Tính toán cho thấy, chu kỳ của nền kinh tế trong ngắn hạn đang tiếp tục xu hướng phục hồi từ giữa năm 2017, báo hiệu xu hướng tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong năm 2018 và các tháng đầu năm 2019.
Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam năm 2019 dự báo sẽ còn phải đối mặt với một loạt thách thức khác. Đó là tăng trưởng đột biến của khu vực chế biến, chế tạo khó có khả năng duy trì; dư địa hạn hẹp của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tốc độ xử lý các tập đoàn kinh tế, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm, nguy cơ các nền kinh tế chủ chốt gia tăng cạnh tranh về kinh tế, tài chính, tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ…
Lạm phát là một thách thức. Giá xăng dầu đang có xu hướng tăng cao, dự báo có thể lên tới 100 USD/thùng vào cuối năm nay, nên sẽ ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam. Trước những diễn biến của giá năng lượng thế giới hiện nay, các chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc nâng kịch trần thuế bảo vệ môi trường lên mặt hàng xăng dầu (từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít) từ đầu năm 2019 sẽ tạo ra rủi ro lạm phát tăng mạnh.
Theo đó, việc giữ mục tiêu lạm phát ở mức 4% như những năm vừa qua là rất khó khăn. Số liệu tính toán của VEPR cũng cho thấy, chỉ riêng việc tăng thuế môi trường có thể khiến tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong vòng 1 năm tới.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các vấn đề liên quan tới nợ công, đặc biệt là tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn ở mức cao… cũng là những vấn đề cần xem xét, để tính toán các chính sách tài khóa và tiền tệ cho phù hợp.
Về chính sách tiền tệ, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát; tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; phấn đấu kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức khoảng 1,5 - 1,6%; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để điều hòa lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước nhằm giảm áp lực về lượng tiền lưu thông và áp lực lên lạm phát.
Quốc hội cũng đặt câu hỏi về mục tiêu xuất nhập khẩu trong đề xuất của Chính phủ. Kết quả của các năm 2016, 2017 và ước thực hiện năm 2018 đều là xuất siêu, nhưng 2019 Chính phủ lại nêu chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Theo báo cáo của Chính phủ thì xuất nhập khẩu 2018 tăng mạnh, cao hơn mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%, trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
Chính phủ được yêu cầu làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời phân tích những ảnh hưởng của việc từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký tới giá trị xuất - nhập khẩu của năm, từ đó đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu này.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 22 - 26/10, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trung tâm biến động nhẹ qua các phiên. Chốt tuần 26/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.721 VND/USD, tăng nhẹ 4 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay vẫn được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.700 VND/USD; tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng ở mức 22.775 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.355 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng biến động nhẹ trong tuần qua. Cuối tuần 26/10, tỷ giá giao dịch ở mức 23.350 VND/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do gần như không thay đổi trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 26/10, tỷ giá giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.450 - 23.470 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng tuần vừa qua, lãi suất liên ngân hàng VND tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn qua hầu hết các phiên. Chốt tuần 26/10, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 4,52% (+1,36 điểm phần trăm); 1 tuần 4,60% (+1,28 điểm phần trăm); 2 tuần 4,70% (+1,12 điểm phần trăm); 1 tháng 4,72% (+0,82 điểm phần trăm).
Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đối với USD biến động trong biên độ hẹp so với tuần trước đó ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 26/10; lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,29 (-0,01 điểm phần trăm); 1 tuần 2,41% (+0,03 điểm phần trăm), 2 tuần 2,49% (+0,02 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,63% (+0,05 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu tín phiếu trong 2 phiên đầu tuần với mức 4.000 tỷ đồng đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 3,0%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 2.000 tỷ đồng. Trong tuần, khối lượng tín phiếu đáo hạn ở mức 4.280 tỷ đồng. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 34.610 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh khối lượng chào thầu trên kênh cầm cố trong tuần qua lên mức 47.000 tỷ đồng đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 44.134 tỷ đồng.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 46.414 tỷ đồng ra thị trường trong tuần qua thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Thị trường trái phiếu tuần qua, trái phiếu chính phủ sơ cấp giao dịch trầm lắng. Mặc dù khối lượng dự thầu lớn gấp 2,8 lần khối lượng cần huy động nhưng tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 60%.
Trong tuần, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 3.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ ở 4 loại kỳ hạn 5, 10, 15 và 30 năm. Kết quả, Cơ quan này huy động được 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 5, 10 và 15 năm, trong khi kỳ hạn 30 năm không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất trúng thầu tăng ở cả 3 loại kỳ hạn, lần lượt là 4,2% (+0,1 điểm phần trăm), 4,9% (+0,05 điểm phần trăm) và 5,2% (+0,2 điểm phần trăm).
Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thành công toàn bộ 240 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ bảo lãnh kỳ hạn 15 năm với lãi suất 5,98% (-0,02 điểm phần trăm so với phiên trước đó).
Thị trường chứng khoán chứng kiến một tuần giao dịch tiêu cực khi cả 2 chỉ số đều giảm điểm cả 5 phiên. Chốt tuần 26/10, VN-Index đứng ở mức 900,82 điểm, giảm mạnh 57,54 điểm (-6,0%) so với tuần trước đó; HNX-Index giảm mạnh 6,31 điểm (-5,84%) xuống 101,79 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp với giá trị giao dịch đạt trên 4.400 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên 344 tỷ đồng trên cả 2 sàn.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt dự báo trong quý III, đồng thời cao hơn mức tiềm năng, được các chuyên gia tính toán ở mức 2%. Nền kinh tế chủ yếu vẫn đang được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tài khóa của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm tới hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ, và dự trữ hàng tồn kho tăng mạnh.
Không nằm ngoài dự báo, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB phát đi thông điệp sẽ dừng chương trình nới lỏng định lượng QE vào cuối năm nay, đồng thời giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở 0% ít nhất cho đến hè năm sau.
Trong một diễn biến khác, Ủy ban châu Âu EC đã bác bỏ dự thảo ngân sách cho tài khóa 2019 của Italy khi cho rằng mức thâm hụt 2,4% GDP sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự ổn định kinh tế khu vực.