Nguồn vốn ưu đãi được Hội Cựu chiến binh phát huy hiệu quả
Vườn trái xum xuê nhờ vốn vay ưu đãi | |
Kênh tín dụng giúp cựu chiến binh làm giàu | |
Nâng chất lượng cuộc sống |
Hiện nay, Hội CCB đang quản lý 31.503 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 1 triệu hộ vay. Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã giải quyết cho 31.750 hội viên CCB có việc làm ổn định. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Hội CCB đã giúp 6.544 hội viên CCB thoát nghèo, xóa được 1.228 căn nhà dột nát, tạm bợ cho hội viên…
Thương binh hạng 4/4 Nguyễn Trung Thành trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, phân loại chè xanh với các xã viên |
Hội CCB các cấp đã luôn đồng hành cùng NHCSXH, tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thụ hưởng tín dụng ưu đãi của Chính phủ, phát huy ngày càng hiệu quả nguồn vốn vay, góp phần giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tích cực tham mưu cho cấp ủy Đảng thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, Hội CCB có trên 82% số tổ hoạt động tốt, còn lại các tổ hoạt động khá và trung bình. Thời gian qua Hội CCB cũng đã thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác vốn vay ưu đãi tại cơ sở, duy trì các tiêu chí thi đua về kết quả ủy thác vốn vay nhằm tạo động lực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng ủy thác của các cấp hội cơ sở,…
Xác định hoạt động ủy thác là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội, tạo điều kiện hỗ trợ vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập vừa là điều kiện để củng cố tổ chức hội vững mạnh, nhiều năm qua, Hội CCB phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhận thức, tâm lý trông chờ ỷ lại của người dân và vận động, khơi dậy ý thức tự vươn lên phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với hội viên Hội CCB.
Để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, công tác bình xét, thẩm định, phê duyệt, hướng dẫn Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động là khâu quan trọng nhất. Vì vậy, hội CCB thường xuyên kiểm tra giám sát, hướng dẫn chi tiết và có biện pháp khắc phục xử lý những trường hợp tiêu cực phát sinh, phối hợp xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, chiếm dụng, quá hạn và hướng dẫn hộ vay lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan cũng được Hội CCB triển khai thực hiện khá tốt, từ đó chất lượng tín dụng được nâng lên và hoạt động ủy thác ngày càng hiệu quả.
Hội CCB tỉnh Kiên Giang là một trong những hội cấp tỉnh phát thực hiện tốt công tác ủy thác vốn vay ưu đãi, hiện nay hội đang quản lý 655 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 23.110 hộ vay vốn, trong đó có trên 2 ngàn hộ là hội viên Hội CCB; dư nợ ủy thác trên 401 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện vận động các thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn hình thành thói quen tiết kiệm chi tiêu, tích lũy hằng tháng gửi tiết kiệm tại NHCSXH thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo nguồn trả lãi lúc gặp khó khăn và trả nợ ngân hàng khi đến hạn, đến nay có 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn, trên 86% hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm với số dư trên 13 tỷ đồng.
Với nguồn vốn ủy thác từ NHCSXH, Hội CCB tỉnh Kiên Giang đã góp phần tạo cơ hội cho hơn 6 ngàn hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 17.790 lao động, 7.488 HSSV thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn được đến trường học tập, xây mới và cải tạo 20.542 công trình nước sạch và vệ sinh, hơn 2.500 hộ nghèo được xây dựng nhà ở kiên cố; hàng ngàn hộ gia đình được tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện nâng cao cuộc sống, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững...
Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, hoàn cảnh gia đình gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng với ý chí không cam chịu đói nghèo, không khuất phục khó khăn, CCB Lê Công To ở khu phố 6, phường Rạch Sỏi, TP.Rạch Giá đã vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động, sự cần cù, chịu khó của mình.
Gia đình không có đất đai, ngay từ ngày đầu, ông To xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu. Được sự khuyến khích, hỗ trợ từ nhiều phía, ông đã mạnh dạn vay vốn từ NHCSXH. Nhờ cần mẫn, chịu khó, mô hình của ông đã nhanh chóng tạo được hiệu quả. Từ hơn 100 cặp bồ câu giống và thịt, nay ông đã có hàng ngàn cặp bồ câu giống và thịt cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí, ông thu nhập hơn 15 triệu đồng.
Ông To chia sẻ: “Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong lực lượng hội viên. Với tinh thần “Xưa thắng giặc, nay thắng nghèo”, CCB phải là lực lượng tiên phong đi đầu trong các trận tuyến để hình ảnh người lính Cụ Hồ luôn đẹp trong lòng tất cả mọi người”.
