Tiềm lực nâng cao giá trị nông sản Việt
Kỳ vọng từ chuỗi liên kết | |
Nâng chất lượng nông sản |
Ảnh minh họa |
Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 9/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những nhóm ngành công nghiệp chính, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035.
Theo đó, giai đoạn đến năm 2025, Việt Nam ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản. Chính phủ cũng khuyến khích DN trong và ngoài nước đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nuôi trồng quy mô lớn, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đủ tiêu chuẩn cho công nghiệp chế biến.
Đồng thời, ưu tiên sản phẩm chế biến xuất khẩu có tính cạnh tranh cao, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt Nam. Điều này đã khẳng định việc phát triển ngành chế biến thực phẩm hiện được đánh giá rất cao.
Bởi Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu nông sản (gạo, cà phê, hạt điều, rau quả…) lớn nhất thế giới, nếu tập trung đầu tư phát triển ngành chế biến thực phẩm thì sẽ tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu thô phong phú. Khi đó, người nông dân sẽ giảm bớt gánh nặng phát triển nuôi, trồng tự phát, dẫn đến áp lực được mùa mất giá ở thị trường nội địa.
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều diễn đàn, hiệp ước kinh tế thương mại lớn. Thị trường trong nước có hơn 90 triệu dân, trong đó 60% ở độ tuổi từ 15 - 60 tuổi, sức tiêu dùng lớn; Các chính sách ưu đãi nhiều mặt cho giới đầu tư và lợi thế là nước xuất khẩu hàng nông sản lớn, có nguồn nguyên liệu thô phong phú… khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho đầu tư ngành công nghiệp thực phẩm.
Cụ thể như trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây và rau quả, từ năm 2016 đến nay có tốc độ tăng trưởng đáng kể là 26,5%/năm. Việt Nam đã xuất khẩu trái cây và rau quả đến hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong đó, có những thị trường lớn khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Không chỉ trái cây và rau quả tươi, mà ngành rau quả chế biến và đông lạnh của Việt Nam cũng đang phát triển.
Các nước châu Âu đã tăng nhập khẩu trái cây nhiệt đới đông lạnh như mít, sầu riêng, chôm chôm, thanh long, dứa và các sản phẩm ít được biết đến hơn như khổ qua và một số sản phẩm rau khác của Việt Nam. Ngày càng có nhiều công ty Việt đổi mới trang thiết bị và phương pháp bảo quản để nâng cao chất lượng, an toàn và sản xuất.
Ngược lại, cũng có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tăng đầu tư vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Theo ông Patrick Pullens, đại diện nhà máy sản xuất chế biến, đóng hộp rau quả Innotec Systems của Hà Lan thì ngành công nghiệp chế biến Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng phát triển. Nhất là lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, thị trường tiêu thụ lớn cả trong và ngoài nước.
Hiện tại, Công ty Innotec Systems đã cung cấp dây chuyền sản xuất, chế biến, đóng hộp rau quả tươi cho một số DN Việt Nam (như Công ty cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang) để sản xuất chế biến sản phẩm xuất khẩu. Đây được xem là bước tiến đáng kể, bởi từ trước, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam không phát triển được, do hầu hết DN chỉ tập trung mua gom xuất khẩu nguyên liệu thô, bán thành phẩm sang các thị trường thay vì đầu tư sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Mặt khác, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lân cận là Trung Quốc, với sức mua nông sản thô số lượng lớn, không yêu cầu cao về chất lượng, khiến DN Việt chưa sẵn sàng đầu tư mạnh vào trang thiết bị để phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm.