Tăng cường giám sát an toàn để hội nhập thành công
NHNN có vai trò chủ đạo trong việc ổn định tiền tệ - tài chính | |
Giữ vững ổn định tiền tệ và hoạt động ngân hàng | |
Duy trì sự ổn định tiền tệ và hoạt động ngân hàng |
“Một trong những thách thức lớn mà hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra là việc gia tăng các rủi ro và tính nhạy cảm của thị trường tài chính trong nước đối với các biến động trên thị trường thế giới. Trong đó, không chỉ là các rủi ro về thị trường mà còn cả các rủi ro về an toàn hệ thống và an toàn tài chính vĩ mô”, theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ nhiệm đề tài ĐTĐL.XH.09/15 về hoàn thiện khung pháp lý cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tiếp tục tái cơ cấu và Hiệp định TPP có hiệu lực.
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực thì công tác điều tiết và giám sát sẽ phải được tăng cường và vấn đề giám sát an toàn vĩ mô phải đặt thành trọng tâm. Đây cũng là một trong những nội dung chính được các học giả, chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Hoàn thiện thể chế cho sự phát triển bền vững Hệ thống Ngân hàng Việt Nam giai đoạn 2016 -2020” do Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) tổ chức mới đây.
Chú trọng an toàn vĩ mô để hội nhập, phát triển bền vững |
Hội nhập sâu sẽ phải chấp nhận thực tế các rủi ro lớn hơn. Đơn cử, tỷ giá có thể biến động khó lường hơn, quan hệ tín dụng quốc tế phức tạp hơn, dòng vốn vào – ra bất thường hơn, hoạt động ngân hàng ngầm giữa các lĩnh vực sẽ phát triển mạnh hơn…
Và “khi các dịch vụ ngân hàng ngầm, bán chéo sản phẩm giữa bảo hiểm với ngân hàng hay giữa ngân hàng với chứng khoán gia tăng thì chúng ta sẽ kiểm soát như thế nào?” - TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng đặt vấn đề. Theo ông thống kê sơ bộ, hiện đã có khoảng 15 tổ chức “đủ tiêu chuẩn” để xác định là các tập đoàn tài chính ở Việt Nam. Con số này cũng như tính chất phức tạp trong các mối quan hệ tài chính chắc chắn sẽ gia tăng cùng tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Như vậy, không chỉ hoạt động giám sát mang tính vi mô, chuyên ngành cần được tăng cường mà hoạt động giám sát an toàn vĩ mô cũng cần được thúc đẩy. Theo WB và IMF, rủi ro an toàn vĩ mô gia tăng trong thời gian vừa qua ở cả hai nhóm: Rủi ro theo chu kỳ (theo thời gian) và rủi ro sở hữu chéo (liên kết tiêu cực của các nhóm về tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm cũng như với các nhóm thuộc nền kinh tế thực như với các tập đoàn, DN trong lĩnh vực bất động sản).
Điều đó đặt ra sự cần thiết của việc áp dụng lớp chính sách mới về an toàn vĩ mô bổ sung cho chính sách giám sát an toàn vi mô (giám sát theo chuyên ngành). Và thực tế, công tác giám sát an toàn tài chính vĩ mô cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều để chống lại các rủi ro nêu trên.
Ông Đỗ Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính, NHNN cho biết, xét ở góc độ xử lý các rủi ro an toàn tài chính thì việc sử dụng các công cụ an toàn tài chính vĩ mô – được thiết kế để tập trung trực tiếp vào những lĩnh vực nguồn gốc gây ra rủi ro hệ thống - sẽ giúp giảm thiểu những tác động không mong muốn đối với nền kinh tế như khi phải sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ.
Ông Hùng thông tin, NHNN đang thiết kế Bộ chỉ số an toàn vĩ mô (gồm khoảng 80 chỉ số) để giúp cho việc nhận diện và cảnh báo sớm rủi ro. Hiện NHNN được Chính phủ giao cho chức năng ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính. Về mặt pháp lý, theo kinh nghiệm và xu hướng của các nước trên thế giới thì chức năng này cần được quy định trong luật NHTW để đảm bảo hiệu lực thực thi tốt nhất.
Vụ Ổn định Tiền tệ - Tài chính đang xây dựng cơ chế tăng cường sự phối hợp giữa NHNN với Bộ Tài chính và các cơ quan khác có liên quan. Một thông tư liên quan cũng dự kiến được soạn thảo nhằm tăng cường giám sát các tổ chức quan trọng của hệ thống tài chính (đối tượng là các ngân hàng lớn) có các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… có thể có sở hữu chéo tiêu cực.
Đề tài ĐTĐL.XH.09/15 đề xuất cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành Luật Giám sát tài chính quốc gia theo hướng hợp nhất chức năng thanh tra, giám sát và bảo hiểm trực thuộc NHNN trên cơ sở hợp nhất các cơ quan giám sát ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính quốc gia trong mạng lưới an toàn tài chính.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần tách bạch hoạt động của các NHTM, ngân hàng đầu tư và chứng khoán để đối phó với hoạt động của ngân hàng ngầm. Việc tách bạch này sẽ giúp hạn chế tình trạng sở hữu chéo về vốn và quan hệ tín dụng. Theo đó, các định chế tài chính ngầm chỉ nhận được các khoản vay hạn chế từ các NHTM. Đồng thời, chủ thể nào đầu tư vốn vào các định chế tài chính ngầm phải tự chịu rủi ro, qua đó sẽ hạn chế tác động đến hệ thống ngân hàng.