Cùng với phong trào thi đua phát triển kinh tế, Hội CCB tỉnh Kiên Giang còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào, cuộc vận động do UBMT Tổ quốc phát động. Thông qua thực hiện các phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình như: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”; tích cực tham gia cùng cộng đồng dân cư tự nguyện đóng góp nguồn lực theo khả năng, điều kiện để góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tại trụ sở Hội CCB tỉnh Phú Thọ, chúng tôi đã được nghe các đồng chí trong Thường vụ Hội CCB chia sẻ những thông tin thú vị xoay quanh chuyện thương, bệnh binh của tỉnh hăng say dấn thân vào “mặt trận” mới - mặt trận kinh tế. Đó còn là chuyện về những cách làm hay của hội, nhằm giúp hội viên nói chung, hội viên là thương binh, bệnh binh nói riêng vượt khó, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi.
Những năm qua, Hội CCB tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với NHCSXH, thực hiện ủy thác vay vốn để tạo nguồn vốn cho hội viên sản xuất kinh doanh. Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, hội đã quản lý nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH gần 750 tỷ đồng. Hội CCB các cấp đã thường xuyên báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai để mở trang trại, nhà xưởng, bến bãi; nhờ đó, tình trạng thiếu đất, thiếu việc làm đã dần được khắc phục.
Tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc trong đội hình Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), sau khi bị thương năm 1979, ông Nguyễn Trung Thành trở về xây dựng quê hương. Nhìn nhiều đồi chè bạt ngàn năm nào nay trơ trọi, và những đồi chè còn sót lại có lúc người dân tranh bán tranh mua, có lúc đổ bụi tre gốc chuối, ông trăn trở lắm. Nơi đây vốn là đất chè mà người dân không thể sống được bằng chè, nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra rất bấp bênh. Từ phân tích ấy, ông tìm đến các nhà máy chè mong ký được hợp đồng, nhưng rốt cuộc vẫn không được việc do không đủ tư cách pháp nhân.
Vì thế, tháng 12/2012, ông tổ chức liên kết các hộ làm chè, xây dựng mô hình HTX sản xuất, chế biến dịch vụ thương mại chè Minh Tiến. Với hình thức tổ chức là máy móc chế biến giao xuống tận hộ xã viên; nguyên liệu sản xuất nằm tại các hộ; HTX bao tiêu đầu ra, với đối tác là một Công ty chè khá lớn trên địa bàn; thuốc sâu, phân bón được công ty đầu tư trả chậm; có tổ chức các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chế biến… nhờ đó mỗi năm HTX cung ứng cho đối tác khoảng 1.000 tấn chè tươi. Những ưu điểm có thể kể đến khi áp dụng hình thức chế biến tại hộ gia đình là tận dụng triệt để nguyên liệu chất đốt; huy động hiệu quả lao động phụ trong mỗi gia đình.
Nhờ được trang bị kỹ thuật canh tác, nên nếu trước khi HTX ra đời, năng suất chè chỉ đạt 7 - 8 tấn/ha, thì nay đã lên tới 15 - 20 tấn/ha. Hiện HTX có 18 hộ tham gia, với diện tích chè đang quản lý là 59ha. Thu nhập bình quân của xã viên đạt khoảng 5 triệu đồng/tháng. Có những hộ vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Đoan Hùng đã thoát nghèo bền vững nhờ trồng và chế biến chè như gia đình CCB Đặng Văn Vinh. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình CCB Đặng Văn Vinh hái, sao, sấy hơn 1 tạ chè khô, đồng thời cơ sở sản xuất chè của gia đình còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động, với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Vào thời điểm thu hoạch chè rộ, mỗi ngày gia đình thuê thêm hơn chục nhân công hái chè với mức lương 14.000 đồng/giờ.
“Nhờ nguồn vốn “mồi” 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH, tôi mua máy sao chè, hút chân không để chất lượng và bảo quản chè tốt hơn. Có máy hỗ trợ, gia đình cũng yên tâm thuê lao động thu hái chè, tăng diện tích và sản lượng trồng chè”, CCB Đặng Văn Vinh phấn khởi chia sẻ.
Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Hội CCB tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, khai thác tất cả các chương trình, tập trung đầu tư hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH, bình xét cho vay, đảm bảo vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng; quản lý chắc hội viên vay vốn và sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Tiếp tục kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo 100% tổ hoạt động hiệu quả, chất lượng tốt, đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách tại cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với ngân hàng kịp thời tập huấn, hướng dẫn kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng và kiểm tra, giám sát, phát hiện phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn hộ vay vốn sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Nâng cao trách nhiệm của hội các cấp; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương và hội cấp trên; đồng thời mỗi cấp hội đều phân công cán bộ chuyên trách theo dõi quản lý việc nhận uỷ thác vốn NHCSXH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng để mọi người hiểu rõ và ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của người vay và sử dụng vốn vay; góp phần đầy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Theo đánh giá của Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý những năm qua Hội CCB đã tích cực hỗ trợ hội viên CCB nghèo vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Có được những kết quả trên, Hội CCB đã phối hợp chặt chẽ và triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong công tác ủy thác. Hội CCB và NHCSXH các cấp đã phối hợp tốt trong công tác kiểm tra, giám sát, ưu tiên nguồn lực cho các đơn vị có chất lượng tín dụng còn thấp và đã có nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.