Hộ kinh doanh chưa cảm nhận được lợi ích khi trở thành DN
Cả nước có 4,57 triệu hộ kinh doanh, bình quân 19,3 người dân có một hộ kinh doanh. Tổng số hộ kinh doanh liên tục tăng lên qua các năm. 80% số hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, 20% số hộ sản xuất kinh doanh hoạt động trong ngành công nghiệp và xây dựng và tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động.
Việc chuyển hộ kinh doanh thành DN đã được đặt ra từ năm 1999 tại Luật DN: những hộ sản xuất kinh doanh thường xuyên sử dụng trên 10 lao động phải thành lập DN. Gần đầy Chính phủ cũng đã có chủ trương khuyến khích hộ kinh doanh trở thành DN. Nhưng số hộ chuyển lên thành DN rất ít. Trong số DN mới thành lập chỉ có 17,8% là từ hộ gia đình mà lên.
Nếu chỉ mãi là hộ kinh doanh, sẽ gặp nhiều hạn chế và thiệt thòi. Theo nghiên cứu "Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam – thực trạng và khuyến nghị chính sách" của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, thì về pháp luật, hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với DN:
Hạn chế quyền kinh doanh: đăng ký tại một địa điểm; hoạt động kinh doanh trong phạm vi quận, huyện; không mở chi nhánh, VPĐD… Một số ngành nghề phải là doanh nghiệp;
Hạn chế quy mô sử dụng lao động tức là chỉ được sử dụng 9 lao động là tối đa; Là hộ kinh doanh sẽ bị hạn chế tiếp cận tín dụng chính thức, gần đây ngành ngân hàng đã có chỉ đạo không cho hộ gia đình vay vốn kinh doanh… Họ cũng không thể huy động vốn bằng cách huy động vốn góp hay bán cổ phần…
Nghiên cứu chỉ ra lợi ích của "chính thức hóa" hoạt động kinh doanh, khi thành DN, sẽ nâng cao chất lượng lao động: điều kiện, thu nhập, an toàn, phúc lợi và tính ổn định. Sẽ chính danh để tham gia chuỗi sản xuất, và có khả năng phát triển rộng lớn… Là DN sẽ thuận lợi hơn khi tuyển dụng lao động có tay nghề, được đối tác tin cậy hơn…
“Tuy nhiên phần lớn hộ kinh doanh chưa cảm nhận được những lợi ích khi trở thành DN”, theo báo cáo của CIEM. Báo cáo đã phân tích những điểm lợi khi hộ vẫn là hộ và cả những lợi ích nếu hộ thành DN.
Báo cáo đưa ra khuyến nghị: Cần có chương trình hành động khuyến khích hộ kinh doanh trở thành DN. Đơn giản hóa quy trình , thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN, quy định rõ hơn thời hạn, chế tài chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. “Kết quả điều tra cho thấy để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN, đa số hộ cho rằng cần bắt buộc các cơ sở kinh doanh đều phải xuất hóa đơn mua hàng và chịu các loại thế như DN”, bà Nguyễn Thị Luyến – Trưởng ban Thể chế CIEM cho biết.
Để khuyến khích hộ kinh doanh thành DN, ông Đinh Trọng Thắng – Trưởng ban Ban chính sách Đầu tư (CIEM) cho rằng phải xóa bỏ sự đắt đỏ của môi trường kinh doanh và gánh nặng pháp lý. Theo Ngân hàng thế giới, khi môi trường kinh doanh ít đắt đỏ thì khu vực phi chính thức ít hơn.
Cần tạo môi trường kinh doanh tốt cho khu vực hộ kinh doanh để phát huy tối đa tiềm năng. Khuyến khích, thúc đẩy kinh doanh dưới hình thức DN. Muốn vậy cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, tính đến các DNNVV, cách tiếp cận trung gian. Một mặt lựa chọn tự nhiên, mặt khác tạo môi trường kinh doanh ở mức cao hơn, nhưng thuận lợi hơn để hộ phát triển mở rộng và thành DN.