Có luật, cơ hội tiếp cận vốn sẽ tốt hơn
Sẽ thiết kế Chương trình hỗ trợ trọng tâm cho DNNVV | |
Dự thảo Luật DNNVV: Cần có một tư duy làm luật kiên định |
Ông Nguyễn Văn Thân |
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV liên quan trực tiếp tới 97% DN của cả nước đã được phía hiệp hội tham gia xây dựng, góp ý thế nào, thưa ông?
Ban soạn thảo của dự án Luật Hỗ trợ DNNVV có sự tham gia của Hiệp hội DNNVV Việt Nam. Chính vì vậy, chúng tôi cũng đã tham gia góp ý nhiều lần để có dự thảo hoàn chỉnh chính thức trình kỳ họp Quốc hội lần này.
Tất nhiên, trước khi thông qua luật này (dự kiến vào kỳ họp thứ 3, khoảng tháng 5/2017) thì sẽ còn nhận được nhiều góp ý, phản biện từ các đại biểu Quốc hội, và sẽ còn nhiều điều khoản phải điều chỉnh. Song, tôi cho rằng, với sự tập trung tham gia góp ý rất sát sao của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội thì việc xây dựng bố cục, nội dung của dự thảo luật đã phản ánh khá tốt mong mỏi, nhu cầu của các DNNVV.
Một trong những nội dung được quan tâm hiện nay trong dự thảo luật là ưu tiên cho các DNNVV tham gia vào đấu thầu các dự án công có mức đầu tư 3 tỷ đồng trở xuống. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... những gói đầu tư nhỏ đều được ưu tiên cho các DNNVV. Ví dụ, Mỹ dành 35% dự án đầu tư công cho DNNVV. Bởi thực tế, các nhà đầu tư, DN lớn có nhiều ưu thế để tham gia thầu nên với các dự án nhỏ, nếu họ cũng tham gia thì gần như chắc chắn trúng thầu.
Tuy nhiên, nhiều dự án sau khi DN lớn trúng thầu lại không trực tiếp làm, mà thuê DNNVV làm. Và như thế, có thể làm cho giá, chi phí của dự án bị đội lên. Chính vì vậy, ưu tiên cho các DNNVV đấu thầu thì chi phí có thể rẻ hơn, tiết kiệm hơn. Mức 3 tỷ đồng tôi nghĩ là hợp lý để dành cho DNNVV, tạo điều kiện cho họ được bình đẳng trong đấu thầu.
Có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc ưu tiên cho các DNNVV trong đấu thầu các dự án thì vấn đề minh bạch cũng phải được luật hóa, thưa ông?
Vấn đề minh bạch ở đây thuộc về cơ quan đấu thầu nên không thể đưa vào dự thảo luật này mà phải theo Luật Đấu thầu. Ngoài ra nó còn phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh của đơn vị nhận thầu và đấu thầu. Dự thảo luật trước hết là tạo cơ hội cho DNNVV.
Chúng tôi rất mừng bởi Chính phủ rà soát các nghị định các luật là rất trúng, nhất là các chính sách với DNNVV, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khối DN này.
Dự thảo luật cũng đặt ra nội dung phải đẩy mạnh các quỹ để hỗ trợ cho các DNNVV, trong đó ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Đây cũng là điều rất được các DN mong chờ. Vào tháng 4/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho ra mắt Quỹ Phát triển DNNVV với vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước cấp.
Nhưng để quỹ này đầu tư thật sự hiệu quả thì phải có phản biện của cộng đồng DN, trong đó vai trò của Hiệp hội DN và Hội các ngành nghề là rất quan trọng. Tôi ví dụ, tới đây có hỗ trợ cho phát triển du lịch thì Hiệp hội Du lịch phải cùng khảo sát những DN được hỗ trợ, xem có đúng đối tượng không… Hay Hiệp hội DNNVV Trung ương cũng phải kiểm soát như thế.
Thời gian tới, các chính sách về vốn cho DNNVV sẽ được ưu tiên thế nào, thưa ông?
Hiện nay các ngân hàng bậc trung trở xuống rất quan tâm đến đối tượng khách hàng là DNNVV. Có thể cho vay đối tượng khách hàng này vất vả hơn trong khâu thẩm định, nhưng họ là lực lượng đông đảo, nhiều tiềm năng. Do đó, để khuyến khích các NHTM tăng tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV, dự thảo luật có nội dung, trong trường hợp NHTM đạt tỷ lệ dư nợ cho vay đối với DNNVV tối thiểu 30% lượng khách hàng, thì được hưởng các hỗ trợ ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Nhưng điểm này có nhiều người thắc mắc, với 97% DNNVV thì ưu đãi như vậy có khó khăn đến ngân sách? Tôi cho rằng cần hiểu là các chính sách khuyến khích để nuôi dưỡng nguồn thu, giúp tăng thu cho ngân sách trong tương lai. Khi có các chính sách hỗ trợ, giúp cho DN phát triển lên, đóng thuế tốt và sẽ tăng nguồn thu ngân sách.
Ông có cho rằng, khi luật này được thông qua, sự minh bạch sẽ là cơ hội để DNNVV tiếp cận tín dụng tốt hơn?
Các ngân hàng chắc chắn nhìn thấy điều đó, và bản thân các DNNVV cũng phải tự nâng cao chất lượng quản trị, hoàn thiện mình. Thời gian qua, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng đã tham gia giải bài toán vốn cùng DN. Trong đó có việc phối kết hợp với ngân hàng và tập hợp các hội viên có nhu cầu vay vốn, qua đó cùng tháo gỡ khó khăn.
Chẳng hạn, nếu DN không có tài sản thế chấp, nhưng lại kinh doanh hiệu quả và có doanh thu tốt thì phải chứng minh thế nào. Hiện các DNNVV đang thiếu sự chuẩn bị những cái đó, thậm chí những ưu đãi dành cho chính mình, họ còn không biết.
Và như thế ở đây, vai trò của hiệp hội rất lớn, và phải làm sao để được cộng đồng hưởng ứng. Và trong luật tới đây, chúng tôi mong muốn phải quy định một số nhiệm vụ cụ thể cho hiệp hội thì mới phát huy thật tốt được vai trò.
Xin cảm ơn ông!