Quốc hội thảo luận dự án Luật Hỗ trợ DNNVV
Ảnh minh họa |
Các đại biểu cho rằng, DNNVV chiếm tới 97% tổng số DN, đóng góp 33% thu NSNN, tạo ra 62% việc làm. Do vậy, việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ khối DN này phát triển là rất quan trọng.
Đại biểu Đỗ Văn Bình, đoàn Hải Phòng phân tích: Thống kê cho thấy có khoảng 77% DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ đi lên từ mô hình các hộ kinh doanh. Hiện nay cả nước có khoảng 3,4 triệu hộ kinh doanh . Do vậy việc xây dựng và luật hóa các nội dung phù hợp để tạo điều kiện, khuyến khích mạnh mẽ các hộ kinh doanh này phát triển đăng lý thành lập, hoạt động theo luật DN có ý nghĩa quan trọng trong phát triển DN.
"Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu kỹ, phân tích những đặc thù khó khăn vướng mắc, những vấn đề DN thực sự cần để xây dựng các nội dung hỗ trợ phù hợp hiệu quả", ông Bình đề nghị và nói thêm: “Hiện nay đối với các DNNVV khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất, trình độ khoa học, công nghệ và năng lực đổi mới còn thấp, trình độ quản lý, chất lượng nguồn lao động còn hạn chế… đây mới là những vấn đề cần được tập trung quan tâm, luật hóa để những nội dung, giải pháp hỗ trợ DNVVN đạt kết quả”.
Cũng tán thành sự cần thiết ban hành luật, tuy nhiên, theo một số đại biểu, Luật hỗ trợ DNNVV cũng cần bình đẳng với các loại hình DN, không phân biệt các thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ. Vì vậy, cần tạo mọi điều kiện cho DN tư nhân, kể cả DN lớn phát triển, trong đó, có sự gắn kết chặt chẽ giữa DNNVV với các DN lớn tạo thành chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng chứ không nên cắt khúc chỉ hỗ trợ cho DNNVV.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình cho rằng, hỗ trợ DNNVV đã có nhiều luật điều chỉnh như luật ngân sách, luật thuế, luật đất đai... Dự thảo luật lại quy định, khối DNNVV được hỗ trợ từ vốn vay, giảm thuế DN, thuế sử dụng đất đến chi phí dịch vụ, đào tạo tư vấn, truyền thông... Hỗ trợ hết như vậy, liệu có bảo đảm nguyên tắc mọi DN đều bình đẳng như nhau trong cơ chế thị trường.
Theo ông, nếu đặt vấn đề hỗ trợ cho tất cả các DN sẽ không khả thi vì nguồn lực Nhà nước có hạn. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu xây dựng Luật với các quy định khuyến khích thành lập, hoạt động theo Luật DN; và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nội tại của DN nhất là về thủ tục đăng kí thành lập DN, giảm bớt thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà sách nhiễu.
Thứ hai là tạo cơ chế thông thoáng trong kinh doanh, hạn chế thanh tra, giám sát và cũng có quy định mỗi năm có bao nhiêu lần được thanh tra, kiểm tra vì hiện nay có tình trạng DN nhỏ một tháng có đến 3-4 đoàn kiểm tra.
“Tôi đề nghị cần hỗ trợ các lĩnh vực mang tính hưởng lợi chung như hỗ trợ ứng dụng khoa học kĩ thuật trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng chuỗi liên kết, để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tạo tiền đề cho DN phát triển…”, ông Phương nhấn mạnh.
bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật vì còn nhiều quy định giao Chính phủ quy định chi tiết; một số quy định chưa rõ chính sách hỗ trợ là gì; chưa có dự báo đầy đủ về khả năng, nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi của chính sách.
Liên quan đến tiêu chí xác định DNNVV, đa số đại biểu tán thành việc sử dụng tiêu chí tổng nguồn vốn và số lao động để phân loại quy mô DN. Song, quy định bao nhiêu lao động, bao nhiêu vốn đầu tư để phân loại DN thì đề nghị cần minh bạch.
Đại biểu Trần Thị Hiền, đoàn Hà Nam đề nghị, Ban soạn thảo cần làm rõ việc phân loại này phải đáp ứng cùng một lúc 2 tiêu chí, hay tiêu chí nào có tính ưu tiên hơn. Quy định như dự thảo luật sẽ không hiểu tiêu chí này xác định theo hàng năm hay theo bình quân giai đoạn.
“Thực tế có nhiều trường hợp, tổng nguồn vốn của DN lớn hơn 20 tỷ đồng nhưng số lao động không đạt 200 người, vậy xếp DN loại nhỏ hay vừa. Điều này rất cần minh bạch vì liên quan đến chính sách thuế và tư cách tham gia dự thầu của DN”, bà Hiền dẫn chứng.
Nhiều đại biểu khác cho rằng, dự thảo Luật xác định DN theo 3 quy mô bao gồm: siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phân biệt rõ DN nhỏ và siêu nhỏ nhưng thiếu vắng quy định hỗ trợ gắn với từng quy mô DN. Thậm chí, quy định quyền và nghĩa vụ của DN trong tiếp cận hỗ trợ còn bỏ quên đối tượng DN siêu nhỏ. Một số quy định chưa rõ chính sách hỗ trợ là gì; chưa rõ chủ thể chịu trách nhiệm triển khai từng chính sách hỗ trợ là cơ quan tổ chức nào; chưa có dự báo đầy đủ về khả năng, nguồn lực tài chính để bảo đảm tính khả thi của chính sách...