Doanh nghiệp Việt lạc quan trong hội nhập?
Hội nhập CPTPP: Doanh nghiệp Việt “nước đến mũi mới nhảy” | |
Doanh nghiệp cần biết biến thách thức thành cơ hội |
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết tại một hội thảo bàn về khả năng thích ứng của doanh nghiệp (DN) Việt trong bối cảnh kinh tế hiện nay diễn ra mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, xu hướng của nền kinh tế thế giới và Việt Nam chính là hội nhập, mặc dù trong mối quan hệ đa phương vẫn có sự tranh chấp, chiến tranh về thương mại. Trong nền kinh tế số, các DN cần phải chủ động trang bị, tiếp cận công nghệ để tránh tụt hậu.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, DN cần đưa công nghệ số vào quản trị kinh doanh, quản lý bán hàng hay thậm chí là ngay cả trong giao dịch, liên lạc. Đồng thời, đây cũng là điều rất quan trọng để tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các DN trong và ngoài nước.
“Hiện, Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài. Các hiệp định thương mại tự do được thông qua sẽ mở ra thị trường rộng lớn, thu hút đầu tư cũng như tạo cơ hội để DN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây cũng là động lực để thúc đẩy Chính phủ, cộng đồng phát triển hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng. Và chỉ có như vậy mới tạo điều kiện tốt nhất để các DN phát triển" - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Bàn về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, DN trong nước phải hướng đến sự phát triển bền vững. Các DN trên thế giới hiện nay luôn có xu hướng chọn cách kinh doanh bảo đảm mang lại lợi ích cho cộng đồng, môi trường.
Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Ban Kinh tế Trung ương dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế thế giới. Căng thẳng chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, các nền kinh tế lớn có những diễn biến khó lường, kết hợp với các yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa... sẽ tác động tới các quốc gia, cấu trúc sản xuất, tình hình cung cầu, giá cả, chuỗi sản xuất, qua đó ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.
Với quy mô nền kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước hiện đang ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và việc đẩy nhanh lộ trình cổ phần hóa tại các DNNN... sẽ tạo điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư dài hạn vào Việt Nam, hạn chế bớt rủi ro rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khi điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Fulbright Việt Nam nhận định, những năm gần đây, sự tăng trưởng kinh tế xã hội trong nước đã thúc đẩy cải cách và môi trường kinh doanh tốt hơn. Tuy nhiên, tốc độ suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế chung của kinh tế trong nước và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN...
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các DN cần có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp, nhất là các DN xuất nhập khẩu luôn chịu tác động trực tiếp từ các hiệp định thương mại, cũng như chiến tranh thương mại trên thế giới. Bên cạnh đó, các DN sử dụng đòn bẩy tài chính cũng cần hết sức lưu ý tới các rủi ro tiềm ẩn... Do đó, DN cần tăng cường năng lực quản trị tài chính, công cụ quản trị rủi ro để phòng vệ trước những khó khăn có thể xảy ra.
“Quan trọng nhất, Chính phủ cần nhanh chóng cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư cho DN, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao. Bởi rõ ràng, nếu không đầu tư vào năng lực công nghệ thì các DN Việt sẽ bị bỏ lại bên lề của cuộc CMCN 4.0” – TS. Anh Tuấn nhấn mạnh.