Giãn nợ vốn vay chăn nuôi chỉ là tình thế
Chủ động giãn nợ ở các tỉnh chịu thiên tai | |
Giãn nợ hàng nghìn tỷ cho hộ nghèo vùng lũ | |
Agribank giãn nợ cho khách hàng chưa trả đúng hạn |
Ngày 25/4, giá bán thịt lợn hơi trung bình ở các địa phương chỉ còn khoảng 24.000-27.000 đồng/kg, có nơi giá xuống còn có hơn chục ngàn đồng/kg. Mức giá trung bình trên đây chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái, đồng thời là mức giá thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo tính toán của các hộ nuôi, nếu quy mô nuôi từ 1.000-1.500 con, hiện nay mỗi tháng người nuôi sẽ lỗ từ 1,2-1,5 tỷ đồng.
Lần thứ 4 đề xuất gói tín dụng giải cứu
Tại Hội nghị khẩn cấp tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi vừa diễn ra ngày 24/4, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này đã kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo nhiều biện pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi. Trong đó, đối với phía ngân hàng, Bộ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo NHTM khoanh, giãn nợ cho chủ hộ vay để chăn nuôi và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Như vậy, đây là lần thứ tư trong vòng 13 năm qua, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ can thiệp, chỉ đạo các NH tham gia giải cứu ngành chăn nuôi bằng hình thức khoanh, giãn nợ và giảm lãi suất cho vay đối với người nuôi gia súc, gia cầm. Trước đó, các năm 2004, 2008, 2012 Bộ này cũng đã có những kiến nghị tương tự.
Ảnh minh họa |
Theo đó, vào năm 2004, trong bối cảnh dịch cúm gia cầm diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại ước khoảng 1.300 tỷ đồng, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị khoanh nợ, không tính lãi 1 năm đối với các hộ nuôi gia cầm bị thiệt hại. Tiếp đó, năm 2008, dịch lở mồm, long móng trên trâu bò và dịch tai xanh trên lợn bùng phát, Bộ NN&PTNT cũng đã kiến nghị khoanh nợ 2 năm (2008-2009) đối với hàng triệu hộ nuôi. Thời điểm này NHNN cũng đã phải ra văn bản (CV 6751/NHNN-TD, 2008) chỉ đạo các NHTM khoanh, giãn nợ và cho vay mới đối với chủ chăn nuôi bị tiêu hủy bắt buộc.
Gần đây nhất, năm 2012, dịch tai xanh trên lợn và bệnh hoại tử trên tôm xảy ra phổ biến ở hầu hết các địa phương, Bộ NN&PTNT một lần nữa lại “cầu cứu” các NHTM. Trong lần này, phía Bộ NN&PTNT đề xuất hẳn một gói tín dụng (9.000 tỷ đồng) để giải cứu ngành chăn nuôi. Thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra hẳn một văn bản (CV 1149/TTg-KTN, 2012) chính thức chỉ đạo toàn hệ thống NH vào cuộc. Sau đó, NHNN cũng đã ban hành Công văn 5294/NHNN-TD chỉ đạo các NHTM thực hiện khoanh nợ, giãn nợ 2 năm đối với hàng triệu hộ nuôi nhỏ lẻ và các cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại.
Đưa chăn nuôi vào kinh doanh có điều kiện
Trong 4 lần Bộ NN&PTNT đề xuất các NHTM giải cứu ngành chăn nuôi thì 3 lần là do ảnh hưởng của dịch bệnh. Lần này lý do giải cứu được cho là do thị trường tiêu thụ sụt giảm (chủ yếu ảnh hưởng sức mua từ thị trường Trung Quốc).
Điều này cho thấy mặc dù sau gần 15 năm thực hiện các chiến lược quy hoạch, phát triển ngành chăn nuôi nhưng các rủi ro về dịch bệnh và thị trường vẫn chưa được kiểm soát. Đến thời điểm cuối tháng 2/2017 vừa qua, trong khi giá thịt lợn sụt giảm thê thảm do thương lái Trung Quốc ngưng mua thì dịch cúm gia cầm (A/H7N9) cũng đã lan rộng ra 6 địa phương với hàng chục ổ dịch.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát và thị trường tiêu thụ bấp bênh như vậy, việc đòi hỏi các TCTD giải cứu bằng cách khoanh nợ, giãn nợ hết lần này đến lần khác, làm yếu thêm một lĩnh vực dịch vụ.
Đơn cử tại Đồng Nai, chỉ tính đến hết năm 2016, các NHTM trên địa bàn tỉnh này cho gia hạn nợ trên 1.100 tỷ đồng đối với các khách hàng chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh (theo Công văn 1149). Trong khi đó thời gian qua, chỉ riêng Agribank Đồng Nai cũng đã cho vay mới khoảng trên 2.500 tỷ đồng vào lĩnh vực chăn nuôi với lãi suất chỉ 6-7%/năm; Agribank Chi nhánh KCN Biên Hòa cũng cho vay khoảng 200 tỷ đồng vào các trại nuôi cho thuê. Chính vì vậy nếu buộc phải tiếp tục khoanh hoặc gia hạn các khoản cũ thì các NHTM sẽ rất rủi ro về vốn.
“Giải pháp khoanh nợ, giãn nợ chỉ là giải pháp đặng chẳng đừng trong các trường hợp không còn cách nào khác để thu hồi vốn đúng hạn thôi; không thể làm mãi được. Mỗi khi khoanh nợ, giãn nợ là nhóm nợ sẽ tự động đẩy lên. Mức nợ quá hạn của các TCTD sẽ tăng cao vừa thiệt hại vừa rủi ro cho phía NH” – ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Agribank KCN Biên Hòa nói.
Theo tìm hiểu tại một số tỉnh Đông Nam bộ, hiện nay dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực chăn nuôi đang có xu hướng tăng cao. Tại Đồng Nai lượng vốn các NHTM cho vay phục vụ chăn nuôi đã đạt con số trên 3.000 tỷ đồng với trên 110 trang trại, hợp tác xã và hơn 16.000 hộ chăn nuôi, tăng 40% so với năm 2015. Trong khi đó, tại Bình Dương ngoài các NHTM, Quỹ Đầu tư và Phát triển của địa phương, thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hàng vài chục trang trại, hợp tác xã chăn nuôi với số vốn hàng trăm tỷ đồng.
Với quy mô đàn heo phát triển quá nhanh chóng như hiện nay, Bộ NN&PTNT đã chính thức đề nghị các địa phương giảm quy mô đàn từ mức 4,2 triệu con nái hiện nay xuống mức 3 triệu con vào năm 2019. Tuy nhiên, theo đại diện một số NHTM, ngành Nông nghiệp cần có giải pháp mạnh hơn. Theo đó phải siết chặt điều kiện về chăn nuôi nhằm hạn chế tình trạng tái đàn ồ ạt. Chỉ khi nào chủ động được thị trường và kiểm soát tốt được dịch bệnh thì ngành chăn nuôi mới mong thoát khỏi “điệp khúc” phải kêu gọi các NHTM khoanh nợ, giãn nợ như hiện nay.