Giải bài toán “được mùa, mất giá”
Tiềm lực nâng cao giá trị nông sản Việt | |
Kỳ vọng từ chuỗi liên kết | |
Làm gì ổn định đầu ra cho nông sản? |
Tình trạng nông sản được mùa - mất giá đã diễn ra trong nhiều năm qua và vẫn đang tiếp tục trong năm nay. Chưa thể nói trước tình trạng này có còn tiếp diễn nữa hay không, nhưng những mô hình sản xuất mới thành công và có “đầu ra” ổn định bằng việc liên kết sâu theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao sẽ là “giải pháp vàng” để nông sản Việt Nam phát triển sạch và nông nghiệp Việt phát triển bền vững.
Giải bài toán “giải cứu”
Hành tím, dưa hấu, cà chua, chuối... và gần đây nhất là thịt lợn rơi vào tình cảnh phải "giải cứu". Trong câu chuyện "giải cứu" gần đây nhất, giá thịt lợn xuống còn 15.000 đồng/kg - mức giá có “gặp ác mộng” người nông dân cũng không thể nghĩ ra được. Thế mà nó đã xảy ra, khiến người chăn nuôi lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là việc tổ chức sản xuất theo quy hoạch chưa đạt mục tiêu đề ra. Một số địa phương tuy đã xác định được địa chỉ các vùng chuyên canh cho các sản phẩm thế mạnh nhưng quy mô diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa đồng nhất, chưa thật sự có được vùng chuyên canh đúng nghĩa. Đặc biệt, trong liên kết chuỗi giá trị, liên kết vùng, miền hiện nay còn yếu...
Mô hình lúa – tôm sạch ở huyện Thạnh Phú - Bến Tre |
Bên cạnh đó, chưa có hệ thống thông tin thị trường đồng bộ, thống nhất từ Trung ương tới địa phương; năng lực phân tích, dự báo, nắm bắt xu hướng thị trường còn hạn chế, kênh chia sẻ thông tin thị trường đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn yếu và thiếu.
Ngoài ra, công tác nghiên cứu thị trường chủ yếu mang tính đột xuất, thời điểm, thời vụ khi có yêu cầu, phần lớn tập trung vào thu thập thông tin giá cả hơn là các thông tin phục vụ phân tích, dự báo, chưa có phương án thực hiện dài lâu, có trọng tâm, trọng điểm cho các sản phẩm được xác định là chủ lực. Đặc biệt, việc tổ chức sản xuất chưa xuất phát từ dự báo cung cầu thị trường...
Trong bối cảnh này, câu chuyện lúa sạch Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre là một điểm sáng. Nó khởi nguồn từ việc chính quyền huyện đứng ra làm đầu mối để kết nối doanh nghiệp và người trồng lúa trong các chuỗi giá trị lúa sạch, giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đây, người nông dân hoàn toàn yên tâm sản xuất mà không bận tâm chuyện “trúng mùa rớt giá” như trước. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đến các Tổ hợp tác sản xuất lúa sạch trên địa bàn huyện Thạnh Phú để bao tiêu sản phẩm lúa sạch với giá cao hơn thị trường.
Câu chuyện về lúa sạch Thạnh Phú cho thấy tầm quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị liên kết tập trung cho các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương, xây dựng nên một thương hiệu được tin cậy trên thị trường. Điều này sẽ mở ra cho người nông dân những cơ hội làm giàu ổn định.
“Giải pháp vàng” cho nông nghiệp
Hiện nay, ở nhiều nước phát triển, nông dân đã sản xuất nông nghiệp theo hướng quay về với tự nhiên, nói không với các loại hóa chất để phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe con người. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam đồng nghĩa với việc phải tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn, nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Đây là một trong những giải pháp phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thông qua việc chú trọng, đẩy mạnh xây dựng và phát triển các thương hiệu nông sản chủ lực của Việt Nam.
Trên thực tế, sản xuất nông sản không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu (nền nông nghiệp sạch, hữu cơ) đang dần trở thành xu hướng tất yếu. Nhiều thương hiệu nông sản sạch, chất lượng như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), bưởi da xanh (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu (Đồng Tháp), quýt đường (Trà Vinh), Tám xoan Hải Hậu (Nam Định), gạo Điện Biên (Điện Biên), gạo Nàng Thơm chợ Đào (Long An)… đã không chỉ được thị trường trong nước biết đến, mà đã tìm được những chỗ đứng nhất định trên thế giới, giá lại luôn ổn định.
Đây là lý do hiện nay một bộ phận không nhỏ nông dân đã bắt đầu theo đuổi các mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP vì chi phí đầu tư phù hợp, dễ bán, lợi nhuận cao, đỡ vất vả và đảm bảo an toàn. Các mô hình sản xuất mới đã được áp dụng nhằm tìm ra lời giải cho "bài toán vừa được mùa vừa được giá". Một trong những mô hình đó là sản xuất liên kết sâu theo chuỗi và ứng dụng công nghệ cao, từ đó, “đầu ra” của người nông dân sản xuất nhỏ lẻ có sự ổn định, bền vững thông qua hợp đồng liên kết.
Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện tại các mô hình sản xuất mẫu lớn ở phía Nam đã có rất nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp mua với nông dân, được mua dưới rất nhiều hình thức: đầu tư trước vật tư cho nông dân sau đó doanh nghiệp thu mua sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân, nhờ đó, người nông dân có tiền và trả lại tiền vật tư cho doanh nghiệp. Với mô hình sản xuất rau ở một số tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng thu mua nông sản trước khi người nông dân sản xuất. Với mô hình sản xuất nguyên liệu sữa cung cấp cho các nhà máy thì các doanh nghiệp ký hợp đồng trước với người nông dân để đảm bảo ổn định đầu ra.
Các giải pháp này, cùng với việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương vừa ký kết Bản ghi nhớ tăng cường phối hợp công tác thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông - lâm - thủy sản giai đoạn 2016-2020, đã trở thành tin vui đối với những người làm nông nghiệp.
Trong thời gian tới, hai Bộ Nông nghiệp và Công Thương sẽ tăng cường phối hợp để triển khai thực hiện hiệu quả sáu lĩnh vực phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu thị trường; trao đổi thông tin, tháo gỡ rào cản phi thuế quan, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; quản lý thị trường; đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp nông thôn; thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường quản lý và phát triển làng nghề; quản lý nhà nước và thống nhất chỉ đạo các địa phương.