Doanh nghiệp ngành tôm chịu áp lực cạnh tranh
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2019 mà Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra là 4,1 tỷ USD, tăng hơn năm 2018 gần 500 triệu USD.
Đây là con số khá lớn so với tình hình thực tế về nuôi trồng, sản xuất chế biến và xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành tôm. Bởi thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu tôm sụt giảm trên nhiều thị trường, cả về giá trị lẫn số lượng. Đến hết 3 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tôm cũng chỉ đạt khoảng 400 triệu USD, giảm đến 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Những khó khăn được Vasep nêu ra, đầu tiên là sự lớn mạnh của những quốc gia nuôi tôm trên thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador, Indonesia… Đây chính là những đối thủ cạnh tranh, đủ sức tạo áp lực lên con tôm Việt tại các thị trường lớn như châu Âu (EU).
Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, giá tôm Việt Nam đã cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan từ 10.000 đồng - 30.000 đồng/kg. Để có giá tôm xuất khẩu rẻ hơn Việt Nam, các nước này đã đề ra các chương trình phát triển nuôi tôm để tăng sản lượng, giảm giá thành xuất khẩu. Một số nước như Ecuador chọn nuôi tôm kháng bệnh, cộng với an toàn sinh học tốt hơn và nuôi với mật độ 15 con - 16 con/m2 thay vì chỉ 10 con - 12 con/m2 trước đây, nhằm tăng năng suất. Còn hiện Thái Lan, Ấn Độ hay Indonesia đã bắt đầu nuôi tôm thâm canh, tăng năng suất và sản lượng.
Sự thay đổi này đã mang lại thành công, khiến các nước này nắm thế chủ động về nguồn cung tôm trên thị trường thế giới. Thậm chí, còn đưa sản lượng tôm toàn cầu lên cao hơn nhu cầu, vì vậy, phía người mua sẽ giảm đơn hàng hay cân nhắc ngừng các đơn hàng có giá cao. Và như vậy, tôm Việt Nam ngay lập tức gặp trở ngại, bởi chi phí nuôi tôm xuất khẩu tại Việt Nam hiện cao nhất thế giới.
Cùng với đó, người tiêu dùng đang hướng mạnh vào sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng. Trong khi ngành tôm Việt không có mấy doanh nghiệp chế biến xuất khẩu xây dựng được thương hiệu lớn. Ở tầm quốc gia, các thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam như EU, Nhật Bản, thì rào cản kỹ thuật ngày càng cao và phức tạp.
Từ đầu năm 2019 đến nay, xuất khẩu tôm sang thị trường EU (là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam) vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Cụ thể, 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm sang EU đạt gần 80 triệu USD, giảm đến 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Theo Vasep, từ đầu năm 2019 đến nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính của Việt Nam đều giảm, trong đó xuất khẩu sang EU giảm mạnh nhất, kế đến là Nhật Bản giảm 0,9%, Trung Quốc giảm 1,6%, Hoa Kỳ giảm 19,2% và Hàn Quốc giảm 18%...
Ông Trương Đình Hòe nhận định, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đã có kinh nghiệm lâu năm trong nuôi tôm, chế biến xuất khẩu, nên phần lớn hiện đã chủ động được đơn hàng. Bên cạnh đó, một số lợi thế thị trường như việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay, hay FTA với Nhật Bản tạo lợi thế về thuế quan (còn 0%) cũng sẽ giúp doanh nghiệp ngành tôm yên tâm hơn.