Động lực là quyết tâm mở cửa
Sẵn sàng cho cơ hội mới | |
Bất động sản và NH sẽ dẫn dắt VN-Index | |
Công bố 10 sự kiện Chứng khoán nổi bật năm 2015 |
Lý do nào khiến TTCK Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2015, khi TTCK các nước sụt giảm, thưa ông?
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng |
Trong năm qua, có nhiều nhân tố từ bên ngoài đã tác động mạnh đến TTCK Việt Nam.
Thứ nhất là do tác động của tình hình kinh tế toàn cầu trầm lắng, đặc biệt là sự sụt giảm giá dầu, sự suy thoái của nền kinh tế cũng như TTCK Trung Quốc, TTCK nhiều nước cũng chịu ảnh hưởng sụt giảm khá mạnh, như Anh giảm khoảng 7,4%; các nước trong khu vực như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hong Kong đều sụt giảm, dao động từ 6-15%...
Thứ hai là, việc NĐT nước ngoài rút vốn tác động khá lớn đến TTCK, với thị trường mới nổi là khoảng 540 tỷ USD. Thứ ba là, việc tăng lãi suất của Mỹ mặc dù đã được thông tin từ trước nhưng thị trường vẫn có những phản ứng với thông tin này…
Vậy nhưng, chúng ta vẫn duy trì được ở mức độ tương đối hài lòng: VN-Index đến 31/12 tăng 6,1% so với đầu năm; vốn hóa thị trường tăng 17%; huy động vốn cũng tăng kỷ lục 7,5% trong bối cảnh dòng vốn ra xuất hiện; riêng huy động cổ phiếu tăng đến 46,6%, là tín hiệu rất tích cực; phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) tăng 1,5%… Tôi cho rằng, đó là những tín hiệu rất tích cực.
Tuy nhiên, cũng có một điểm tôi thấy không thành công là thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân một phiên giảm khoảng 11,5% so với bình quân phiên năm 2014.
Diễn biến chỉ số VN-Index năm 2015 |
Ông có thể nói rõ hơn về việc NĐT nước ngoài rút vốn?
Riêng dòng vốn nước ngoài, đến đầu tháng 11/2015 vẫn là thực dương, nhưng sau khi Mỹ tăng lãi suất, các NĐT rút ra khỏi thị trường mới nổi đến 540 tỷ USD thì chúng ta bị rút ra khoảng 70 triệu USD. So với năm ngoái, mức ra này chỉ bằng một nửa. Đây cũng là một thành tích nếu so với các nước mới nổi.
Lý do cơ bản nhất theo tôi có lẽ là do tín hiệu tích cực về tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù mấy tháng gần đây chỉ số PMI có lúc về dưới 50 điểm, nhưng cơ bản xu thế nền kinh tế nước ta đã thoát đáy và có sự hồi phục. Tiếp đến là, những vấn đề về xử lý nợ xấu ngân hàng, cải cách thể chế, cổ phần hóa, cải cách DNNN… cũng đã có những giải pháp tháo gỡ, tuy tình hình chậm cải thiện nhưng bắt đầu cho thấy đường hướng để đi lên. Cho nên, nó cũng hỗ trợ tốt cho TTCK.
Riêng với TTCK, Nghị định 60 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán là yếu tố quan trọng nhất và được đánh giá cao nhất.
Nghị định 60 cho thấy rõ chủ trương của Chính phủ là quyết tâm mở cửa thị trường và thu hút dòng vốn. Chính vì thế, nó tạo niềm tin cho các NĐT và là trụ đỡ cho TTCK, thể hiện rõ nhất là trong lúc TTCK Trung Quốc giảm nhưng chúng ta lại không hề giảm, chỉ khi họ phá giá đồng nhân dân tệ thì nó mới tác động đến TTCK Việt Nam.
Một yếu tố khác rất quan trọng đã tạo được niềm tin cho NĐT là quy định cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết. Về cơ bản, những vướng mắc về kỹ thuật trong cổ phần hóa đã được tháo gỡ. Thứ nữa là, gắn cổ phần hóa với niêm yết trên TTCK... Việc thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết giúp cho thị trường UPCoM đã tăng gấp đôi khối lượng, khiến năm 2016 quy mô thị trường sẽ mở rộng hơn, giúp thu hút dòng vốn của các quỹ lớn.
