Gắn tái cấu trúc thuỷ sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị
Tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng | |
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn trước Quốc hội |
Làm rõ thêm về việc làm thế nào để ngành thuỷ sản phát triển bền vững trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng để phát triển thuỷ sản. Trong những năm qua, ngành thuỷ sản đã đạt được những kết quả rất quan trọng.
Năm 2018 tổng sản lượng thuỷ sản đạt 7,7 triệu tấn và xuất khẩu đạt giá trị trên 9 tỷ USD. Riêng 10 tháng năm 2019 đạt giá trị xuất khẩu 7,1 triệu tấn. Với kết quả như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có những sản phẩm thuỷ sản đứng đầu thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành thuỷ sản đã góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo nhiều việc làm cho người dân, đặc biệt là ngư dân góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người lao động ngành thuỷ sản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được ngành thuỷ sản vẫn còn nhiều tồn tại những hạn chế và đứng trước những khó khăn, thách thức: về quy mô, ngành thuỷ sản còn chưa tương xứng với tiềm năng; về cơ cấu, ngành thuỷ sản chưa hợp lý; về đầu tư cho hệ thống hạ tầng, ngành thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; về tổ chức, sản xuất ngành thuỷ sản chưa hiệu quả; về chất lượng và giá trị gia tăng, ngành thuỷ sản còn thấp... do đó đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh và đến tiêu thụ các sản phẩm thuỷ sản.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ nuôi nguồn thuỷ sản chưa được chú trọng, vốn đầu tư cho hạ tầng thuỷ sản khó khăn, chính sách cho phát triển thuỷ sản có những bất cập, đặc biệt là tình trạng đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt.
Về trách nhiệm của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho biết thứ nhất, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: tái cấu trúc ngành thuỷ sản trên cơ sở đánh giá đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và thế giới; gắn tái cấu trúc ngành thuỷ sản với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm giảm chi phí, nâng cao chất lượng, nâng cao hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản; chuyển từ nuôi trồng, khai thác theo phương thức truyền thống sang công nghiệp hoá; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ môi trường; hiện đại hoá tàu thuyền, trang thiết bị, đảm bảo nâng cao hiệu quả khai thác thuỷ sản tái cấu trúc ngành thuỷ sản; chuyển mạnh sang nuôi trồng trên biển…
Chính phủ cũng coi đây là một nhiệm vụ đột phá trong tái cấu trúc ngành thuỷ sản trong giai đoạn tới. Đây cũng là thực hiện Nghị quyết 36 của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khoá 12 về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng thuỷ sản chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực đánh bắt hải sản sang nuôi trồng thuỷ sản giải quyết thêm nhiều việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.
Thứ hai, trên cơ sở tái cấu trúc ngành thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ có liên quan, cùng các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch theo Luật Quy hoạch yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ chủ trì. Trong đó, xác định đầy đủ các khu vực biển đảo có tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành thuỷ sản khai thác và nuôi biển từ đó làm cơ sở cho việc đầu tư khai thác và nuôi biển quy hoạch sử dụng biển quốc gia phải gắn với việc điều tra, đánh giá đầy đủ về nguồn lợi thuỷ sản trên biển để làm cơ sở xây dựng kế hoạch khai thác thuỷ sản phù hợp với nguồn lợi thuỷ sản của Việt Nam.
Để xây dựng chiến lược phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam giai đoạn 2021 đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lập quy hoạch các vùng kinh tế và hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch tỉnh theo quy hoạch hiện nay tất cả các địa phương đang tập trung để lập quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch mới. Trong đó, xác định rõ các quy hoạch cần tích hợp vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh như quy hoạch hạ tầng thuỷ sản…
“Để hỗ trợ và phát triển ngành thuỷ sản Thủ tướng Chính phủ sẽ tổng kết Nghị định 67 để đánh giá, điều chỉnh nội dung chưa phù hợp như cơ chế về tín dụng cho ngành thuỷ sản”, Phó Thủ tướng cho hay.