Ép doanh nghiệp lớn liệu cái kết có hậu?!
Hộ kinh doanh trước ứng xử chính sách | |
Hộ kinh doanh chưa cảm nhận được lợi ích khi trở thành DN |
Ảnh minh họa |
Thực tế này cho thấy, mặc dù Nhà nước đã đặt ra rất nhiều hạn chế đối với hộ kinh doanh để buộc họ phải lớn lên, song trước các tính toán về chi phí và lợi ích của việc chuyển đổi, ứng xử của hộ kinh doanh trước chính sách lại ngược với mong đợi.
Cụ thể các tính toán về chi phí và lợi ích mà người kinh doanh đặt lên bàn cân là gì, thưa ông?
Để phân tích về các tính toán của hộ kinh doanh, trước hết chúng ta phải xem xét về ứng xử chính sách của Nhà nước đối với loại hình này và đối với mô hình DN. Trước hết cần phải xem xét về bản chất của hộ kinh doanh. Những năm 90 chúng ta có Luật Công ty, thời điểm đó tư duy của chúng ta là công ty phải to, nhiều tiền, nên muốn đi kinh doanh phải có mức vốn nhất định mới được thành lập công ty, còn người có ít tiền vẫn muốn kinh doanh thì có loại hình cá nhân, nhóm người kinh doanh dưới vốn pháp định, gọi là hộ kinh doanh. Và quá trình phát triển vẫn giữ nguyên cơ bản từ thời kỳ đó cho đến nay.
Một mặt, các chính sách của ta hạn chế rất nhiều quyền kinh doanh của hộ, như chỉ được đăng ký tại 1 địa điểm, phạm vi hoạt động trong 1 quận hoặc huyện, và nếu muốn mở rộng thì phải mở thêm hộ kinh doanh khác; đặc biệt trong các ngành kinh doanh có điều kiện thì họ không được tham gia; vay vốn NH thì không giao dịch với hộ mà với chủ hộ...
Với các hạn chế này, hộ kinh doanh thậm chí không được coi là DNNVV. Nhưng đồng thời ở chừng mực nào đó cũng có những ứng xử về pháp luật có thể gọi là lợi thế của hộ, như thủ tục thành lập, quản trị hộ gần như bằng 0; chế độ sổ sách kế toán của hộ kinh doanh nhiều nhất lên đến 6 cuốn so với DN khoảng 32 cuốn; một số trường hợp thu thuế chủ yếu là thuế khoán, tự kê khai nộp thuế, chế độ cơ bản đơn giản hơn rất nhiều so với DN.
Chưa kể nếu là doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ghi nhận thời gian khởi sự kinh doanh mất ít nhất 24 ngày, rút khỏi thị trường mất 60 tháng, và mất đến 540 ngày cho thời gian trả thuế. Cùng với đó là rất nhiều khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động. Những tuân thủ này chính là “ác mộng” với DN.
Như vậy một mặt chúng ta hạn chế quyền, một mặt nào đó rất nới lỏng về gánh nặng quy định pháp luật đối với hộ kinh doanh. Với các ứng xử chính sách như vậy, tự họ đã đưa ra phép so sánh các lợi thế và bất lợi của việc chuyển đổi và lựa chọn cuối cùng của họ ra sao thì chúng ta đã rõ. 17 năm nay chúng ta tạo ra 4,67 triệu hộ kinh doanh. Tốc độ tăng của số DN thành lập thời gian gần đây rất lớn, song vẫn không đáng kể nếu so với tốc độ ra đời của hộ kinh doanh, chưa kể nhiều DN thành lập rồi lại muốn quay trở lại thành hộ kinh doanh.
Phải tuân thủ biện pháp khuyến khích và dùng đòn bẩy kinh tế tạo ra động lực thực sự để DN chuyển đổi và chuyển một cách bền vững |
Nhưng thưa ông, dưới góc độ quản lý Nhà nước, để phát triển nền kinh tế bền vững và chuyên nghiệp thì chúng ta rất cần có khu vực DN lớn, đồng thời việc chính thức hoá hộ kinh doanh để họ lớn lên thành DN cũng mang lại nhiều lợi ích cho chính họ?
Để trả lời vấn đề này, trước hết cần phải phân tích xem chúng ta thực sự muốn gì. Chúng ta mong muốn chuyển đổi hộ kinh doanh lên thành DN, nhưng đó có phải mục tiêu cuối cùng không? Tôi cho rằng không phải. Chúng ta phải đặt mục tiêu rộng hơn rất nhiều, cụ thể là mọi nguồn lực phải được phát huy vào sản xuất kinh doanh mà không phân biệt hình thức và mọi nguồn lực phải được đầu tư theo cách hiệu quả nhất.
Nếu cứ cố ép hộ kinh doanh phải lớn, chúng ta sẽ dính vào cái bẫy vô hình. Một mặt chúng ta hạn chế quyền kinh doanh, chỉ suy nghĩ làm thế nào để họ chuyển thành DN, thì chúng ta sẽ bó buộc họ, như vậy sẽ hạn chế các cách thức kinh doanh có hiệu quả nhất, phù hợp nhất với khả năng của họ. Toàn bộ nguồn lực xã hội sẽ bị ép chui vào cái áo rất chật mà ở đó nhiều đối tượng không thể phát huy được tối đa nguồn lực của mình.
