PCI – Nhịp trống thúc giục cải cách
Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2015 đang diễn ra, xen giữa buổi lễ là sự xuất hiện của dàn trống với những hồi trống hối hả giục giã.
Theo bảng xếp hạng được công bố, đứng đầu là Đà Nẵng, tiếp theo lần lượt là Đồng Tháp, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lào Cai, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên… Hà Nội đứng thứ 24. Đứng cuối là Đăk Nông, trên đó là Hà Giang, Lai Châu…
Đà Nẵng, Đồng Tháp và Quảng Ninh là 3 tỉnh đứng đầu cũng là những tỉnh đã thực hiện nhiều sáng kiến cải cách trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ. Hai địa phương tiếp theo nằm trong nhóm có chất lượng điều hành rất tốt của PCI 2015 lần lượt là Vĩnh Phúc và Lào Cai.
“Cho dù chưa biết thứ hạng của tỉnh năm nay thế nào, nhưng tôi tự tin nói rằng năm nay Vĩnh Phúc sẽ thăng hạng” ông Đường Trọng Khang, Phó chủ tịch hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ với Thời báo Ngân hàng trước ngày PCI được công bố.
Ông đã rất hào hứng khi khoe các cơ quan trong tỉnh đã phục vụ DN đến mức nào, đã có những cải thiện ra sao… Kết quả, Vĩnh Phúc được xếp thứ 4 và tại lễ công bố Vĩnh Phúc đã được trao giải và kỷ niệm chương về “Giải chất lượng điều hành”.
Tại lễ công bố, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu: “Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các địa phương đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, đặc biệt là Đà Nẵng giữ vững được vị trí thứ nhất năm thứ ba liên tiếp. Cộng đồng DN cũng đánh giá cao các tỉnh Đồng Tháp, Quảng Ninh, Lào Cai và Vĩnh Phúc đã có sự tiến bộ vượt bậc trong năm vừa qua. Các DN xin ghi nhận nỗ lực cải cách của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam, Long An và Thanh Hoá... và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Qua từng năm, PCI đã định hình là một tập hợp tiếng nói có trọng lượng, xây dựng và đầy tha thiết của các DN về môi trường kinh doanh cấp tỉnh của Việt Nam. Điều này rất có ý nghĩa.
Trước hết, tiếng nói của các DN, nhất là DN tư nhân trong nước quy mô nhỏ và vừa vốn chưa từng được xem trọng, chưa được lắng nghe đầy đủ. Điều đặc biệt có ý nghĩa nữa là đây là những chủ thể đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển sắp tới tại Việt Nam. Việc họ tham gia góp chung tiếng nói hướng tới mục tiêu có được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, minh bạch hơn và cạnh tranh hơn.
“Đã có những tín hiệu rất tích cực từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và chúng tôi trông chờ vào sự chuyển mình tích cực mạnh mẽ của các trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trong thời gian tới”, ông Lộc phát biểu và cho biết: “Quý vị cần biết rằng đằng sau những con số này là rất nhiều nỗ lực, rất nhiều những sáng kiến cải cách hay, những mô hình mới hiệu quả đã được lãnh đạo các tỉnh thành phố trăn trở ngày đêm, đề ra và thực hiện”.
Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí “quán quân” năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 |
Có rất nhiều mô hình tốt như chương trình đánh giá mức độ hài lòng của DN về các sở ngành, huyện thị tại Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tuyên Quang…; mô hình hỗ trợ DN khi đăng ký kinh doanh và đặt lịch hẹn qua tổng đài 1080 tại TP. Hồ Chí Minh; mô hình trung tâm hành chính công hiệu quả với nút bấm hài lòng của DN tại Quảng Ninh, Đà Nẵng; mô hình Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tại Quảng Ninh, Quảng Nam; mô hình café DN tại Đồng Tháp, Tuyên Quang…
Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc (IPA). IPA là đầu mối tiếp xúc, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa liên thông”. IPA cũng tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ hỗ trợ đầu tư trong suốt quá trình dự án của DN hoạt động. Hàng quý Ban cùng Hiệp hội DN tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của DN, những khó khăn, kiến nghị của DN, báo cáo để lãnh đạo tỉnh kịp thời chỉ đạo giải quyết.
“Điều tích cực thể hiện qua báo cáo PCI năm nay là chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam đang duy trì xu hướng cải thiện, các tỉnh nhóm đầu có xu hướng bứt phá lên. Đăng ký DN, tiếp cận thông tin, cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương đã có nhiều chuyển biến khả quan”, ông Ted Oisius – Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam nhận xét.
Một điển hình là Nam Định, đã từ vị trí 33 ở bảng xếp hạng 2014 nay đã vượt lên đứng ở thứ 17 – đứng trong nhóm “điều hành khá”.
Chia sẻ về sự thăng hạng khá ngoạn mục, ông Trần Anh Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cho biết : “Trả lời cho câu hỏi tỉnh đã thực hiện những giải pháp nào? Tôi xin nói rằng, giải pháp hàng đầu, quan trọng nhất và quyết định nhất là quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, và phải chuyển quyết tâm đó xuống đến các cấp dưới, sở ngành, cấp huyện và thậm chí là cấp cơ sở”.
Thực tiễn thành công ở Nam Định và cả từ những nơi “chưa thành công trong cuộc đua PCI” cho thấy một khi những người đứng đầu không quyết tâm, không quyết liệt vào cuộc thì những vấn đề cải cách chỉ là trên nghị quyết, trên lý thuyết. Ở Nam Định, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban thường uyên tiếp xúc đối thoại với DN, quán triệt tinh thần “công khai, minh bạch, công bằng”.
Năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định bởi chất lượng điều hành và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Do vậy, sự năng động, tiên phong của lãnh đạo địa phương, sự chuyên nghiệp mẫn cán của bộ máy công chức các tỉnh, thành phố đang quyết định tốc độ và đường hướng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, vấn đề chi phí không chính thức còn phổ biến, môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng vẫn là những trở ngại cho sự phát triển của các DN Việt Nam”, ông Lộc nói.
“Điểm số về chi phí không chính thức giảm và đã có xu hướng giảm mấy năm qua. Điểm số giảm đi chứng tỏ chi phí không chính thức đang tăng lên cả về tần suất và quy mô, đây là xu hướng đáng quan ngại”, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI chỉ ra như vậy khi phân tích từng chỉ số thành phần của PCI theo thời gian.
Có tới 65% các DN cho biết thường xuyên gặp phải sự nhũng nhiễu, cản trở và phải có chi phí. Bên cạnh đó, 39% số DN phản ánh chính quyền tỉnh vẫn ưu ái các tập đoàn, tổng công ty, và các nhà đầu tư nước ngoài.
“Hội nhập rộng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhanh chóng và phụ thuộc vào thái độ thay đổi thế nào”. Hãy nhanh lên, hãy gấp lên. Tiếng trống hội nhập, tiếng trống cải cách đang thúc giục”…, ông Tuấn kết luận.