Đường dẫn vốn đến với người nghèo
Khi Chỉ thị “bốn mươi” đi vào cuộc sống | |
Nguồn vốn ưu đãi được Hội Cựu chiến binh phát huy hiệu quả | |
Kênh tín dụng giúp cựu chiến binh làm giàu |
Công tác bình xét cho vay rất chặt chẽ
Với chủ đề: “Hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách - Cánh tay nối dài trong hành trình dẫn vốn đến với người nghèo”, tại buổi tọa đàm trực tuyến do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với Báo Thanh niên tổ chức mới đây, các diễn giả đến từ các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện NHCSXH đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về công tác ủy thác vốn vay ưu đãi.
Theo thông tin tại tọa đàm, tính đến hết tháng 7/2017, 4 tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý trên 187.151 Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) với tổng dư nợ nhận ủy thác của NHCSXH đạt trên 163.986 tỷ đồng. Trong đó, Hội Phụ nữ quản lý 71.069 Tổ TK&VV, dư nợ 64.682 tỷ đồng; Hội Nông dân quản lý 60.327 Tổ TK&VV, dư nợ 52.850 tỷ đồng; Hội Cựu Chiến binh quản lý 31.469 Tổ TK&VV, dư nợ 25.733 tỷ đồng; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quản lý 24.286 Tổ TK&VV, với dư nợ là 20.721 tỷ đồng.
Bên cạnh việc phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội đã động viên hội viên dành dụm chi tiêu, hăng hái thực hành tiết kiệm được 6.107 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay tại NHCSXH. Đồng thời, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV với số tổ có chất lượng hoạt động khá, tốt chiếm trên 96%.
Nhờ công tác ủy thác, nhiều hội viên Hội Nông dân đã được vay sản xuất chăn nuôi |
Tại tọa đàm, một trong những nội dung được nhiều bạn đọc quan tâm là công tác bình xét cho vay hiện nay đã đảm bảo công bằng, khách quan không, bà Hồ Lan Hương - Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH cho biết: Công tác bình xét cho vay được NHCSXH quy định rất chặt chẽ, công khai, dân chủ, có sự giám sát của chính quyền cấp cơ sở (cụ thể là trưởng thôn và đại diện tổ chức hội, đoàn thể cấp xã nhận ủy thác tham gia vào công tác bình xét hộ vay vốn).
Tăng cường cán bộ theo dõi hoạt động ủy thác
Với dư nợ đạt trên 64.000 tỷ đồng cho hơn 2,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thì vốn cho vay ủy thác qua Hội Phụ nữ đang đứng đầu về tỷ trọng dư nợ so với các hội, đoàn thể khác. Bà Bùi Lan Anh - Trưởng phòng Giảm nghèo Ban Kinh tế - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, bên cạnh làm tốt công tác ủy thác, các cấp hội đã huy động trên 2.000 tỷ đồng tiết kiệm từ các Tổ TK&VV do hội quản lý; chất lượng Tổ TK&VV đạt kết quả khá tốt, với 81,3% tổ tốt, tổ yếu kém chỉ còn 1,99%.
Thời gian tới, để góp phần cùng NHCSXH thực hiện các chính sách tín dụng mới và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của các cấp hội, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động như: chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ hội và người vay vốn, đảm bảo thực hiện tốt các nội dung công việc được ủy thác, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ TK&VV. Tăng cường đầu tư các mô hình gắn kết đồng bộ giữa hỗ trợ tiếp cận tín dụng với dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn giới thiệu việc làm, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giá trị sản phẩm, tăng thu nhập. Duy trì phân công, bố trí cán bộ hội chuyên trách theo dõi hoạt động ủy thác ổn định ở các cấp.
Xác định Tổ TK&VV là mắt xích quan trọng trong quy trình cho vay vốn, nên công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ luôn được các cấp Hội Nông dân coi trọng. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng – Trưởng Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân cấp cơ sở thường xuyên bám sát nghị quyết của cấp ủy, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ban giảm nghèo cơ sở, nhất là với phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện đánh giá phân loại, chấm điểm Tổ TK&VV; kịp thời kiện toàn các Tổ TK&VV còn yếu; chỉ đạo các Tổ làm tốt công tác bình xét cho vay, đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ, đúng đối tượng. Duy trì nề nếp sinh hoạt của tổ để các thành viên trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, đôn đốc, giám sát lẫn nhau trong quá trình sử dụng và hoàn trả vốn vay.
Thực tế cho thấy thanh niên nông thôn đang cần rất nhiều vốn, do đó, để tăng khả năng tiếp cận vốn cho đối tượng này, theo ông Lê Ngọc Khánh – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Thanh niên nông thôn - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tháng 3/2017, Ban Bí thư Trung ương Đoàn có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành đoàn và đặc biệt các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao... quan tâm hơn nữa tới công tác ủy thác cho vay.
Nghiêm túc thực hiện chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách. Đôn đốc yêu cầu các tỉnh, thành Đoàn phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở, NHCSXH và các hội khác tổ chức khắc phục các tồn tại. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đưa vào chỉ tiêu thi đua hàng năm và hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên nghèo cách làm ăn thông qua hoạt động truyền thông; xây dựng mô hình phát triển kinh tế, hợp tác xã... để thanh niên có thêm việc làm, có thu nhập để trả nợ cho NHCSXH; chỉ đạo nâng cao chất lượng của Tổ TK&VV.