Vì vậy tôi cho rằng việc chuyển đổi chỉ nên là một trong các giải pháp, cách thức mà chúng ta suy nghĩ đến. Quan trọng hơn là môi trường kinh doanh phải có sự bình đẳng, mọi nghĩa vụ hay sự thuận lợi đều công bằng giữa mọi hình thức kinh doanh. Chỉ khi chúng ta thống nhất về chủ trương phát triển khu vực tư nhân và tìm cách phát huy tối đa nguồn lực thì chúng ta hình dung nhà nước đang làm được việc gì và còn cần phải làm gì.
Vậy theo ông hiện nay Nhà nước đã làm được việc gì để hộ kinh doanh lớn lên và khối DN tư nhân phát triển hơn?
Qua so sánh khảo sát thực hiện 10 năm trước và mới đây, chúng tôi thấy rằng Nhà nước hiện nay đã gánh được 3 điều lo lắng của hộ kinh doanh. Luật Hỗ trợ DNNVV khuyến khích việc chuyển đổi, trình tự thủ tục chuyển đổi. Nhà nước đang xây dựng chính sách để đảm bảo tính liên tục của quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên đó mới chỉ là những khó khăn nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 16-36% hộ kinh doanh lựa chọn.
Trong khi đó, chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ nhiều vấn đề lớn hơn mà hộ kinh doanh và chính các DN đều đang lo ngại, như chịu sự thanh tra, kiểm tra nhiều hơn; thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, khó khăn hơn; tuân thủ chặt chẽ hơn các quy định về điều kiện kinh doanh; tuân thủ chế độ kế toán, sổ sách, báo cáo tài chính… Khoảng 60-80% hộ kinh doanh và DN lo ngại về vấn đề này, song có thể nói chính sách hiện nay chưa tác động được nhiều. Nhà nước mới chủ yếu tác động vào phần thủ tục chuyển đổi, có thể nói chưa đáng kể để thay đổi tình thế này.
Tôi cho rằng hiện nay chúng ta đang thiếu các biện pháp liên quan đến tạo ra môi trường kinh doanh mà ở đó thực sự phù hợp với hình thức kinh doanh có tính nhỏ và siêu nhỏ, sự công bằng giữa DN lớn và DN nhỏ. Khoảng trống hiện nay là chưa thực sự có môi trường để tạo ra các thay đổi, đặc biệt về chế độ kế toán kiểm toán. Vậy câu chuyện chuyển đổi hộ phải được đặt thành vấn đề khác. Đó là phát triển khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa mọi nguồn lực không phân biệt hình thức pháp lý.
Vậy ông có khuyến nghị giải pháp như thế nào để thay đổi tình hình này?
Tôi cho rằng một mặt chúng ta vẫn phải tuân thủ biện pháp khuyến khích và dùng đòn bẩy kinh tế tạo ra động lực thực sự để DN chuyển đổi và chuyển một cách bền vững, chứ không nên dùng mệnh lệnh hành chính. Như vậy phải dùng biện pháp đơn giản hợp lý, phù hợp quy mô và tính chất kinh doanh.
DN thấy chính sách có lợi thì sẽ thực hiện ngay lập tức chứ không đợi cơ quan nhà nước đến bảo, nên nếu có chính sách tốt họ dễ dàng thấy lợi ích lâu dài khi chuyển đổi thành DN, thì tự khắc họ sẽ chuyển đổi, lúc đó chẳng cần khuyến khích, hỗ trợ, nài nỉ, động viên, tự khắc họ sẽ chuyển đổi.
Hiện nay Luật Hỗ trợ DNNVV đã có một số biện pháp hỗ trợ rồi. Tuy nhiên cái cần làm ngay lập tức không chần chừ là sửa đổi các quy định về kế toán, nộp thuế phù hợp với DNNVV. Ví dụ không bắt buộc phải tổ chức bộ máy kế toán, chỉ cần bố trí người làm kế toán; khuyến khích chủ DN tự ghi chép… Bên cạnh đó, ngay lập tức rà soát toàn bộ hệ thống quy định pháp luật, bãi bỏ các quy định tạo cản trở, gánh nặng pháp lý quá mức đối với DN nhỏ.
Ngoài ra, cũng phải phân loại hộ kinh doanh để xác định quy mô, tính chất ngành nghề kinh doanh, xem mô hình nào có lợi thế thực sự và có thể chuyển đổi lên thành DN. Có hộ kinh doanh trao đổi với tôi họ bán phở, chỉ có năng lực bán 100 bát/ngày, chuyển lên thành DN để làm gì? Vậy chúng ta phải phân loại, sàng lọc xem hoạt động kinh doanh có tính chất như thế nào mà khi nâng cấp quy mô sẽ có hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn ông!