Đừng để doanh nghiệp tự bơi
Trong cuộc hội thảo công nghiệp hỗ trợ của Samsung điện tử do Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, sau 7 năm có mặt tại Việt Nam, đến nay tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đạt 36%. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 10% được đáp ứng bởi các DN Việt Nam, phần còn lại thuộc về các DN FDI.
Các DN nội vẫn dè dặt trong đầu tư vào công nghiệp phụ trợ |
Trong số 32 DN Việt Nam đang tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, chỉ có 4 DN đã ký hợp đồng trực tiếp, 28 DN còn lại chỉ cung ứng gián tiếp thông qua DN nước ngoài khác tại Việt Nam. Các sản phẩm cung cấp cũng mới chỉ dừng lại ở những mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ thấp như bao bì, đóng gói và khuôn mẫu.
Tập đoàn LG cũng trong hoàn cảnh tương tự, khi tiến hành đầu tư một tổ hợp công nghệ có quy mô lớn tại Hải Phòng, với diện tích 800 nghìn m², họ đã đặt ra mục tiêu 50% giá trị sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, LG mới chỉ ký được hợp đồng với một DN trong nước là Công ty TNHH 4P (công ty 4P) với tư cách là DN cung ứng bản mạch điện tử trực tiếp.
Cũng giống với Samsung, LG đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm cung ứng. Chẳng hạn như, với một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu thì Samsung yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi các DN Việt Nam chỉ đủ khả năng chính xác đến phần trăm. Như việc sản xuất bản mạch điện tử cho LG của công ty 4P, họ đòi hỏi không được phép xảy ra bất kỳ sai sót hay sự chậm trễ nào làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ sản xuất của toàn bộ tổ hợp của LG tại Hải Phòng.
Hiện tại, có rất nhiều giai đoạn sản xuất các chi tiết, linh kiện lắp ráp cho các dòng sản phẩm của LG mà DN Việt Nam có thể tham gia được, chẳng hạn như sản xuất vỏ điện thoại, ốp điện thoại bằng nhựa... Tuy nhiên vấn đề ở chỗ, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho Samsung, hay LG, Nokia… thì bản thân DN phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về chất lượng của họ.
Muốn thế thì phải đầu tư vào máy móc, công nghệ, con người. Nhưng vốn đầu tư sẽ rất lớn. Và khi đầu tư rồi thì họ lại lo lắng về vấn đề liệu có được đối tác chấp thuận sử dụng sản phẩm của mình. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi DN trong nước không rõ ràng, lại thường xuyên thay đổi. Đây là yếu tố làm các DN e ngại đầu tư.
Ông Hoàng Minh Trí, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty 4P cho biết, để đầu tư một dây chuyền tự động như thế, kinh phí DN phải bỏ ra không hề nhỏ, mà thời gian thu hồi vốn dài và đây chính là hạn chế cố hữu. Cụ thể như, để xây dựng dây chuyền sản xuất bản mạch loa âm thanh ô tô cung cấp cho LG với công suất 1.000 chiếc/tháng, công ty 4P phải đầu tư tổng giá trị hơn 200 tỷ đồng.
Việc DN có thể tham gia vào một công đoạn sản xuất của LG là do công ty đã có kinh nghiệm gần 15 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bản mạch điện tử và đã có sự hợp tác từ lâu với LG. Phía đối tác đã có một quá trình thẩm định năng lực của công ty, ông Trí cho biết.
Để giải quyết những khúc mắc nêu trên, ông Trí kiến nghị cơ quan quản lý nên là trung gian tìm kiếm đối tác để các DN Việt Nam và đối tác có một sự ràng buộc nhất định, tạo tiền đề cho DN trong nước quyết định đầu tư công nghệ, máy móc… để đủ điều kiện tham gia chuỗi cung ứng này.