Sẵn sàng cho cơ hội mới
Ảnh minh họa |
Cách đây không lâu, HNX đưa ra một bản thống kê rằng, thị trường UPCoM đã có chuyển biến rõ nét. Lấy số liệu của 2015, cho đến trước tháng 12/2015, UPCoM có khoảng 240 công ty giao dịch cổ phiếu, nhưng kết thúc năm, con số này đã tăng lên thành 256. Trong khi năm 2014 chỉ có 41 công ty với tổng giá trị đăng ký giao dịch 5.604 tỷ đồng của năm 2014 và 14 công ty với giá trị đăng ký giao dịch 1.721 tỷ đồng của năm 2013. Tức chỉ trong một tháng, số mã chứng khoán hiện diện tại UPCoM đã tăng đến 6%.
Điểm đáng lưu ý hơn là con số giá trị giao dịch trung bình trong tháng cuối cùng của năm đạt gần 141 tỷ đồng/phiên, tăng hơn 6 lần so với tháng trước đó.
Nói riêng về cổ phiếu, có những cổ phiếu thể hiện rất nổi bật. Đơn cử GEX (Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam) trở thành cổ phiếu được ưa chuộng bậc nhất trên UPCoM khi tăng giá từ 1,8 lên 2,4, tương đương 33% chỉ trong chưa đầy một tháng cùng với khối lượng giao dịch cực khủng tính bằng hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên. Hay NT2 hiện là cổ phiếu có vốn hóa cũng như thanh khoản vào loại lớn tại HoSE, nhưng những “fan” của cổ phiếu này vẫn nhớ như in cách đây một năm, NT2 vẫn còn làm mưa làm gió tại UPCoM.
Hay ngày 10/12/2015, 14 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (mã SGN) đã chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu có mức giá tham chiếu cao chỉ đứng thứ 2 sau cổ phiếu AGP của Công ty cổ phần Dược phẩm Agimexpharm (giá tham chiếu 55.000 đồng) trong năm 2015. Tuy nhiên, chỉ trong ngày lên giao dịch, giá cổ phiếu này đã tăng rất nhiều lần.
Theo chia sẻ của nhà đầu tư, SGN tăng trưởng nhanh vì cơ cấu doanh thu thuần của SGN, hoạt động dịch vụ hàng không luôn chiếm tỷ trọng bình quân trên 97%. Năm 2014, SGN đạt doanh thu trên 472,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 75,7 tỷ đồng. Năm 2016, SGN dự kiến doanh thu đạt 490 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 45 tỷ đồng, ROE 32%, cổ tức là 12,5%.
Theo nhiều ý kiến, khi tốc độ tăng trưởng được tính bằng lần, điều này có nghĩa là tiềm năng của UPCoM đang rất lớn. Nhà đầu tư có thể nắm bắt thông tin để lựa chọn đầu tư trong năm mới. Bởi có một điều được khẳng định lúc này là: Sự phát triển của UPCoM rất đa dạng, trên nhiều tiêu chí, khi số lượng cổ phần trên sàn này còn tăng sẽ có nhiều điều bất ngờ.
Đánh giá về tiềm năng của UPCoM, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, hiện vẫn còn hơn 800 công ty đại chúng chưa lên sàn và HNX kỳ vọng, sự ra đời của Thông tư 180/2015/TT-BTC sẽ giúp DN thuận lợi hơn trong việc tham gia thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
Về lý mà nói, cổ phiếu không cần lên UPCoM, nhà đầu tư vẫn có thể mua bán cổ phiếu trên thị trường OTC bằng hình thức ghi nhận sở hữu trên sổ cổ đông. Thế nên việc mua bán sang nhượng cổ phiếu ngoài sàn không còn là mối lo ngại của nhà đầu tư. Đây là điểm đáng mừng đối với nhà đầu tư vì nhiều năm liền những người ôm cổ phiếu trên thị trường OTC được ví như “ôm tới chết”, đồng thời một số công ty cũng không đảm bảo quyền lợi giao dịch.
Theo đó, việc khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu UPCoM được nhiều quan chức đưa ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn tồn tại một số phiền hà trong việc giao dịch ngoài sàn. Chẳng hạn muốn mua-bán cổ phiếu phải có chữ ký của lãnh đạo DN trên sổ cổ đông, nhưng có công ty liên tục khất lần cổ đông vì “sếp đi công tác”. Hay các công ty trên UPCoM không phải chịu những ràng buộc khắt khe về công bố thông tin như công ty niêm yết…
Từ đây, nhà đầu tư kỳ vọng cơ quan quản lý có thể bổ sung, sửa đổi và thay đổi chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư. Để nhà đầu tư có thể đón nhận những cơ hội mới trong năm tới. Nhất là khi định hướng cổ phần hóa gắn liền vào niêm yết/đăng ký giao dịch thì số lượng DN niêm yết trên sàn UPCoM sẽ tăng mạnh, giúp cải thiện sự quan tâm của nhà đầu tư và tăng thanh khoản của thị trường.
Hay về công bố thông tin, nhà đầu tư rất quan tâm đến thông tin của các DN có kết quả kinh doanh tốt, tuy nhiên các DN niêm yết trên sàn UPCoM lại công bố thông tin khá ít. Đơn cử, tới đây, một số tổng công ty như Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTELL) cũng chọn UPCoM là nơi niêm yết cổ phiếu.
Ngoài ra, còn có các nhóm ngành khác như hóa chất, dịch vụ hàng không, vận tải… dự kiến sẽ tham gia thị trường giúp tăng số lượng cổ phiếu có chất lượng cao. Nhưng số liệu thông tin về những DN này còn rất ít, không tạo cơ hội cho nhà đầu tư tìm hiểu và lựa chọn đầu tư.