Đừng xem thường quy tắc xuất xứ
Ảnh minh họa |
Các quy tắc cụ thể về từng mặt hàng, các chi tiết cho từng mã (HS) trong mỗi ngành hàng khá phức tạp và không dễ áp dụng. Chính vì vậy, nếu nhà sản xuất, DN xuất khẩu sang các nước không có kiến thức về mã HS, về xuất xứ hàng hóa và không được hướng dẫn cụ thể để áp dụng đúng, chính xác quy tắc phù hợp cho sản phẩm của mình thì không những khó có thể xuất được hàng đi, mà thiệt hại về kinh tế cũng không hề nhỏ.
Ngược lại, khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, thì nhà sản xuất, DN xuất khẩu có được C/O (hay được tự chứng nhận xuất xứ). Điều này giúp họ được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu tới các nước đã ký kết FTA, TPP với Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp, trung bình chỉ 35%, phần còn lại là hàng hóa phải chịu thuế cao hơn nhiều so với mức thuế đáng ra các DN xuất khẩu của Việt Nam được hưởng.
Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này, đó là DN chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ nên đã không tận dụng được thuận lợi thương mại hóa, không xin được C/O, và nhất là không được hưởng mức thuế quan ưu đãi mà các FTA mang lại.
Đặc biệt, với các FTA cũ, tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP với những điều khoản phức tạp và chặt hơn, nếu bản thân DN không chủ động cập nhật thông tin và trang bị kiến thức thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ giúp cho DN tìm được con đường thuận lợi nhất để thâm nhập thị trường xuất khẩu, cũng như thu được về lợi ích tối đa cho DN bởi tận dụng được ưu đãi thuế quan.
Một trong những vấn đề tưởng chừng như đơn giản, nhưng dường như lại chưa được quan tâm đúng mức, đó là không phải tất cả các mặt hàng xuất khẩu đều phải chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của quy tắc xuất xứ như nhau. Mỗi một hàng khác nhau sẽ thực hiện quy tắc xuất xứ khác nhau, thậm chí một số mã hàng sẽ có phần những quy định đơn giản, lỏng hơn so với mã hàng khác.
Cùng chung quan điểm này, nhiều DN trong lĩnh vực dệt may cho biết, việc nắm rõ và tận dụng được quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan giúp cho DN tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam – ông Trương Văn Cẩm phân tích, trong hầu hết các FTA Việt Nam đã thực hiện, nguyên liệu cho ngành có thể nhập khẩu từ bất cứ đâu, chỉ cần chứng minh công đoạn cắt may khâu thành sản phẩm diễn ra tại Việt Nam, thì sản phẩm đó đã được coi là có xuất xứ từ Việt Nam, và được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước đối tác của Việt Nam.
Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu ý đối với một vài quốc gia, quy tắc xuất xứ khó hơn một chút, khi ngoài công đoạn gia công cuối cùng diễn ra tại Việt Nam, thì phải chứng minh có ít nhất 35% - 40% trị giá của thành phẩm được tạo ra trong phạm vi FTA đã ký kết (với AANZFTA và AIFTA).
Đặc biệt là đối với TPP, thì mức độ khó là cao nhất khi áp dụng quy tắc “từ sợi trở đi”, có nghĩa là từ sợi tạo ra vải thô, vải thành phẩm và sau đó là hoàn thiện sản phẩm, tất cả các công đoạn này phải được sản xuất trong phạm vi khu vực các nước tham gia TPP.
Vì vậy, ông Cẩm nhấn mạnh “đừng xem thường quy tắc xuất xứ nếu DN muốn đưa hàng thành công ra nước ngoài và hội nhập nhanh chóng vào chuỗi mắt xích toàn cầu”.