Chới với trong hội nhập
Tăng cường giám sát an toàn để hội nhập thành công | |
Cạnh tranh nội - ngoại: Sân nhà phải vững | |
Ngành dệt may khó về đích |
Ngành xuất khẩu chủ lực cũng đuối
Thực trạng ngành dệt may rơi vào cảnh “đói” đơn hàng trong các tháng cuối năm đang đặt ra câu hỏi, DN Việt Nam đã sẵn sàng tới đâu trong cuộc cạnh tranh hội nhập đang ngày càng khốc liệt? Sở dĩ có lo ngại này là bởi dệt may hiện là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với chuỗi giá trị sản xuất hàng xuất khẩu tương đối hoàn thiện, có sự tham gia đông đảo nhất của DN trong nước, song tới nay cũng đã bắt đầu chới với.
Phần lớn DN tự ti về khả năng cạnh tranh trong hội nhập |
Theo số liệu của Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, trong 8 tháng năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 15,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn nhiều so với tăng trưởng mọi năm. Dù đã chuẩn bị hết nửa đầu tháng 9, song rất nhiều DN vẫn chưa có đơn hàng cho tháng 10. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện chỉ có khoảng 30% DN có đủ đơn hàng xuất khẩu đến cuối năm. Đây dường như là năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo phản ánh của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu khiến đơn hàng giảm sút là các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Myanmar đã “nẫng” được đơn hàng từ Việt Nam nhờ chào giá cạnh tranh. Một số DN trong nước may mắn vẫn đàm phán được đơn hàng song phải giảm giá ít nhất 5% để có được cái gật đầu của đối tác. Bù lại, DN phải xoay xoả mọi cách để tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, đầu tư máy móc thiết bị chuyên dùng để thay thế lao động giản đơn.
Một chuyên gia về hội nhập phân tích, trong khi Việt Nam mải mê đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, thì các nước láng giềng cũng lặng lẽ đàm phán vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản… để được hưởng ưu đãi thuế suất 0% khi xuất hàng vào các thị trường này. Trong khi đó, thuế suất hàng dệt may vào các thị trường trọng điểm trên của Việt Nam vẫn lên tới 18%. Cạnh tranh không cân sức khiến DN lép vế là việc hiển nhiên.
Các khảo sát về hội nhập được thực hiện thời gian qua cho thấy, tới nay khi được hỏi về tác động của các FTA đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, kỳ vọng chủ yếu vẫn nằm ở thương mại hàng hóa. Thuế suất đánh vào hàng xuất khẩu sẽ được giảm xuống mức cạnh tranh nhất để hàng hoá Việt Nam dễ dàng xâm nhập vào các thị trường trên thế giới. Tuy nhiên bức tranh xuất khẩu thời gian qua cho thấy điều này ngày càng khó khăn hơn, dù hội nhập của Việt Nam đã sâu rộng hơn.
Bức tranh còn nhiều mảng tối
Cũng liên quan tới mức độ sẵn sàng của DN trong hội nhập, điều tra mới đây của Tổng cục Thống kê (TCTK) trong ngành chế biến, chế tạo - ngành có nhiều DN quy mô lớn, chịu tác động và ảnh hưởng nhiều từ hội nhập quốc tế cho thấy, tỷ lệ DN đánh giá lạc quan về các thế mạnh của chính mình hiện rất thấp.
Về chất lượng sản phẩm/dịch vụ, chỉ có 31,8% DN tự tin cho rằng DN mạnh và rất mạnh, riêng tỷ lệ đánh giá rất mạnh chỉ đạt 4,3%. Về khả năng quản lý của DN, tỷ lệ còn ít hơn với 26,4% DN đánh giá mạnh và rất mạnh, trong đó chỉ có 3,6% đánh giá rất mạnh. Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, cũng chỉ có hơn 25% DN cho rằng DN tương đối mạnh và rất mạnh. Vốn đầu tư là nội dung có tỷ lệ lạc quan thấp nhất với 17,5% DN cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh. Bên cạnh đó, có tới 22,2% DN cho rằng vốn đầu tư chính là bất lợi nhất đối với DN.
Giám đốc một DN dệt may tại TP. Hồ Chí Minh phân tích, sở dĩ DN còn “tự ti” về khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam là bởi sản xuất trong nước hiện vẫn đang gánh quá nhiều chi phí nếu so với chính các quốc gia láng giềng. Vị này đánh giá, chi phí ở các nước ngay sát Việt Nam hiện rất thấp nhờ thuế đất rẻ, tiền lương công nhân cạnh tranh, bảo hiểm xã hội cũng thấp hơn nhiều… Thực tế là chỉ cần cải thiện được các chi phí này cũng đã hỗ trợ cho DN rất nhiều.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica khuyến cáo, thực trạng trên cho thấy mục tiêu cần đặt ra là thiết lập hệ thống chính sách hỗ trợ DN một cách toàn diện và bền vững. Còn theo khảo sát của TCTK, các DN Việt Nam dự kiến chiến lược nắm bắt cơ hội từ hội nhập tập trung vào ba lĩnh vực chính là nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường mới.
Tuy nhiên, các nỗ lực của DN sẽ khó có thể thành công nếu các chính sách của Nhà nước trong thời gian tới không hướng tới việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, để làm sao hỗ trợ cho DN bằng việc thiết thực nhất là giảm bớt các chi phí trong sản xuất kinh doanh.