Tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng
Ảnh minh họa |
Cùng với đó là công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý những vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho biết, ngày 17/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 210 và trong giải pháp đến năm 2020 có nêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Như vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong tổ chức sản xuất đầu tư công nghệ, nâng cao năng suất giá trị nông sản và phát triển thị trường.
"Đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp nông thôn", đại biểu Trang nêu câu hỏi.
Cùng quan tâm vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết, giải pháp gì để thúc đẩy phương thức tổ chức sản xuất, giải quyết tốt môi trường, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, người lao động khu vực nông thôn.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn. Ảnh: VGP |
Trả lời câu hỏi trên của đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Nghị định 57 của Thủ tướng ban hành thay thế Nghị định 210 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn thực sự là một thay đổi nhằm khuyến khích nhiều hơn, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp tập trung đầu tư khu vực nông nghiệp. Sau khi nghị định được ban hành, tất cả các tỉnh, thành phố đều tập trung triển khai thực hiện.
“Nghị định này có một số liệu rất đáng vui, chỉ trong vòng 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào khu vực nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ chỗ hơn 3.000 doanh nghiệp, đến nay đã có 11.800 doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp. Đó là một thành công bước đầu. Thành công nữa là hầu hết các tập đoàn lớn của nước ta đã hướng đến khu vực nông nghiệp. Các Tập đoàn TH Truemilk, Vinamilk… và hàng loạt các doanh nghiệp lớn khác đã hướng vào phân khúc của khu vực nông nghiệp tạo nên một hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng khoa học công nghệ để tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp hàng hóa”, Bộ trưởng phát biểu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, số liệu này là chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Bởi lẽ trong tổng số 11.800 doanh nghiệp chỉ có 49.000 doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, chỉ chiếm 8 % trong tổng số 750.000 doanh nghiệp của Việt Nam. Như vậy con số này còn ít so với sự cần thiết phải làm hạt nhân cho 8,6 triệu hộ nông dân.
Trả lời chất vấn đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết chúng ta đã đạt được những thành tựu rất toàn diện và bứt phá. “Thủ tướng Chính phủ đã dùng từ trong tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 10 năm tại Nam Định. Đó là một cái kết quả lịch sử toàn bộ các thiết chế hạ tầng khi chỉ trong vòng 9 năm được nâng lên với giá trị 2,4 triệu tỷ đồng; 91 % số xã có điện lưới là một sự cố gắng”, Bộ trưởng cho hay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận còn những mặt tồn tại, đó là đời sống của người dân vùng nông thôn còn khó khăn. Mặc dù đã được nâng lên 3,5 lần so với chỉ tiêu mục tiêu ban đầu đặt ra (chỉ 2,5 lần) nhưng so với thực tế yêu cầu và so với nguyện vọng của chúng ta thì vẫn còn thấp. Thứ hai, chỉ tiêu chất lượng chưa đảm bảo, về môi trường hiện nay mới đảm bảo có 63,7 % số xã có thu gom rác thải nhưng đây mới chỉ là thu gom bước đầu mà chưa có được xử lý triệt để theo công nghệ mới.
Bên cạnh đó, việc hình thành sản xuất lớn sản xuất liên kết sản xuất chuỗi ở khu vực nông thôn dù đã được định dạng nhưng chưa phổ biến. Cho nên dẫn đến nhiều vùng miền, như Thái Bình vẫn còn tình trạng hiện nay người dân không mặn mà với ruộng đất. Đây là một câu hỏi để tới đây chúng ta phải tích tụ thế nào, tái cơ cấu nông nghiệp thế nào để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa nông nghiệp.
“Để giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Nông nghiệp cùng các ngành khác chuẩn bị tham mưu để tới đây giai đoạn 2021-2025 xác định định rõ các giải pháp để tập trung nguồn lực, tập trung sự chỉ đạo, tập trung nhóm giải pháp phải giải quyết cho được những nút thắt, những vấn đề còn tồn tại. Đó là thúc đẩy sản xuất, môi trường, tổ chức sản xuất lớn….”, Bộ trưởng cho biết thêm.