Song, điểm quan trọng hơn cả là sự ủng hộ của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc phát triển TTCK. Nhiều ý kiến cho rằng TTCK không giống như sòng bạc nữa mà đều nhất trí cần phải phát triển thị trường vốn dựa vào TTCK, để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ cho kênh dẫn vốn ngân hàng. Điều đó đã tạo nên những tín hiệu tích cực với NĐT trong và nước ngoài.
Việc thúc đẩy cổ phần hóa gắn với niêm yết khiến năm 2016 quy mô thị trường sẽ mở rộng hơn |
Trên nền tảng tích cực như vậy của năm 2015, ông nhận định gì về TTCK năm 2016?
Tác động đến TTCK năm 2016, ở bên ngoài, tiêu cực lớn nhất vẫn là từ kinh tế Trung Quốc và TTCK Trung Quốc. Hiện tại, dự báo kinh tế Trung Quốc như thế nào, mức độ tác động đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam ra sao… vẫn là dấu hỏi lớn.
Rõ ràng, nền kinh tế thứ 2 thế giới chuyển mình sẽ không thể không tác động đến kinh tế toàn cầu, đặc biệt đến kinh tế Việt Nam. Đây là yếu tố cần theo dõi chặt chẽ, phải đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường và chúng ta cũng phải có những chính sách xử lý tỷ giá một cách linh hoạt, khéo léo để tránh được tác động của vấn đề tiền tệ quốc tế đến Việt Nam…
Yếu tố khác là lãi suất tiếp tục được Mỹ điều chỉnh, hiệu ứng từ đó có thể là hình thành xu hướng dịch chuyển dòng vốn. Cuối cùng là về giá dầu, rõ ràng giá dầu sẽ vẫn ở mức độ thấp, không thể đạt được mức 70-100 USD/thùng như trước đây. Điều này sẽ tác động đến ngân sách Nhà nước, đến bầu không khí hồi phục kinh tế toàn cầu.
Đó là những yếu tố khó khăn ở bên ngoài, còn ở bên trong, tôi nghĩ có nhiều điểm thuận lợi, trong đó thuận lợi lớn nhất là triển vọng tăng trưởng đang sáng sủa hơn. Các tổ chức quốc tế đều dự báo năm tới tăng trưởng của chúng ta khoảng 6,5-6,7%. Khi nước ngoài dự báo như vậy thì đây là tín hiệu tốt đối với các NĐT nước ngoài.
Thứ nữa là hiệu ứng từ các chính sách thúc đẩy cổ phần hóa, bởi hầu hết các chính sách này đã được ban hành. Quá trình triển khai đến cuối năm 2015, tốc độ thực hiện cổ phần hóa DNNN đã được đẩy lên; vấn đề thoái vốn trong đó thoái vốn chọn lô và các giải pháp thay đổi quản trị công ty đã tốt hơn. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách, cấu trúc lại các DNNN theo hướng hiệu quả hơn và tạo ra triển vọng về thu hút dòng vốn.
Chúng tôi đã phân tích, nhận thức được những thuận lợi, khó khăn để đưa ra các giải pháp chuyển giai đoạn sang phát triển TTCK theo chiều sâu dựa trên 4 trụ cột tái cấu trúc. Đến nay, về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu nhưng không phải như vậy là đã kết thúc quá trình tái cấu trúc mà sẽ tiếp tục thúc đẩy tái cấu trúc hơn nữa về thị trường, chất lượng hàng hóa, huy động vốn, tổ chức kinh doanh chứng khoán... Chúng tôi cho rằng, sẽ phải triển khai được các giải pháp tháo gỡ Nghị định 60 để chính sách đi vào cuộc sống, nhằm tranh thủ được dòng vốn quốc tế và thúc đẩy kinh tế, thúc đẩy TTCK phát triển.
Tôi nghĩ năm 2016 còn khó khăn, nhưng theo lộ trình đến năm 2017, các vấn đề nợ công và ngân sách sẽ được cải thiện hơn. Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ thoát ra được những khó khăn đó để tiếp tục thúc đẩy công cuộc cải cách về kinh tế và thị trường…
Xin cảm ơn ông!