Nâng cao vai trò các hiệp hội DNNVV
Hỗ trợ DNNVV thế nào, cần bao nhiêu là đủ | |
Sắp có “bàn đạp pháp lý” cho DNNVV |
Các Hiệp hội DNNVV cần sát cánh cùng DN |
Tại Hội thảo tham vấn cộng đồng DNNVV góp ý xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết, thực tế cho thấy các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát huy hiệu quả tối đa và đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững và toàn diện nếu được xây dựng thông qua đối thoại và tham vấn giữa Chính phủ và DN.
Vì vậy, với mong muốn Luật Hỗ trợ DNNVV khi thông qua được đảm bảo tính khả thi, tương thích với các luật khác và không vi phạm với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam phát triển bền vững, Hiệp hội DNNVV Việt Nam chủ trì tổ chức hội thảo với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan và cộng đồng DN.
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương) cho rằng Dự thảo luật cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Luật cần quy định các địa phương thành lập Hội đồng khuyến khích phát triển đội ngũ DNNVV.
Phải làm sao để các cấp, các ngành coi việc hỗ trợ DN để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài thực sự là một nhiệm vụ quan trọng chứ không phải là chuyện hô hào, nói cho có hoặc thậm chí tận thu là chủ yếu chứ không phải là hỗ trợ.
Đặc biệt, các cơ quan đơn vị làm công tác hỗ trợ phải công khai các nguồn lực hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ để các DN căn cứ vào đó đăng ký để được hỗ trợ, hoàn toàn không phải xin cho. Mặt khác, cần đẩy mạnh các công tác tuyên truyền để xây dựng văn hóa DN làm sao chỉ nhận hỗ trợ khi đúng đối tượng, ông Hiền cho biết thêm.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng, luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, quy định rõ chức năng, vị trí của các cơ quan, bộ, ngành trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ DN.
Đồng thời, Luật Hỗ trợ DNNVV nên dành một số điều trong luật quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức đại diện DNNVV trong công tác hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích để các hiệp hội DN thành lập các đơn vị chuyên biệt như trung tâm trọng tài, hòa giải thương mại, hỗ trợ đào tạo, thành lập quỹ tương hỗ, quỹ khởi nghiệp... giúp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV tốt hơn và khi thực hiện các nhiệm vụ này, các hiệp hội DN được miễn các khoản thuế phí.
Đây sẽ là một trong những kênh kết nối quan trọng trong việc góp ý và truyền tải các chính sách hỗ trợ DNNVV nói chung, đồng thời thực hiện một số hoạt động xã hội hóa trong công tác hỗ trợ DN như tổ chức tuần lễ quốc gia về DNNVV để tôn vinh các DN, góp ý phản biện xây dựng các chương trình hỗ trợ DNNVV, ông Nam nói.