Điều hành chính sách chặn rủi ro tăng trưởng
Tín dụng tăng trưởng tích cực, lãi suất giảm | |
Tăng trưởng cả năm có thể đạt trên 6,7% | |
Ấn tượng và kỳ vọng |
Mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017 có thể nói đã nằm trong tầm tay, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, địa phương. Tuy nhiên, đằng sau kết quả tích cực này vẫn còn lại một vài điều tiếc nuối về công tác điều hành chính sách giữa các bộ ngành để tận dụng kịp thời những dư địa mà tăng trưởng mang lại, nhằm tạo tiền đề cho bước đi bền vững hơn của nền kinh tế trong dài hạn.
Phối hợp chính sách tạo lực đẩy kép
Nhìn nhận về sự phối hợp chính sách nhuần nhuyễn để thúc đẩy tăng trưởng, chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh đặc biệt nhấn mạnh tới đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ trong 9 tháng đầu năm nay. Ông Ánh cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt ngành trong khu vực dịch vụ lại đồng loạt bật tăng và đưa cả khu vực này trở thành 1 trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế. Theo đó, ngành bán buôn và bán lẻ có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, NH và bảo hiểm tăng cao nhất trong 7 năm gần đây; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây...
Ngành bán buôn và bán lẻ có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung |
Các số liệu này cho thấy sự bùng nổ của khu vực thương mại, thể hiện khá rõ qua chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá đã tăng gần 10%, quay trở lại thời kỳ Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ hấp dẫn và có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy tăng trưởng tiêu dùng từ phía cầu đã có tác động tích cực.
Song hành với tăng trưởng tiêu dùng chính là vai trò của tín dụng. TS. Vũ Đình Ánh phân tích, tín dụng từ khu vực tài chính NH không chỉ tác động tới sản xuất kinh doanh mà còn có dấu hiệu dịch chuyển tốt sang lĩnh vực tài chính tiêu dùng, tạo lực đẩy quan trọng để kích thích tiêu dùng dân cư và góp phần đưa thị trường bán lẻ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ở thời kỳ đỉnh cao.
Như vậy nhìn toàn cảnh trong cả nền kinh tế, bên cạnh khu vực sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi rõ nét thì dấu hiệu bật tăng của khu vực thương mại đã cho thấy sự phối hợp chính sách nhuần nhuyễn giữa các ngành, trong đó có ngành NH với vai trò là kênh dẫn vốn. Nhờ có sự chủ động chuyển dịch dòng vốn đón đầu các nhu cầu phát triển của nền kinh tế nên trong 9 tháng vừa qua, hoạt động tài chính, NH và bảo hiểm đã tăng cao nhất trong 7 năm gần đây. Nhờ đó lĩnh vực tài chính NH không chỉ tăng trưởng tốt mà còn có tác động lan toả tích cực sang các ngành khác trong khu vực dịch vụ.
“Điều này cho thấy khi chúng ta thực hiện cơ cấu lại hệ thống NH, thì cùng với các quyết sách liên quan đến xử lý nợ xấu, việc chuyển dịch dòng tín dụng sang các lĩnh vực khác bên cạnh sản xuất kinh doanh đã thể hiện tiến trình làm lành mạnh hoá, nâng cao hiệu quả của hệ thống NH”, ông Ánh bình luận.
Cũng nhìn nhận từ góc độ phối hợp chính sách, song chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành lại thể hiện sự tiếc nuối khi khuyến nghị về việc tăng giá điện đã bị bỏ lỡ. Nhận định từ sau khi kết thúc quý I/2017, ông Thành cho rằng ngay từ quý II có thể xem xét việc tăng giá điện để đảm bảo hình thành mặt bằng giá các yếu tố đầu vào cho sản xuất tiệm cận với thị trường. Thực tế cho thấy, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2017 chỉ tăng 1,45% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, thể hiện NHNN đã tập trung giải pháp chính sách vào ưu tiên kiểm soát lạm phát, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để kiểm soát lạm phát. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện.
“Đáng nhẽ công tác dự báo cần tốt hơn để đón đầu khả năng kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tốt, để dành dư địa điều hành cho việc tăng giá điện từ quý II, quý III. Còn bây giờ thì đã ở vào thế lưỡng nan, nếu giá tăng thì lạm phát lại ngóc đầu lên, không tăng thì tới hết năm nay giá điện đã bị nén tới 3 năm rồi”, ông Thành tiếc nuối cho biết.
Tầm nhìn dài hạn
Không nhắc đến nhiều về những trở ngại của điều hành chính sách trong quý IV, các chuyên gia cho rằng khó khăn lớn nhất lúc này chính là lựa chọn chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô và tạo ra môi trường kinh doanh ổn định, làm tiền đề cho tăng trưởng cao hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Tại báo cáo mới nhất cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam, NH Thế giới (WB) nhận định, về cơ bản, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định nhưng chậm trễ trong củng cố tài khoá có thể gia tăng rủi ro trong dài hạn. Cơ quan này phân tích, tình hình thu chi ngân sách nửa đầu năm 2017 cho thấy đã có cải thiện về phía thu, chủ yếu là tăng các khoản ngoài thuế, và tăng cường kỷ cương chi. Qua đó đã kìm hãm được thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên các biện pháp hiện nay chủ yếu dựa vào điều chỉnh nhất thời, theo tình huống. Muốn đảm bảo cải thiện tình hình tài khóa trung hạn cần có các biện pháp mang tính hệ thống thì mới có thể tăng nguồn thu và tiết kiệm chi, đồng thời bảo vệ được các khoản đầu tư vào hạ tầng và nguồn vốn con người để từ đó thúc đẩy tăng trưởng.
Cũng chung góc nhìn từ các rủi ro tài khoá, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng điều hành chính sách tài khoá trong năm nay không có nhiều sự lựa chọn do vướng ở mất cân đối thu chi lớn, trong khi trần nợ công cao. Vì vậy các biện pháp như giảm thuế cho DNNVV theo luật mới thông qua; tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách; điều chỉnh các sắc thuế để tăng nguồn thu… đều chưa phát huy được hiệu quả và mới chỉ mang tính tạm thời, ngắn hạn, nhằm đối phó với vấn đề thâm hụt và giới hạn trầnnợ công.
Trong khi đó, các vấn đề mang tính căn cơ cần cải thiện của mô hình tăng trưởng như tăng tưởng không dựa quá nhiều vào vốn, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên... cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ nét. Nhìn tổng thể nền kinh tế vẫn đang vận hành theo mô hình cũ và chưa có nhiều chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Vì vậy, không thể sớm bằng lòng với những kết quả trước mắt mà quên đi các tính toán chính sách trong dài hạn để nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững trong giai đoạn tới đây.