Bất động sản và NH sẽ dẫn dắt VN-Index
Nhìn lại phiên giao dịch ngày 13/1, TTCK tăng điểm trong phần lớn phiên, nhưng áp lực bán tăng mạnh vào phiên chiều khiến các chỉ số giảm mạnh, đóng cửa trong sắc đỏ. Số cổ phiếu giảm điểm tăng mạnh so với phiên hôm trước.
Điểm đáng chú ý duy nhất trong phiên có lẽ là sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu dầu khí bất chấp giá dầu lao dốc. Khối ngoại bán ròng trên HSX, chủ yếu tại VIC, PVD và CTD. Trên HNX và UPCoM khối ngoại bán ròng với giá trị không đáng kể. Sang ngày 14/1, VN - Index tiếp tục đánh rơi mất 7,34 điểm, còn 553,03 điểm.
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường vẫn đang nằm trong vùng trũng thông tin, do đó không ngạc nhiên khi VN-Index chưa thể bứt phá nhanh chóng. Khối ngoại hiện đang mua bán cân bằng, giá dầu cũng có dấu hiệu tạo đáy tại vùng 30,5 USD/thùng, do đó NĐT cũng đang thận trọng quan sát thêm thị trường chung. “Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục rung lắc quanh ngưỡng 560 điểm trong vài phiên tới”, đại diện BSC nói.
NĐT có quá bi quan khi TTCK đang ở giai đoạn điều chỉnh và câu hỏi đặt ra năm 2016 có thể mang lại kỳ vọng gì cho các NĐT. Các chuyên gia phân tích cho rằng, triển vọng 2016 cho vĩ mô Việt Nam đan xen cả điểm sáng lẫn tối. Sự bền bỉ ổn định trong tăng trưởng sẽ thay thế cho sự bứt tốc mạnh mẽ trong năm vừa qua.
Theo BSC, dự báo GDP 2016 sẽ tăng 6,7 – 6,9% yoy; tỷ lệ lạm phát có thể dao động trong vùng 1,8 – 3,5% yoy; vốn FDI thực hiện có thể đạt 13,5 – 17 tỷ USD; thương mại tăng trưởng, nhập siêu khoảng 4 – 6 tỷ USD; tỷ giá tăng khoảng 5 – 8%, đồng thời thay đổi cơ chế tỷ giá hiện tại; mặt bằng lãi suất tăng nhẹ trở lại, tín dụng và cung tiền tăng trưởng so với 2015.
Thế nhưng, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới trong việc giữ được đà tăng trưởng nhanh trong 2 năm gần đây, bởi biến động vĩ mô trên thế giới và vấn đề nội tại của Việt Nam. Động lực tăng trưởng thiếu bền vững, chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những rủi ro mất cân bằng có dấu hiệu tái xuất hiện, như nhập siêu, dự trữ ngoại hối bào mòn, ngân sách kém bền vững, lãi suất qua vùng đáy…
“Triển vọng 2016 và các năm tới sẽ sáng sủa hơn chỉ khi Việt Nam tận dụng tốt nền tảng vĩ mô khả quan gây dựng trong các năm vừa qua, đồng thời thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, khuyến khích kinh tế tư nhân, cải thiện năng suất và nâng cấp mô hình tăng trưởng...”, BSC nhận xét.
Trong bối cảnh đó, NĐT nên lựa chọn chiến lược đầu tư như thế nào trong năm 2016. Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam tiếp tục bước vào chu kỳ tăng trưởng tốt, tạo nền tảng cho TTCK tăng điểm trong năm 2016. Dù vậy, triển vọng thị trường không được đánh giá cao khi trong năm 2016 sẽ xuất hiện các yếu tố không thuận lợi từ thị trường thế giới, các ẩn số về biến động tỷ giá, lãi suất và dòng tiền đầu tư chứng khoán không có dấu hiệu tăng trưởng.
Thị trường dự báo sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các ngành và nhóm cổ phiếu. Mức độ tăng trưởng thị trường năm 2016 dự báo không nhiều, kèm theo rủi ro lớn hơn vì vậy hoạt động đầu tư cần thận trọng, định hướng vào các DN cơ bản, quản trị minh bạch và triển vọng nổi bật trong các ngành khuyến nghị. Ngoài ra, những cổ phiếu thoái vốn, niêm yết mới, các cổ phiếu trên sàn Upcom đang được định giá thấp có thể là cơ hội đầu tư trong năm 2016.
“Năm 2016, diễn biến VN-Index được dự báo có sự sụt giảm vào tháng 1 và phục hồi dao động tăng giảm trong xu hướng tăng điểm đến hết tháng 8, giảm lại vào cuối năm 2016”, một chuyên gia nhìn nhận.
Về nhóm các cổ phiếu dẫn dắt TTCK trong năm 2016, các chuyên gia phân tích cho rằng, trong nửa sau của năm 2015 xu hướng chuyển dịch vào nhóm cổ phiếu cơ bản có kết quả kinh doanh tốt đã khá rõ rệt. Xu thế này cũng được dự báo là xu thế chính của thị trường trong năm 2016 khi dòng tiền tiếp tục không được đánh giá cao.
Những ngành được đánh giá cao trong năm 2016 nhờ yếu tố chu kỳ, chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài và có lợi thế cạnh tranh tốt nhờ các hiệp định thương mại như bất động sản, NH & Bảo hiểm, Xây dựng & Hạ tầng, Cảng biển, Công nghệ thông tin và Dệt may có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2016. Ngoài ra những cổ phiếu hết room và được mở room cùng với hoạt động thoái vốn của SCIC cũng được kỳ vọng là trụ cột dẫn dắt thị trường trong năm sau.
Do ảnh hưởng của TTCK và kinh tế vĩ mô thế giới, năm 2016 các lựa chọn đầu tư sẽ thiên về hướng phòng thủ hơn, với các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định, dài hạn, các cổ phiếu đầu ngành, có định giá hấp dẫn và có mức lợi tức cao.
BSC thì cho rằng, nhóm cổ phiếu bất động sản và NH có khả năng sẽ trở thành ngành dẫn dắt VN-Index trong năm 2016 thay thế cho dầu khí, bởi thực tế ngay từ đầu năm, ngành NH đã tăng mạnh, tổng cộng đạt 12,1% trong cả năm 2015, cùng với đó, xét về tỷ trọng vốn hóa trong VN - Index, NH là nhóm lớn nhất đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Tỷ trọng vốn hóa của nhóm NH (VCB – CTG – BID – STB – EIB – MBB) tăng từ mức 22,85% (5/1/2015) lên mức 27,55% (29/12/2015), trong đó VCB là cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2, chiếm 10,28% tổng giá trị vốn hóa thị trường.