Đổi hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp
PCI – Nhịp trống thúc giục cải cách | |
Vì sao Đà Nẵng vững vàng ngôi vương? | |
Hà Nội sẽ cải thiện PCI hơn nữa |
Thu hút FDI được kỳ vọng sẽ đem lại những công nghệ tiên tiến thông qua mối quan hệ hợp tác kinh doanh giữa DN trong nước với DN FDI. Theo đó, DN trong nước có thể nâng cao trình độ công nghệ của mình khi tiếp xúc với các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ cao, quy trình quản lý hiện đại và thông qua quá trình đào tạo khi sử dụng trang thiết bị công nghệ mới. Tuy nhiên, để đạt được hiệu ứng tích cực này, sự tiếp xúc trực tiếp giữa DN FDI và DN trong nước là rất cần thiết.
Nghiên cứu của nhóm khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI) chỉ ra rằng, ở Việt Nam, khoảng cách địa lý hiện vẫn là rào cản lớn cho quá trình chuyển giao công nghệ, dù lĩnh vực giao thông vận tải phát triển và công nghệ thông tin cho phép các DN ở bất kỳ nơi nào cũng có thể mua bán và kết nối với nhau.
Nhóm nghiên cứu PCI lấy ví dụ, ở Đà Nẵng, tính khoảng cách trung bình một DN nội chỉ cách một công ty nước ngoài quãng đường 2,5 km, rất thuận lợi cho quá trình tiếp xúc và trao đổi. Ngược lại, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, một DN nội thường cách xa một DN FDI là 20 km. Điều này đã phần nào tác động tới hiệu quả chuyển giao công nghệ giữa 2 thành phố này.
Qua tính toán, nhóm nghiên cứu cho rằng Hà Nội là địa phương có khoảng cách về mặt địa lý lý tưởng nhất giữa DN trong nước và DN FDI, trong khi đó Hưng Yên là địa phương có khoảng cách xa nhất.
Để hình dung ra khoảng cách lý tưởng của các DN, nhóm nghiên cứu PCI đã sơ đồ hoá các địa điểm sản xuất kinh doanh ở Hà Nội và Hưng Yên. Khoảng cách địa lý giữa các DN FDI và DN trong nước ở Hà Nội là rất hài hoà, trong khi đó các DN ở Hưng Yên lại tập trung thành 2 cụm tách biệt, một cụm công nghiệp gần Hà Nội, cụm còn lại nằm ở trung tâm tỉnh. Thực tế cũng cho thấy, chuyển giao công nghệ giữa các DN FDI ở Hưng Yên và các DN nội địa hiện nay ít diễn ra hơn.
Vì vậy nhóm nghiên cứu PCI đưa ra gợi ý chính sách của hiệu ứng khoảng cách là việc các khu công nghiệp, vốn tách biệt các DN FDI khỏi nền kinh tế, có thể giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Tuy nhiên, nó lại khiến cho những hiệu ứng lan toả tích cực đối với các lĩnh vực khác của nền kinh tế trở nên bị hạn chế.
Bởi các DN vẫn phải tụ hợp lại gần nhau để trao đổi liên tục những ý tưởng của mình. Nhờ đó công nghệ được lan toả. Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khác là việc chuyển giao về công nghệ hiện nay hầu hết vẫn diễn ra với sự tư vấn trực tiếp về công nghệ của các kỹ sư.
Như vậy, việc thu hút và phân bổ vốn đầu tư FDI quá tập trung vào khu công nghiệp như hiện nay sẽ tạo ra một số rào cản trong việc lan toả công nghệ, từ đó làm hạn chế ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2016 đặt mục tiêu tiếp tục duy trì vốn FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 70% vốn FDI của cả nước.
Dự kiến doanh thu của các DN trong khu công nghiệp trong năm 2016 ước đạt 145 tỷ USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 88 tỷ USD, giá trị nhập khẩu đạt 87 tỷ triệu USD. Rõ ràng sự chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu không nhiều cũng cho thấy các DN trong khu công nghiệp chủ yếu vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất và xuất khẩu ra bên ngoài.
Nên chăng cần được chú trọng hơn việc tạo điều kiện cho DN trong nước vào các khu công nghiệp thuận lợi hơn. Nhờ đó, DN trong nước giảm khoảng cách địa lý với DN FDI và dễ dàng chuyển giao công nghệ hơn. Tuy nhiên có thể thấy hiện nay các DN trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, khả năng vào khu công nghiệp là rất hạn chế, trong khi hạ tầng khu công nghiệp thường không chú trọng tới việc phục vụ DN nhỏ.