Đổi mới tư duy và nỗ lực hành động
Chới với trong hội nhập | |
Tăng cường giám sát an toàn để hội nhập thành công | |
Cạnh tranh nội - ngoại: Sân nhà phải vững |
Nhận thức giá trị hội nhập
Fitch Ratings vừa đưa ra nhận định các NH Việt sẽ cải thiện dần trong năm 2017. Nhìn vào thực tại, báo cáo tài chính quý III/2016 cho thấy, dù còn nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, song phần lớn các NH đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ.
Nhận định của Fitch là động lực nhưng cũng đầy thách thức cho các NH Việt. Đặc biệt khi Đề án “Đẩy mạnh việc tham gia vào các thể chế tài chính – tiền tệ - NH khu vực và quốc tế” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng thêm một thách thức nữa với hệ thống NH.
Hệ thống NH Việt Nam ngày càng được nhận định tốt hơn của các tổ chức tài chính trên thế giới |
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia tài chính cho rằng: Những tiến triển trong ngành tài chính – NH được các tổ chức đánh giá uy tín trên thế giới ghi nhận. Song cũng cần phải nhìn nhận một sự thật, đó là điểm tín nhiệm của quốc gia tốt, mới có cơ sở để nâng cao điểm tín nhiệm với hệ thống NH.
Trong báo cáo đánh giá tín nhiệm vào tháng 9/2016 của mình, Moody’s xếp hạng Việt Nam ở mức B1, với triển vọng ổn định. Tuy nhiên, cơ quan này cũng nhận định NH vẫn là yếu tố rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam, vẫn còn yếu kém do nợ xấu cao và tình trạng thiếu vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: Các nhà đầu tư trên thế giới khi đầu tư vào các NH Việt họ đều xem xét tới điểm tín nhiệm của Việt Nam với các quốc gia khác. Cũng như so sánh xếp hạng của NH Việt Nam với các NH ở những quốc gia đó. Nên đây là trở ngại lớn nhất, buộc chúng ta phải tập trung vào vấn đề tăng điểm tín nhiệm quốc gia, nâng cao xếp hạng cho hệ thống NH. “Đây là chuyện không dễ làm, vì gồm nhiều vấn đề như thể chế, chính sách, nợ công, ngân sách, DN có vốn nhà nước... đều nằm trong bài toán tăng trưởng tín nhiệm của Việt Nam” - vị này cho hay.
Thế nhưng nếu dưới cái nhìn lạc quan, vấn đề này không phải không có những tín hiệu đáng mừng. Về phía các NH, mặc dù điểm tín nhiệm chung có thể chưa được như kỳ vọng, nhưng vẫn có thể thay đổi được quan điểm của các nhà đầu tư thông qua việc tham gia nhiều hơn với các tổ chức kinh tế, tài chính thế giới. Qua việc hội nhập như vậy có thể thấy phần nào một thực tế. Đó là khi thế giới chấp nhận Việt Nam và các NH Việt Nam hội nhập, phần nào đó họ đã có sự tin tưởng nhất định vào hệ thống tài chính Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang là thành viên của 6 thể chế tài chính tiền tệ-NH khu vực và quốc tế. Đấy là bằng chứng rất rõ ràng, cụ thể về nền kinh tế Việt Nam nói chung, hệ thống NH nói riêng ngày càng được nhận định tốt hơn dưới con mắt của các tổ chức tài chính trên thế giới. Bởi vậy, tham gia với sân chơi chung của thế giới là cách tốt nhất để hệ thống NH có được vị thế bình đẳng như các quốc gia thành viên khác, có tiếng nói hơn, có điều kiện bảo vệ lợi ích của mình. Từ đó tích luỹ thêm kinh nghiệm, tạo dấu ấn và nâng cao giá trị của mỗi định chế tài chính.
Hiểu đúng, đủ về quản trị rủi ro
Một trong những yếu tố quan trọng để xoá bỏ những hoài nghi của nhà đầu tư với NH Việt Nam nằm ở tính minh bạch. Phó Tổng giám đốc một NHTMCP chia sẻ, ở thời điểm hiện nay, các NH Việt cần phải nâng cao năng lực quản lý rủi ro, minh bạch hoá thông qua việc áp dụng Basel II. Kể cả với những NH quy mô nhỏ, chưa có đủ điều kiện và được xét duyệt triển khai Basel II thì cũng phải minh bạch trong báo cáo tài chính, giải trình rõ ràng về nợ xấu.
Thậm chí, điều mà các nhà đầu tư ít thấy ở các NH Việt: Nếu có trường hợp NH nào vướng vào những vụ kiện tụng, gần như không có sự đề cập trong báo cáo tài chính, thông báo tới cổ đông và khách hàng. Những sự việc tương tự cũng làm thiếu tính minh bạch trong hoạt động của NH khiến lòng tin của nhà đầu tư giảm sút. Điều này cũng phần nào cho thấy nhận thức về quản lý rủi ro của NH chưa đúng đắn.
Ông Jan Bellens, Phó tổng giám đốc phụ trách thị trường mới nổi toàn cầu, Ernst&Young cho rằng: Việc chỉ ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là không đủ với các NH. Các NH cần phải đảm bảo rằng văn hoá quản trị rủi ro phải được xây dựng dựa trên một cách nhìn tập trung và toàn diện về rủi ro.
Điều này là vô cùng quan trọng. Bởi nếu đưa ra những quyết định thiếu chính xác, có thể sẽ tạo ra tổn thất lớn. Như việc các chốt kiểm soát hoạt động không hiệu quả, hay không có chốt kiểm soát phù hợp có thể dẫn đến các khoản tiền phạt lớn liên quan đến các vấn đề về hiểu biết khách hàng (KYC - Know Your Customer). Chưa kể tới việc rửa tiền, giả mạo danh tính, hay những hiểu nhầm trong các thông tin công bố...
“Quản lý rủi ro là hoạt động không tạo ra nguồn thu trực tiếp. Các NH cần phải cân nhắc không nên chú trọng hơn mức cần thiết cho hoạt động kiểm soát rủi ro vì việc này sẽ vô cùng tốn kém. Vì vậy, phương pháp tiếp cận đo lường rủi ro có điều chỉnh nên được cân nhắc sử dụng” - ông Bellens khuyến nghị.
Đồng tình với ông Bellens, một chuyên gia tài chính phân tích thêm: Mỗi NH có những quy chế về quản lý rủi ro, có bộ máy riêng biệt. Nhưng cốt yếu là đào tạo bài bản để mỗi cán bộ nhân viên khi tiếp xúc với mỗi khách hàng phải đo lường được rủi ro cho NH nằm ở đâu. Ở một số quốc gia, không chỉ những khách hàng đi vay được xếp hạng tín dụng và được đánh giá ở cấp độ rủi ro nào. Mà ngay cả với những khách hàng gửi tiền của NH cũng được xếp hạng rủi ro mức độ nào.
Theo quan sát của TS. Hiếu, “Tại Việt Nam, tôi thấy rất ít NH làm được chuyện này. Bởi họ nghĩ đơn giản rằng, khách hàng gửi tiền cho mình thì không có rủi ro. Nhưng họ không ngờ được rằng, rủi ro không trừ một ai. Khách hàng gửi tiền cũng có những rủi ro nhất định. Như những người buôn lậu, làm những ngành nghề kinh doanh phi pháp có thể sử dụng dịch vụ NH cho những hành vi phạm pháp, rửa tiền...”.